Chính quyền đô thị tại TPHCM: Thành bại do người đứng đầu
(Dân trí) - Khi bỏ HĐND cấp quận, phường thì vai trò người đứng đầu chính quyền thành phố nâng cao hơn trong lựa chọn cán bộ. Người đứng đầu tự chịu trách nhiệm trước HĐND TP và trước Đảng về lựa chọn này.
Hơn 10 năm nay, TPHCM đã đeo đuổi đề xuất thực hiện đề án chính quyền đô thị. Và sáng 16/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chính quyền đô thị TPHCM. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành viên Hội đồng Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM. Ông là người có nhiều ý kiến đóng góp và phản biện xã hội với đề án không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn TPHCM.
- Thưa ông, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chính quyền đô thị TPHCM. Vậy người dân kỳ vọng gì ở mô hình chính quyền đô thị?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Đây là một chủ trương đúng đắn. Trước đây TPHCM từng thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường và đến nay đã chín muồi để triển khai thực hiện. Cử tri thành phố rất quan tâm và đồng tình với mô hình chính quyền đô thị. Mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội thành phố.
Thứ nhất, mô hình này giúp bộ máy chính quyền vận hành tốt hơn, giải quyết công việc của người dân nhanh chóng, bớt chi phí đầu tư cho chính quyền TP và tập trung vấn đề dân sinh.
Thứ hai, người dân có điều kiện trực tiếp tham gia thực hiện quyền dân chủ của mình trong việc đối thoại với chính quyền khi giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ ba, chính quyền đô thị đề cao vai trò và trách nhiệm của cán bộ, công chức khi giải quyết vấn đề cử tri quan tâm. Tạo cơ chế chủ động và tự chịu trách nhiệm trước người dân.
Thứ tư, khi người dân có ý kiến đối với chính quyền thì chính quyền chủ động ban hành chính sách gần dân hơn, như về quy hoạch, nhà đất... Chính quyền cũng giải trình và tự chịu trách nhiệm trước người dân và làm cho cán bộ năng động hơn.
Đặc biệt, khi bỏ HĐND cấp quận, phường thì vai trò người đứng đầu chính quyền thành phố nâng cao hơn trong việc lựa chọn cán bộ, công chức, đó là chọn cán bộ có tâm, có tầm, có tài.
HĐND TP giám sát hoạt động chính quyền thành phố, cùng chính quyền địa phương giải quyết vấn đề bức xúc của người dân.
- Cơ quan hành chính Nhà nước làm việc theo chế độ thủ trưởng. Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM có quyền bổ nhiệm/cách chức các chức danh lãnh đạo UBND quận mà không cần thông qua HĐND quận như trước đây. Điều này đặt ra thách thức lớn ở công tác cán bộ vốn được xem là "cốt lõi của cốt lõi"?
- Điểm mấu chốt là lựa chọn cán bộ đúng và người có thực tài. Chúng ta muốn hoàn thành những mục tiêu đề ra thì cuối cùng vẫn là con người.
Người đứng đầu chính quyền thành phố có quyền lựa chọn những người có khả năng và biết trước những việc cần làm ở cán bộ mà mình lựa chọn. Người đứng đầu chính quyền tự chịu trách nhiệm trước HĐND TP và trước Đảng về sự lựa chọn này.
Tôi cho rằng đây là một bước đột phá của người đứng đầu thành phố, chính quyền đô thị năng động. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người, lựa chọn cán bộ tài năng, có đức và tự chịu trách nhiệm.
- Khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường, ngoài quy chế phối hợp thì Mặt trận Tổ quốc thành phố có đề xuất gì để phát huy hiệu quả giám sát chính quyền cao hơn?
- Pháp luật quy định rõ nhiệm vụ giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc. Thời gian vừa qua, Ban Bí thư cũng đã có tổng kết về giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Theo đó, công tác giám sát đã phát huy vai trò, quyền làm chủ của người dân.
Khi ban hành chính sách, quy định pháp luật, thông qua "lăng kính này", những chủ trương, chính sách phù hợp với lòng dân hơn.
Qua giám sát, phản biện, thời gian qua chúng ta làm được nhiều việc, những chính sách phục vụ nhân dân và trong hoạt động đối với chính quyền, đặc biệt là quản lý cán bộ, công chức, đảng viên được nâng lên một chất rất cao và phù hợp với quy định pháp luật hiện nay.
Chúng ta làm khá nhiều việc, những chính sách, chủ trương đưa ra đều phục vụ cho người dân và bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Song bên cạnh đó, vai trò phản biện xã hội cần nâng lên một chất nữa. Cụ thể, cần có những quy chế để làm sao khi phản biện vấn đề nào đó thì các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phải phản hồi.
Nếu không có phản hồi, những cơ quan có thẩm quyền cũng phải "xử lý" với những chính sách mà không có phản biện lại Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội khác.
Đồng thời, chúng ta cần có cơ chế để tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là vai trò giám sát và phản biện đã được hiến định và luật pháp quy định.
Trong nhiều năm khi tham gia phản biện, giám sát một số chủ trương của chính quyền TPHCM, tôi thấy TPHCM có nhiều chỉ thị, quyết định phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Hội đồng Dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TP có phản biện nhiều về quản lý lòng lề đường, tách thửa khi sử dụng đất...
Tuy nhiên qua phản biện, tôi thấy các cơ quan quản lý Nhà nước có vấn đề tiếp thu nhưng có vấn đề không tiếp thu hết. Đây là vấn đề cần giải trình lại làm sao ban hành chính sách hợp lòng dân hơn.
Chúng ta cần có phản hồi lại những phản biện đó là tại sao cái này đúng, tại sao cái này sai. Nếu chính sách đưa ra không phục vụ lợi ích nhân dân, không phù hợp quy định pháp luật thì khi ban hành phải thường xuyên sửa đổi lại.
Bên cạnh đó, đối với những quy định pháp luật đã có (như vấn đề không bán thuốc là cho trẻ em dưới 18 tuổi, sử dụng rượu bia ở trẻ em... ) phải thực hiện nghiêm. Cùng với đó, thực hiện tốt giám sát, phản biện thì chính quyền địa phương mạnh hơn, người dân tin tưởng hơn một chính quyền đô thị vì dân, phục vụ người dân tốt hơn.