1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chính sách phát triển nhà ở: Cần công khai minh bạch

(Dân trí) - Sáng nay 24/10, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật nhà ở. Tính công khai, minh bạch trong phát triển nhà ở được nhiều người quan tâm. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng có báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở.

Luật nhà ở với 9 chương và 153 điều được các đại biểu “mổ xẻ” khá kỹ ở phiên thảo luận sáng nay. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật nhà ở. Ngay sau kỳ họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Uỷ ban pháp luật, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu để chỉnh lý dự thảo.

 

Trong báo cáo giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu trình bày việc sửa đổi một số nội dung cơ bản và một số vấn đề cụ thể của dự thảo luật.

 

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo đã chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo từ việc cần công khai và minh bạch hơn trong chính sách phát triển nhà ở cho đến việc hướng tới mục tiêu thẩm mỹ, đa dạng về kiểu dáng kiến trúc trong xây dựng nhà ở.

 

Về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, báo cáo giải trình cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là yêu cầu cần thiết để nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của công dân đối với nhà ở. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau về hình thức của giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Có hai loại ý kiến về vấn đề này, ý kiến thứ nhất đề nghị cấp chung một giấy cho nhà và đất ở, đó là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Ý kiến thứ hai đề nghị phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

 

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội,  để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ cuả mình và căn cứ vào yêu cầu thực tế  thì Luật nhà ở sẽ quy định theo hướng: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được cấp khi chủ sở hữu nhà ở có yêu cầu. Đối với nhà ở tại khu vực đô thị (gồm cả chung cư), thì quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp chung trong một giấy là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” trong trường hợp chủ sở hữu nhà vừa đồng thời là chủ sử dụng đất ở. Đối với những nhà ở đô thị mà chủ sở hữu nhà không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (còn người chủ sử dụng đất ở được  cấp giấy chứng nhần quyền sử dụng đất ở).

 

Đối với khu vực nông thôn (đồng bằng, trung du, miền núi, hải đảo…) do mỗi gia đình thường có vài trăm mét vuông đất để làm nhà ở và các công trình phục vụ tăng gia sản xuất nên nhu cầu bức xúc hiện nay của nhân dân là được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Trường hợp hộ gia đình có nhu cầu thì mới thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại nông thôn cho dân.

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh