1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỷ niệm 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2014):

Chiếc cầu Tacanô bắc ngang dòng nước mắt

Trong cuộc chiến tháng 2.1979 trên biên giới phía Bắc, có một phóng viên Nhật Bản tên là Isaô Tacanô đã ngã xuống.

Nhà thơ Anh Ngọc- khi đó là phóng viên mặt trận cũng có mặt tại thời điểm diễn ra cuộc chiến - kể lại với phóng viên NTNN về Isaô Tacanô và những hồi ức không thể nào quên đó.
Nhà thơ Anh Ngọc
Nhà thơ Anh Ngọc
Với ông, chắc hẳn những ký ức về cuộc chiến tranh 35 năm trước là những ký ức khó có thể phai mờ trong suốt cả cuộc đời?

- Đúng vậy, bởi đó là thời điểm lịch sử thật khó có thể quên không chỉ với riêng tôi mà với bất cứ người dân Việt Nam nào khác. Tôi vẫn còn nhớ rõ, sáng ngày 7.3.1979, chúng tôi có mặt tại cây số 4 tỉnh Lạng Sơn. Bầu trời u ám và rây rắc mưa xuân. Tiếng pháo dội về cùng tiếng gió mùa đông bắc, từng đợt, từng đợt, lạnh tê buốt chân tay. Cái thứ "viện trợ không hoàn lại" này từ phương Bắc xuống thì quá thừa thãi.

Chúng tôi đứng với nhau, túm tụm ven Quốc lộ 1A. Những phóng viên báo chí, phát thanh, quay phim, vô tuyến truyền hình trong và ngoài nước như không hẹn trước đều gặp nhau ở đây. Họ tựa như một đạo quân tình nguyện quốc tế, nhiều màu da, nhiều tiếng nói, nhưng cùng giống nhau một điểm: Vũ khí họ mang khi bước vào cuộc chiến không phải là những cây súng mà là những chiếc máy ảnh, máy quay phim. “Hoả lực”, “tầm sát thương” của tất cả những loại “vũ khí” này đều cực mạnh: Chúng có thể phát huy hiệu quả trong bán kính tới hàng vạn cây số.
Bộ đội chiến đấu bảo vệ thị xã Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới 35 năm trước.
Bộ đội chiến đấu bảo vệ thị xã Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới 35 năm trước.
 
Trong số rất đông phóng viên nước ngoài, tôi để ý tới một phóng viên người Nhật Bản tên là Isaô Tacanô. Anh cũng khoác trên mình lỉnh kỉnh mấy thứ vũ khí khác nhau. Trong số máy anh mang chắc không thiếu cả loại chụp phim màu và phim đen trắng, loại dùng pin lớn và loại dùng pin cỡ nhỏ... Tôi tự hỏi, “anh định thu hết sắc màu hình ảnh của mảnh đất này sao?”.

Ông từng nói là khoảnh khắc mà Tacanô bước vào cuộc chiến đó, trông anh không khác một người lính chiến cả về dáng vẻ cũng như tâm thức, thưa ông?

- Tacanô có phẩm chất đó. “Vũ khí” của anh bóng loáng. Tôi thấy bên sườn trái anh một cái máy có lắp ống kính tê lê, trước ngực thì một máy khác đã tháo sẵn nắp ống kính. Mà lúc ấy, mặt trận còn cách anh 4 cây số, 4 cây số với bao nhiêu cách trở, hiểm nguy. 

Anh có trong túi một cuốn sổ và một cây bút. Và anh đã, chỉ trong 30 phút thôi trước lúc ngã xuống, viết xong cả một bài báo. Ngắn. Hiển nhiên. Nhưng giữa hai đợt pháo bầy, viết một dòng cũng có thể đã là dài. Bài báo của Tacanô dài 2 cột - 65 dòng (theo cách xếp chữ của báo Nhân Dân). Cây bút của anh rất tốt. Nó đã nhả đạn đúng lúc...

Hoạt động của ông và các phóng viên khác lúc ấy là gì?

- Cùng với những người lính thật sự, chúng tôi chờ vọt tiến. Con đường 1A độc đạo quanh co giữa hai sườn đồi dốc. Khó mà tránh được việc phải hành quân dưới làn mưa pháo tọa độ của quân địch. Trung đoàn phó Dự là cán bộ chỉ huy cao nhất ở đây, mặc áo mưa đứng giữa đường. Anh đang tổ chức cho các tổ trinh sát vào bám sát địch. Vẫn là những anh trinh sát quen thuộc muôn thuở của chiến trường. Áo quần gọn gàng, AK báng gập cắp nách, đầy mình lủng lẳng toàn “da láng”, thứ lựu đạn nhẹ nhàng, tiện lợi của đặc công. 

Anh Dự chia anh em thành ba tốp: Một tốp bám sát “thằng” 800 - con mắt của pháo địch. Một tốp nắm Tam Thanh và một tốp vượt ngầm Kỳ Cùng lên Tam Lung. Đứng nhìn họ xuất phát, Isaô Tacanô bỗng nảy ra ý kiến có thể đi cùng trinh sát vào thị xã và anh nói ý đó với bạn mình.

Là một người lính, Tacanô yêu công việc chiến đấu và biết lúc nào cần xông lên. Cũng như những chiến sĩ trinh sát kia, không cần nhiều lời. Trong anh, có một thứ mệnh lệnh, dứt khoát và quyết liệt: Mục tiêu đã xuất hiện đúng phương án tác chiến, vũ khí đã sẵn sàng, người chiến sĩ phải nhanh chóng làm động tác cuối cùng - vận động về phía trước bằng sức mạnh tiềm tàng của cả cuộc chuẩn bị, của cả cuộc đời mình và nổ súng! Chiếc xe ô tô com măng ca rồ máy lao đi. Isaô Tacanô đã mất hút sau khúc quanh của ngọn đồi thông. Phía ấy vừa dứt một loạt pháo 130 ly nổ âm vang trong vách núi. Khói đạn ùn lên từng cột. 

Và người phóng viên Nhật Bản đó đã ngã xuống ngay trên mảnh đất thị xã Lạng Sơn, như một người lính thực thụ?

Nhà thơ Anh Ngọc kể: Sau này, trong buổi lễ truy điệu anh, đồng chí Miliamôtô Tarô - Uỷ viên T.Ư Đảng Cộng sản Nhật, phụ trách cơ quan đại diện của Đảng Cộng sản Nhật tại Việt Nam, Phân xã trưởng Acahata đã kể lại một chi tiết khiến tôi khẳng định thêm niềm tin: Trước khi lên đường đi Lạng Sơn, Tacanô tâm sự với các đồng nghiệp rằng: "Đi lên mặt trận thì có thể bị thương, có thể chết, đó là chuyện bình thường. Được hy sinh bên các đồng chí Việt Nam là một điều đáng tự hào. Tôi không sợ chết!".

- Nơi anh ngã xuống trên một đường phố nhìn thẳng ra chiếc cầu Kỳ Cùng đã bị địch phá sập, mục tiêu mà anh phải đến. Từ bên kia cầu quân địch đã xả đạn thẳng vào anh, hết loạt này đến loạt khác. Có người trách anh đã không biết chọn những " tử giác" để tránh đạn. Nhưng có thể nào lại chọn nổi một "tử giác" an toàn, khi nhiệm vụ của anh là phải dùng ống kính chiếm lĩnh chiếc cầu gãy kia, mà sát bên kia cầu lại chính là một lỗ châu mai. 

Anh đang ở chiến hào một, và ở đây, như một người lính, anh không thể có cách làm thứ hai: Trốn tránh nhiệm vụ. Như một người lính, anh đã làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ mà trận đánh đề ra. Và cuối cùng, phẩm chất cao cả nhất của người lính là nếu cần, sẵn sàng hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ - Tacanô đã làm đúng như vậy! 

Có phải vì cuộc sống gắn bó với mảnh đất Việt Nam suốt 12 năm qua: Anh sang học khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1967 và sau đó liên tục có mặt ở Việt Nam với nhiều cương vị khác nhau. Và từ 2.1978 anh là phóng viên thường trú của báo Acahata tại Việt Nam - một đất nước dạn dày bom đạn đã rèn luyện cho anh có một cơ thể và tinh thần vững chãi, cương nghị? 

Tôi đã vào nhà tang lễ Bệnh viện Việt Xô viếng anh. Anh nằm thoải mái như đang ngủ. Một viên đạn đã xuyên thẳng vào thái dương phải của anh. Với vết tử thương này, anh không kịp nói một lời trăng trối. Nhưng ngược lại, ít có cái chết nào lớn tiếng bằng cái chết của anh. 

Xin cảm ơn nhà thơ!
 

Gửi cháu Êmi Tacanô (trích bài thơ của nhà thơ Anh Ngọc

viết ngày 15.3.1979)

Bố đã đi từ Hirôsima đến Lạng Sơn

Với chiếc mũ tai bèo trắng đã sờn

Trên mái đầu trai trẻ

Chỉ vài phút nữa thôi, có thể

Bố sẽ không đi đến được tuổi già

Điều ấy có sao đâu

Nhưng khúc sông Kỳ Cùng này thì bố Tacanô phải đến

Chiếc cầu gãy này thì bố Tacanô phải đến

Cuộn phim nằm trong máy ảnh đã lên phim

Gương mặt tình yêu đã lọt giữa khuôn hình

Cao cả và thiêng liêng cái phút giây bấm máy

 

Khi bố Tacanô đặt tay vào nút bấm

Thì bọn chúng đặt tay vào cò súng

Hai tiếng nổ vang lên

Dữ dội và dịu êm

Hai tiếng nổ...

Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên

Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại

Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy

Lẫn vào trong nhịp đập trái tim

 

Như chiếc cầu, bố Tacanô ngã xuống

Và như chiếc cầu, bố lại đứng lên

Nghe trên mình nối những bước chân

Bè bạn đi qua

Đồng đội đi qua

Chiếc cầu Tacanô bắc ngang dòng nước mắt...
 
 

Theo Thiên Việt

Dân Việt

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm