1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Chợ trời” trong các dãy nhà chung cư

(Dân trí) - Chợ trời ở đây không phải hiểu với nghĩa “lắt léo” nào đó mà chỉ đơn thuần là phiên chợ họp trên cao, trong các dãy nhà chung cư ở Nam Trung Yên, Hà Nội. Các khu chung cư dành cho các hộ dân tái định cư này được xây khá hiện đại, nhưng lại có tính “cô lập” với những nơi có các hoạt động thông thương.

Một sạp “ngang” với cả chợ

 

Một tấm biển treo hờ hững trên cửa sổ, một chiếc tủ kính, mấy chiếc rổ rá đã hợp thành cái “sạp chợ” của chị Trần Bích Hằng ở cuối hành lang tầng 4, dãy nhà B11B khu Trung Yên. Sạp vừa mở được 18 ngày với đủ cả đồ khô, hàng tươi sống bày bán trong khoảng không gian vài chục xăng-ti-mét vuông. Có thể kể tên các mặt hàng cụ thể như gạo, miến, khoai sọ, cà rốt, cải bắp, dưa cà muối. “Sống động” nhất là thịt lợn với các loại nạc thăn, sấn mông, sấn vai…

 

Gia đình “bà chủ” mới chuyển đến khu nhà tái định cư này cùng hầu hết xóm giềng khu ngõ Xe Làng, thuộc diện giải phóng mặt bằng đường Phương Liên - Ô Chợ Dừa. Tất cả đều từ dân buôn bán, hàng quán giờ thành… người rỗi việc. Ở ngõ Xe Làng, chị Hằng bán hàng ăn sáng (bún cua, bún ốc) ngay cửa nhà, làm lụng từ sáng đến 9-10 giờ trưa là đủ 70.000-80.000đ/ngày, cuộc sống gia đình chẳng có gì phải lo.

 

Chuyển đến nơi ở mới, ngoài việc nhà cửa tươm tất hơn thì cuộc sống gia đình gặp nhiều xáo trộn, khó khăn không nhỏ. Không muốn có thay đổi đột ngột trong năm học cuối cấp, chị Hằng vẫn để các con học trường cũ, dù đi lại xa xôi, vất vả nhiều. Con bé em học lớp 8 tại trường Phương Mai, sáng nào cũng phải đi từ 6 giờ sáng, bắt xe buýt cho kịp giờ học. Điểm đỗ xe buýt lại quá xa, có buổi xe đông quá, không dừng cho khách lên, con bé lại phải quay về nhà để mẹ lấy xe đưa đi.

 

Ăn không ngồi rồi cả hai vợ chồng, chị đành cố ôm đồm “hằm bà rằn” đủ thứ đồ có thể buôn bán được để lo sinh hoạt cho cả gia đình. Mỗi ngày, “bàn thịt” lưu động của chị “nhập về” 2 kg hàng, cộng 2 kg rau quả (dăm mớ rau muống, 3-4 cái bắp cải) mà cũng ngày hết ngày còn. Món hàng đắt khách nhất ở cái cửa hiệu tạp pí lù này là mì tôm và bimbim. “Doanh số” cả ngày kể cả vốn lẫn lãi cũng chỉ trên dưới 100.000đ.

 

Chị chép miệng thở dài nhớ lại những ngày làm ăn khấm khá mới đây mà đã thành xa lắm rồi: “Ở chỗ cũ, đông vui, bán gì cũng được, làm gì cũng sống. Về đây đúng như cấm vận hoàn toàn, chẳng làm ăn gì được, chợ búa thì xa xôi, bất tiện. Quầy hàng vừa là nơi giao tiếp với hàng xóm vừa mong “chèo kéo” thêm đôi đồng cho con ăn học”.

 

Nhắm đến sự… nhỡ nhàng

 

“Chợ trời” trong các dãy nhà chung cư - 1

“Phần nổi” của một sạp chợ.

Chỉ cần mở cửa nhà mình là chị Hạnh ở phòng 401 B11A đã có thể tiếp thị những đồ ăn sáng của nhà mình với các cư dân trong toà nhà qua tấm biển đính vào cánh cửa... Quầy hàng của chị nằm trong gian phòng mà lẽ ra dùng làm phòng khách, với các thứ hàng ăn sáng thông dụng như bánh mì, bún riêu cua…

 

Chị Hiền cho biết, số lượng đồ ăn “tiêu thụ” trong mỗi ngày hoàn toàn có thể đếm được (dao động khoảng 10-15 bát bún, 5-7 chiếc bánh mì). Khách của quầy bún chủ yếu là những cư dân ở cùng dãy với chị Hạnh, trong đó có người thỉnh thoảng phụ giúp chị cùng bán cho đỡ buồn.

 

Thực trạng mua bán tại quầy ăn được chị đúc kết bằng câu “ế sưng ế sỉa”… Theo lời chị, cách đây không lâu một quán phở được mở ra nhưng không hút được khách đã phải đóng cửa sau ít ngày. Biết rất rõ “tiền lệ” nhưng là dân buôn bán cũ nên chị vẫn muốn “theo nghề”. Hơn nữa đó cũng là cách để chị phụ giúp đôi tí cho ông chồng, người vẫn ngày ngày chạy hàng chục cây số về “chốn xưa” ở Ô Chợ Dừa để bám nghề xe ôm.

 

Anh Nguyễn Văn Hạnh, phòng 408 B11D cho biết, vợ anh là người “chớp thời cơ nhanh”, mở “cửa hàng” kinh doanh ngay khi vừa mới về toà nhà. Không biết dùng từ gì để khái quát chung cho các mặt hàng được bày bán, chỉ biết mặt hàng được bán chạy nhất là bia, rượu và kế đến là… dưa, cà. 

 

Tổng “doanh thu” trong một ngày theo anh Hạnh là dao động trong khoảng 70-80.000đ. Tiền lãi thu về chỉ là phần nhỏ trong số tiền trên và không thể “sánh” với công việc buôn bán gà ở dưới phố trước kia, mỗi ngày kiếm 50-60.000đ nhẹ nhàng như không. Nhưng đó là công việc để vợ anh kiếm thêm khi đảm nhận việc trông nhà.

 

Tiền tiêu thì tốn mà chẳng kiếm ra nên đôi khi anh Hạnh cũng phải “lấn sân”, đứng ra bán hàng khi vợ bận việc. Công việc chính của anh là chạy xe ôm bên dưới toà nhà, với lượng khách bình quân là 1-2 người/ buổi.

 

Theo vợ anh Hạnh, những người dân sống trong toà nhà hầu hết không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp. Những mặt hàng được bày bán chủ yếu nhắm đến trường hợp những người sống trong toà nhà bị “nhỡ nhàng”. Hàng hoá chạy nhất vào những ngày mưa gió, lầy lội -  khi người dân không thể đi chợ cách xa khu nhà đến 3-4km.  

Phương Thảo - Kim Tân