Chính quyền đô thị tại TPHCM: Quận 3 xin tăng biên chế
(Dân trí) - Thực hiện đề án chính quyền đô thị, quận 3 dôi dư 17 cán bộ và sau khi sáp nhập 3 phường cũng dôi dư 31 cán bộ, công chức. Quận 3 xin tăng 48 biên chế này cho khối Đảng và chính quyền.
Xin tăng 48 biên chế cho khối Đảng và chính quyền
Sáng 26/11, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi làm việc với Quận ủy quận 3.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Thành Kiên - Bí thư Quận ủy quận 3 - đã đề xuất tăng biên chế cho khối Đảng và chính quyền.
Theo ông Kiên, để chuẩn bị cho việc sắp xếp cán bộ theo đề án chính quyền đô thị TPHCM không tổ chức HĐND cấp quận, phường và theo phương án sáp nhập ba phường 6, 7, 8 thành phường Võ Thị Sáu, quận 3 sẽ có 48 cán bộ phải điều động về công tác tại Quận ủy và UBND quận.
Vì vậy, để đảm bảo việc sắp xếp cán bộ theo các phương án nêu trên, Bí thư quận 3 đề xuất Thành ủy, UBND TP tăng biên chế tại hai khối Đảng và chính quyền.
Cụ thể, biên chế tại Quận ủy tăng 13 biên chế từ 47 biên chế hiện nay lên 60 biên chế; biên chế thuộc UBND quận tăng 35 biên chế từ 195 biên chế lên 230 biên chế.
Số biên chế này được thực hiện từ năm 2021 và sẽ điều chỉnh giảm trong các năm tiếp theo.
Quận 3 khi thực hiện quy định sáp nhập phường 6, 7, 8 thì số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập là 31 người. Không tổ chức HĐND quận, phường thì số lượng cán bộ HĐND quận và 14 phường dôi dư 17 người.
Cấp quận có 3 người, trong đó 1 Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND quận và 2 Phó Trưởng ban chuyên môn là Ban Pháp chế và Kinh tế - xã hội. Cấp phường có 14 Phó Chủ tịch HĐND phường hoạt động chuyên trách.
Như vậy, sau khi sáp nhập phường 6, 7, 8 và không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường thì số cán bộ dôi dư phải bố trí, sắp xếp là 48 người.
Bên cạnh đó, ông Phạm Thành Kiên cũng đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy phân cấp cho Bí thư Quận ủy và Chủ tịch UBND quận 3 căn cứ theo chỉ tiêu biên chế được giao, căn cứ theo yêu cầu công việc được quyết định điều động cán bộ. Quận 3 sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP về cơ cấu, trình độ, tiêu chuẩn công chức của cán bộ được điều động.
Định kỳ hàng quý, quận sẽ báo cáo cho Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP.
Bí thư quận 3 nhấn mạnh rằng, đề xuất như trên là để thuận lợi trong việc điều động bố trí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý từ khối quản lý Nhà nước qua khối Đảng, đoàn thể và ngược lại.
Tổ chức khu vực Hồ Con Rùa thành phố đi bộ
Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Thành Kiên cho biết, ngay sau Đại hội Đảng bộ quận 3 nhiệm kỳ 2020-2025, quận đã thực hiện bước đột phá đầu tiên là xây dựng 2 đề án: xây dựng tuyến phố đi bộ trên Nguyễn Thượng Hiền và khu vực Hồ Con Rùa; đề án Quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận 3.
Cũng theo Bí thư quận 3, ý tưởng xây dựng phố đi bộ khu vực Hồ Con Rùa xuất phát từ việc chính quyền quận 3 làm việc với các phường và ý kiến của người dân, cán bộ đảng viên trên địa bàn.
Hồ Con Rùa nằm ở khu vực trung tâm TPHCM, gần nhà thờ Đức Bà là một công trình nổi tiếng của thành phố cần phải được tổ chức lại cho xứng tầm.
"Hồ Con Rùa sẽ được đầu tư, cải tạo lại thành phố đi bộ chất lượng cao chứ không chỉ là khu vực kinh doanh bình thường như các khu vực khác", ông Kiên nói.
Đề án phố đi bộ Hồ Con Rùa hiện đang được hoàn chỉnh để trình UBND TPHCM thông qua chủ trương.
Về xây dựng phố đi bộ Nguyễn Thượng Hiền, Bí thư quận 3 cho biết, con đường được biết đến là nơi buôn bán đồ ăn vặt, đồ ăn đường phố và đa số đồ ăn được đặt qua mạng đều xuất phát từ đây. Địa điểm này cũng từng xuất hiện trên các tạp chí du lịch, diễn đàn du lịch "bụi" của người nước ngoài.
Vì vậy, quận 3 sẽ tổ chức lại con đường Nguyễn Thượng Hiền thành phố đi bộ để đảm bảo chất lượng phục vụ tốt hơn và tạo điều kiện cho việc kinh doanh, phát triển kinh tế của người dân.