Chiến sỹ Điện Biên kể chuyện
(Dân trí) - Nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2019), Đại tá Nguyễn Xuân Mai, Chiến sĩ Điện Biên Phủ, nguyên Tổng biên tập Báo Cựu Chiến binh Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không-Không quân kể lại một số mẩu chuyện về mình, về đồng đội, tự hào được góp phần làm nên kỳ tích rung chuyển thế giới.
Nhớ ngày Xuân lên đường đi kháng chiến
Đầu xuân 1947, tôi từ Hà Nội tản cư về sống với bác tôi làm nghề thủ công ở chợ Mễ ngay ven đê tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nhưng chỉ mấy tháng sau, quân Pháp tràn về xây đồn bốt, lập chính quyền tề ngụy. Mọi người dân ở đây phải sống trong vùng địch tạm chiếm. Tôi đã chứng kiến bao cảnh quân Pháp vây càn, đốt nhà, bắt phu, bắt người và giết người rất man rợ. Chỉ riêng đồn Thiết Trụ ngay sát chợ Mễ, chúng đưa ra bờ sông bắn chết hàng trăm người, rồi đẩy xác xuống sông Hồng ...
Cuối năm 1951, quân ta về tiêu diệt hàng loạt đồn bốt địch trong huyện Khoái Châu. Thanh, thiếu nên chúng tôi rất háo hức đi theo bộ đội, tình nguyện làm dân công phục vụ chiến đấu... Chúng tôi xin được tòng quân. Các anh bộ đội chủ lực bàn giao chúng tôi cho Huyện đội, tổ chức tuyển quân theo quy định. Thế là 36 anh em chúng tôi đều phấn khởi về nhà từ biệt gia đình, khăn gói lên đường. Chúng tôi xếp hàng đi trên đê theo hướng dẫn của cán bộ, vừa đi vừa cất cao giọng hò: "Hỡi cô thắt đáy lưng xanh/ Để tiền mua súng cho anh diệt thù ! "... Nhân dân trong xã đều hồ hởi vẫy chào chúng tôi . Đó là một ngày đầu xuân 1952 .
Tôi phải khai tăng thêm tuổi, vì lúc đó tôi chưa sang tuổi 17. Tôi phải gian lận mượn mấy thỏi sắt của ông thợ lò rèn giấu trong người cho đủ 45 kg mới trúng tuyển... Toàn huyện Khoái Châu có gần 1 tiểu đoàn tân binh. Chúng tôi được biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội ... bắt đầu hành quân qua vùng địch tạm chiếm, lên Việt Bắc. Toàn phải hành quân đêm, băng qua những cánh đồng lúc lên cao, lúc xuống thấp rất vất vả. Xung quanh hướng nào cũng có đồn giặc. Những ánh đèn pha chiếu sáng rực. Thỉnh thoảng lại có loạt đạn pháo địch bắn ra. Mọi người đều phải nằm xuống tránh đạn...
Mỗi tân binh ngoài hành lý cá nhân đều phải vác ít nhất 10 kg gạo để ăn dọc đường. Mỗi người phải tự túc 1 chai nước uống. Khi hành quân, không ai được nói chuyện, không được phát ra ánh sáng, vì phải tuyệt đối giữ bí mật. Tín hiệu gọi nhau chỉ là chép miệng, hoặc huýt sáo khẽ
... Vất vả nhất là khi vượt đường số 5. Những xe quân sự và lính Pháp đi tuần có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Đoàn tân binh phải tách ra từng trung đội, lao nhanh qua đường số 5 xa vài nghìn mét mới được dừng lại. Hai bên đầu đường đều có du kích địa phương đứng gác bảo vệ, sẵn sàng phát tín hiệu báo động, khi có quân địch sắp đi qua.
Tháng 6/1954 sau khi vừa chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả được đề bạt Tiểu đội trưởng trinh sát.
Đến 1 khu rừng thuộc huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, tân binh được biên chế về các đơn vị chiến đấu. Tôi và một số anh em ở xã Mễ Sở được biên chế về tiểu đoàn 980, là tiểu đoàn phòng không - trợ chiến của Đại đoàn bộ binh 316. Chúng tôi tiếp tục hành quân lên sát dãy núi đá Phỏng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và lên rừng cách đó 10 km khai thác nứa về làm lán trại, chuẩn bị bước vào chỉnh huấn chính trị.
Sau khi xong lán trại, mỗi trung đội có 1 tấm phên dựng lên làm tờ báo "liếp", động viên mọi người viết bài dán lên đó. Lần đầu tiên tôi cầm bút viết 2 bài: 1/"Tôi đã biết chỉnh huấn là gì?" 2/: " Xuôi dòng Tân Long", kể chuyện về chuyến đi khai thác nứa đóng bè xuôi theo dòng suối Tân Long về làm lán trại...
Từ 2 bài báo đó, Ban chỉ huy đại đội đánh giá tôi là người có văn hóa khá, lại nói được mấy câu tiếng Pháp đơn giản, đã điều tôi lên làm chiến sĩ liên lạc của đại đội, kiêm phụ trách "báo liếp" và đội trưởng đội văn nghệ của đại đội ...
Số phận những ngày đầu tòng quân của tôi là như vậy. Tôi được tham gia 3 chiến dịch lớn trong chống Pháp: Chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952; chiến dịch Thượng Lào xuân hè 1953; chiến dịch Điện Biên Phủ đông xuân 1953 - 1954.
Tết bánh chưng chay, chiến công đậm
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ cách đây 65 năm, Đại đội phòng không trợ chiến 677 chúng tôi bố trí trên đồi Tà Lèng, chỉ cách cứ điểm A1 hơn 1000 m. Chúng tôi có nhiệm vụ bắn máy bay địch, bảo vệ trận địa sơn pháo 75 mm của ta dưới chân đồi và phòng tuyến các Trung đoàn 174, 98 của Đại đoàn 316 từ Tà Lèng qua dãy Đồi Xanh, đến Khe Chít.
Chiến dịch Điện Biên Phủ chưa mở màn. Nhưng máy bay Pháp vẫn nhào lộn, bắn phá suốt ngày đêm. Đạn pháo địch bắn ra vẫn nổ giòn quanh trận địa. Để giữ bí mật đến cùng, đại đội trưởng Trần Lang quy định: "Chỉ được nổ súng khi máy bay địch trực tiếp tập kích đội hình quân ta!"... Chúng tôi cứ lặng im chờ đợi suốt những ngày cuối tháng 1/1954...
Sáng 1 Tết ( 3/2/1954 ), sau khi nghe đọc thư chúc Tết của Bác Hồ gửi các chiến sĩ Điện Biên, mỗi người chúng tôi được phát 1 chiếc bánh chưng chay, không có nhân. Vì chỉ có ít thịt ướp đóng thùng từ hậu phương chuyển đến, không thể làm nhân bánh. Mỗi người được chia 2 miếng thịt lợn kho mặn chát bằng 2 ngón tay. Đặc biệt mỗi tiểu đội có 1 máng nứa đựng hoa chuối rừng nộm vừng, gọi là có chất "tươi" ngày Tết . Ăn xong, mỗi người được hút 1 điếu thuốc lá Cẩm Thủy, là quà Tết của nhân dân hậu phương gửi đến .
Gần trưa ngày mùng 1 Tết, sơn pháo 75 mm của ta dưới chân đồi được lệnh khai hỏa mừng xuân, bắn vào sân bay Mường Thanh. Một máy bay Pháp trên sân bay trúng đạn, bốc cháy, nhiều chiếc bị thương.
Từ chiều 1 đến hết ngày 2 Tết, địch chưa có phản ứng gì. Nhưng sáng ngày 3 Tết, 1 tiểu đoàn lính Âu Phi có xe tăng, máy bay và pháo binh phối hợp, từ Him Lam tiến ra Khe Chít, đánh lên trận địa ta ở Đồi Xanh.
Chúng tôi phát huy hết hỏa lực của 8 khẩu 12,7 mm, yểm hộ cho bộ binh ta, khiến những chiếc máy bay khu trục không dám sà xuống thấp, chỉ bay trên cao trút bom bừa bãi. Hôm đó tuy chưa bắn rơi máy bay nhưng chúng tôi đã phối hợp tích cực cùng bộ binh ta, đánh lui 6 đợt tiến công của địch, diệt 60 tên, đánh bật địch ra xa, bảo vệ được trận địa pháo và phòng tuyến Đồi Xanh của ta .
Hôm sau, ngày 4 Tết, quân Pháp lại tiếp tục tiến công. Chúng cho 1 bộ phận luồn rừng đánh thẳng vào trận địa pháo 75 mm dưới chân đồi Tà Lèng. Nhưng chúng đã bị các chiến sĩ pháo binh và bộ binh ta đánh bật ra ngoài.
Giữa lúc đó, hai chiếc máy bay Hen cát từ hướng Tây Bắc lao tới, định trút bom xuống trận địa pháo. Đại đội trưởng Trần Lang nhảy hẳn lên miệng hào, ra lệnh bắn. Xạ thủ Phạm Đình Hường của khẩu đội 1 vốn nổi tiếng bắn giỏi. Anh nhằm thẳng chiếc máy bay đầu chưa kịp bổ nhào, bắn 1 điểm xạ dài. Các khẩu đội khác cũng đồng loạt nổ súng. Chiếc máy bay đầu đàn trúng đạn, lảo đảo bốc cháy, lao đầu xuống đất nổ tung ngay phía ngoài dãy Đồi Xanh. Chiếc còn lại vội vọt lên cao, tháo chạy.
Chiến công đầu xuân của chúng tôi có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ khí thế chiến đấu của quân ta, làm quân thù khiếp sợ. Hôm đó và cả những ngày tiếp theo, thế trận phòng ngự Đồi Xanh được giữ vững, trận địa pháo của ta được bảo vệ an toàn.
Đây chính là chiếc máy bay Pháp đầu tiên bị lực lượng phòng không ta bắn rơi tại chỗ trong lòng chảo Điện Biên, ngay khi chiến dịch chưa mở màn. Trận ấy, Đại đội 677 của chúng tôi được tặng thưởng huân chương Quân công hạng 3 và 3 chiến sĩ được tặng thưởng huân chương Chiến công.
Tết ở Điện Biên Phủ năm ấy đối với chúng tôi, đúng là "Tết bánh chưng chay, chiến công đậm!"...
Ngọn đuốc tình dân
Câu chuyện xảy ra cuối tháng 1/1954, cách đây vừa tròn 65 năm. Đêm ấy, chúng tôi từ trận địa Tà Lèng cách đồi A1 của địch hơn 1000m, quay về tuyến sau lấy gạo và thực phẩm chuẩn bị ăn Tết Giáp Ngọ tại mặt trận Điện Biên. Từ hỏa tuyến về tuyến sau, phải men theo nhiều dãy núi, lội qua nhiều đoạn suối, xa chừng 10 km. Khi vượt qua những sườn đồi cháy, pháo địch từ Mường Thanh thường bắn tọa độ, mọi người đều phải dè chừng.
Nhưng khó khăn, vất vả nhất vẫn là chặng đường qua khe suối cạn. Khe suối như 1 đường hầm, hai bên vách núi dựng đứng, cây mọc rậm rập. Lòng suối hẹp, săm sắp nước chảy và ngổn ngang những tảng đá phủ đầy rêu. Mỗi lần qua đây trong đêm tối, tuy chỉ vài trăm mét, nhưng rất vất vả.
Lần này, sau khi lĩnh gạo và thực phẩm về tới khe suối cạn, đã quá nửa đêm. Sau 15 phút nghỉ lấy lại sức, chúng tôi đi theo hàng dọc, tay chống gậy, lần từng bước xuống lòng khe.
Đêm cuối năm nước suối lạnh cóng, trời tối đen như mực. Ai nấy đều vai vác nặng, người đi sau chỉ nhận ra người đi trước qua miếng gỗ mục có chất lân tinh gài trên mũ. Nhưng khi sắp đến chỗ rẽ ngoặt và cũng là chỗ khó đi nhất thì lạ thay, trên vách núi như có ánh lửa chập chờn. Ánh lửa khiến chúng tôi dễ nhận ra lối đi hơn và có sức hấp dẫn lạ thường!
Năm 2007, sau 53 năm, các chiến sĩ đêm ấy gặp lại nhau
Vượt qua được tảng đá nhô ra chắn ngang lòng suối, một cảnh tượng hiện ra khiến chúng tôi ai nấy đều sửng sốt. Một ông già dân tộc Thái vai khoác 1 tấm chăn rách, da đen sạm, tay cầm bó đuốc giơ cao như cố ý soi sáng cho chúng tôi đi. Ông đứng lặng yên trên 1 tảng đá, tay run lật bật theo ánh lửa bập bùng.
Chúng tôi hiểu, Tây Bắc chưa hoàn toàn được giải phóng, đồng bào Tây Bắc càng thương bộ đội gian khổ. Nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã góp bao công sức và cả xương máu cùng chúng tôi làm đường kéo pháo tiến vào bao vây Điện Biên. Những gạt gạo chúng tôi đang vác nặng trên vai, cũng do đồng bào Tây Bắc dành dụm, góp phần nuôi quân.
Ông già cùng với việc làm giản dị kia khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Đồng chí Giang Lê Luyện, chiến sĩ liên lạc của đại đội, đặt nhanh bao gạo xuống 1 phiến đá, rồi nhảy lên choàng tấm vải dù ngụy trang của mình lên người ông già và ôm chặt lấy ông: "Bố ơi! Bố khổ quá! "
Ông già không nghe được tiếng Kinh, cũng không nói được tiếng Kinh. Nhưng ông hiểu. Ông cười hiền hậu, khoát tay ra hiệu giục chúng tôi tiếp tục cuộc hành quân. Ông vẫn đứng đó như 1 pho tượng, tay giơ cao ngọn đuốc. Không nghe được tiếng nói nhưng chúng tôi hiểu tấm lòng của ông, cũng như tấm lòng của nhân dân các dân tộc Tây Bắc luôn luôn tin yêu Đảng và "Pú Hồ" (Tiếng dân tộc Thái gọi "Cụ Hồ"), một lòng một dạ tham gia kháng chiến...
Vượt đèo Pha Đin
Đầu tháng 11/1953, chúng tôi được lệnh hành quân đi chiến đấu. Đi đâu còn là bí mật quân sự. Mọi người đều hành quân bộ, mang vác từ vũ khí, ba lô, gạo, đồ dùng cá nhân... Mỗi người phải vác từ 30kg đến 40kg. Chiến sĩ liên lạc nhỏ bé như tôi cũng phải vác từ 20kg đến 25kg. Tôi là "hạt nhân văn nghệ" của đại đội, còn khoác trên cổ 1 cây đàn Măng - đô - lin.
Chặng đường cứ men theo sông Mã từ Thanh Hóa lên hướng Hòa Bình, bên kia sông là đất Lào, bên này là ta. Cứ thế đêm đi, ngày nghỉ. Đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2 giờ sáng. Mỗi người phải tự đào cho mình 1 hầm tránh máy bay, xong mới được mắc màn ngủ. Ai đến phiên, phải thức canh gác, vào rừng kiếm củi, đào bếp "Hoàng Cầm" giúp anh nuôi nấu cơm. Bữa ăn chỉ có cơm với cá khô. Mỗi tiểu đội có 2 máng nứa đựng canh, hôm thì bí đỏ, hôm rau cải. Nhiều bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ, nấu như cháo loãng với muối và chút mỡ, gọi là canh đậu.
Đơn vị tôi tập kết ngã ba Tuần Giáo sáng 7/12/1953.
Đến huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, phải lội qua suối Rút sang đường số 41, ngược lên Sơn La.
Ngày 17/11 đến Mộc Châu tỉnh Sơn La mới được nghe phổ biến nghiệm vụ tiến quân lên Tây Bắc lần thứ 2, đánh địch ở thị xã Lai Châu, giải phóng toàn bộ khu Tây Bắc.
Lúc này quân Pháp chưa nhảy dù chiếm đóng Điện Biên, chưa ai có khái niệm gì về Điện Biên Phủ. Nhưng máy bay Pháp thường xuyên ném bom phá giao thông, rải bom nổ chậm những chặng đường hiểm trở. Nhiều đêm chúng tôi phải rời đường 41, lội qua suối, lần từng bước cắt rừng mà đi. Người rét cóng, vai vác nặng, rất khó khăn, vất vả.
Một đêm qua đèo Chiềng Đông, máy bay địch ào đến trút bom. Một quả bom rơi trúng cuối hàng quân làm 2 đồng đội tôi hy sinh.
Đến ngã ba Cò Nòi, đường hành quân bắt đầu tấp nập. Quân Thanh Hóa ra gặp những dòng người từ Yên Bái, Phú Thọ... sang. Ban ngày đường vắng tanh, ít có bóng người. Đêm đến thì tấp nập. Mỗi khi bộ đội, dân công gặp nhau, hai bên hát hò, ai nấy đều quên hết mệt. Tôi vốn là "cây" văn nghệ của đại đội, đêm nào cũng phải nghĩ ra vài ba chục câu hò để đối đáp với các chị dân công.
Ngày 7/12/1953 sau 2 đêm hành quân vượt đèo Pha Đin, chúng tôi đến ngã 3 Tuần Giáo vào sáng sớm, khi trời còn mù sương. Lúc này mới được phổ biến địch đã nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, chúng đang rút quân từ Lai Châu về tăng cường phòng ngự Điện Biên.
Đại đoàn 316 chúng tôi được lệnh chia làm 2 cánh quân: Một phần vượt đèo Cơ - la - vô lên giải phóng Lai Châu. Số đông cắt rừng cấp tốc chặn địch đang rút từ Lai Châu về Điện Biên ở Mường Pồn. Trên quyết địch mở chiến dịch Trần Đình. Các đại đoàn chủ lực được lệnh hành quân cấp tốc lên Trần Đình, tức là Điện Biên Phủ, nơi chỉ 2 tháng sau, sẽ bắt đầu 1 trận đánh làm rung chuyển thế giới...
Chuyện còn ít người biết
Chúng tôi có vinh dự được NSND, đạo diễn Nguyễn Như Vũ, quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phím tài liệu và Khoa học Trung ương thay mặt Cục Điện ảnh, dẫn lên Điện Biên Phủ dự giao lưu và thăm lại chiến trường xưa.
Anh Nguyễn Như Vũ trân trọng giới thiệu với tôi một bức ảnh lịch sử ghi lại các phóng viên ảnh và quay phim trong chiến dịch ĐBP năm 1954, trong đó có ông thân sinh của anh là Nghệ sĩ Nguyễn Như Ái.
Được ngắm bức ảnh quý, tôi nhận ngay ra tôi đã có bức ảnh này từ năm 2004, trong dịp làm bản tin kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cùng với bức ảnh, tôi còn được NSND Ngọc Quỳnh kể lại câu chuyện tổ quay phim của ông tác nghiệp dưới bom đạn trong chiến dịch ĐBP năm 1954... Nhân chuyến về thăm lại ĐBP hôm nay, tôi xin kể tóm tắt câu chuyện của tổ quay phim trong chiến dịch ĐBP, có thể còn ít người biết, mà nhóm phóng viên chúng tôi đã ghi được...
...Đội quay phim có 4 người và 1 máy quay phim. ĐBP mưa nhiều, chúng tôi rất vất vả giữ máy và phim sao cho không bị ướt... Vào trận, khi quân ta bắn mạnh nhất, thì chúng tôi nhảy ra khỏi hầm tác nghiệp. Bom đạn nổ ầm ầm, người và máy chúng tôi vẫn xông lên. Anh Tiến Lợi quay phim chính cầm máy. Chúng tôi cùng chung tay làm điểm tựa cho anh, cũng để giúp anh thêm sức mạnh, sự tự tin và vững tay máy...
Địch và ta giằng co nhau từng tấc đất. Các cứ điểm A1, C1... vừa thuộc về ta, địch đã chiếm lại. Anh em quay phim vừa nhô lên đã thấy Tây lù lù ngay trước mắt! Máy móc lỉnh kỉnh, chạy hết hơi mới thoát. Có lần bị bom vùi tối tăm mặt mũi. Hàng giờ đồng hồ tự bới đất chui lên, nhìn lại hầm mình vừa trú đã tan tành. Bị đông nước đeo bên hông bị trúng mảnh bom, thấy ướt tưởng mình bị thương. Cái chết luôn luôn cận kề. Nhưng chúng tôi xác định dù thế nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ.
Sau ngày 7/5/1954, chiến trường còn vương khói bom đạn, các phóng viên quay phim chúng tôi vẫn còn đủ, nguyên vẹn. Chúng tôi vui mừng mang về hậu phương những thước phim quay trong thực tế chiến đấu của bộ đội ta, những thước phim vô giá mà các phóng viên chúng tôi đã ghi được bên cái chết trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ...
Câu chuyện bắt sống Tướng de Castries
Đoàn cựu chiến binh về dự giao lưu với bộ đội và học sinh ĐBP lần này, lẽ ra có cả anh Hoàng Đăng Vinh, người đã tham gia bắt sống tướng de Castries chiều ngày 7/5/1954. Nhưng do điều kiện sức khỏe, anh Vinh không đi được. Nay được dịp đứng bên hầm de Castries, tôi chợt nhớ đến câu chuyện từng được nghe anh Vinh kể, xin được kể lại với các bạn:
...Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh vào bắt sống tướng địch. Tôi và anh Nguyễn Văn Nhỏ khẩn trương theo chân anh Luật nhảy xuống hầm. Bên trong hầm, tôi thấy khoảng hai chục sĩ quan Pháp. Chúng cứ lui dần về phía cuối hầm.
Anh Luật hô một câu tiếng Pháp: "Hàng đi!". Tất cả sĩ quan Pháp đều giơ hai tay, trừ de Castries. Ông ta vẫn ngồi im trên ghế. Anh Luật bảo tôi bắt ông ta phải hàng. Tôi tiến đến trước mặt de Castries, mắt mở to, môi mím chặt để gây ấn tượng. Tôi chĩa khẩu Tôm-sơn về phía ông ta. Ông ta vội đứng lên và chìa bàn tay phải ra. Tôi nghĩ ông ta muốn bắt tay tôi... Tôi lúng túng nhưng tự nhủ là không thể chấp nhận được.
Thế là tôi hô một câu tiếng Pháp duy nhất mà tôi biết: "Hô-lê-manh!". Rồi tôi ẩn mũi súng vào bụng ông ta. Tướng de Castries vội lùi hai bước, giơ cả hai tay và nói một câu tiếng Pháp mà tôi không hiểu. Anh Tạ Quốc Luật vội dịch cho tôi nghe: "Đừng bắn! Tôi xin hàng!"...
Thế là chúng tôi đàng hoàng dẫn Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra khỏi hầm...
Thăm lại hầm Đại tướng Võ Nguyễn Giáp
Từ cửa rừng Mường Phăng, sau chặng đường dài leo trên sườn núi, tôi đã mệt rã rời, không bước nổi. May nhờ có các nghệ sĩ điện ảnh Kiều Trinh, Tuỳ Phong, Thảo Lê; các cán bộ Cục Điện ảnh Phương Thảo, Ngọc Hoà và phóng viên Khánh Hoà thay nhau xốc nách đưa tôi vượt qua chặng đường hầm, đến nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp.
Nhìn chiếc chõng nằm nghỉ và bàn làm việc bằng tre của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, tôi nghĩ nơi đây 65 năm trước, Đại tướng đã trải qua 11 ngày đêm cân nhắc, suy tính để đi đến cái mà hàng chục năm sau, trong hồi ký của mình, ông gọi là "Quyết định khó khăn nhất" trong cuộc đời chỉ huy: Thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh", sang "đánh chắc, tiến chắc"! Một quyết định mang tính lịch sử bởi nó là điểm tựa đưa đến ngày chiến thắng! Một quyết định đã làm xoay chuyển hẳn tình thế cho ta giành quyền chủ động cả về đấu trí và đấu lực với kẻ thù tại mặt trận, trở thành Quyết định đã quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ!...
Chúng tôi cùng vui vẻ chụp tấm hình lưu niệm trước chiếc lán làm việc của Đại tướng. Cây bưởi được trồng dưới chân dốc trước lán, đã 65 năm qua, vẫn vươn cao trong rừng Mường Phăng!
Đại tá Nguyễn Xuân Mai
Chiến sĩ Điện Biên Phủ
nguyên Tổng biên tập Báo Cựu Chiến binh VN
nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không-Không quân