1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Chết lâm sàng" gần 10 tháng, hàng loạt chủ quán karaoke ở Hà Nội kêu cứu

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Đứng trước nguy cơ phá sản vì gần 10 tháng không được kinh doanh, hàng loạt chủ quán karaoke ở Hà Nội đã có đơn gửi cơ quan chức năng mong được cứu xét để sớm hoạt động trở lại.

Gần 10 tháng qua, hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở Hà Nội lâm vào cảnh "chết lâm sàng". Riêng lộ trình cho phép các cơ sở mở cửa trở lại chỉ được lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội thông tin rằng sẽ "tùy tình hình thực tế" và không nêu mốc thời gian cụ thể khiến chủ quán karaoke trên địa bàn thành phố không biết "đường nào mà lần".

Mới đây, gần 20 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nằm ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa có đơn khẩn cầu gửi UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế thành phố mong được sớm hoạt động trở lại trong thời gian tới.

Trong đơn, các chủ cơ sở này trình bày, đại dịch Covid-19 đã kéo dài liên tiếp 2 năm qua khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hoạt động không ổn định; riêng từ ngày 30/4/2021 cho đến thời điểm hiện tại thì dừng hoạt động hoàn toàn để phòng chống, dịch theo chỉ đạo thành phố.

Chết lâm sàng gần 10 tháng, hàng loạt chủ quán karaoke ở Hà Nội kêu cứu - 1

Hàng loạt chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP Hà Nội vừa có đơn khẩn cầu cơ quan chức năng xem xét cho ngành nghề này sớm mở cửa hoạt động trở lại (Ảnh: Nguyễn Trường).

Điều này đã tác động không nhỏ đến việc làm ăn, kinh doanh của các chủ cơ sở, nhiều quán đã phải lần lượt đóng cửa, giải thể khiến người lao động mất việc làm; hậu quả khiến đời sống của người lao động và của các chủ quán gặp nhiều khó khăn, kiệt quệ về kinh tế.

"Dù không có doanh thu nhưng chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn phải duy trì các chi phí thuê địa điểm, bảo dưỡng thiết bị, an ninh và trả lãi vay ngân hàng… Chúng tôi lo sợ, nếu tình trạng này tiếp tục còn kéo dài thì chắc chắn các cơ sở kinh doanh sẽ nợ nần chồng chất, buộc phải giải thể" - nội dung trong đơn nêu rõ.

Theo đơn của các chủ quán karaoke, ở bối cảnh hiện tại, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố đã được phép hoạt động trở lại; trẻ em từ 12 tuổi trở lên cũng đã được đi học trực tiếp tại trường.

Đặc biệt, tính đến ngày 11/2, tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho người dân trên 18 tuổi ở Hà Nội là rất cao (mũi một chiếm 111,33%; tiêm đủ liều là 106,84%). Bên cạnh đó, theo thông báo đánh giá cấp độ dịch mới được thành phố ban hành, hiện toàn thành phố có 536 xã phường cấp độ 1, còn lại cấp độ 2, không còn địa phương cấp độ 3.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke thì chưa được chính quyền thành phố công bố lộ trình cho phép hoạt động trở lại.

Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cho rằng, lĩnh vực này có đặc thù không khác gì với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bởi lẽ, khách hàng sử dụng dịch vụ cũng là các nhóm bạn bè, gia đình hay cùng chung một cơ quan; những đối tượng này sẽ cùng sinh hoạt trong một không gian riêng biệt, khả năng lây nhiễm giữa các phòng với nhau là rất thấp. Bên cạnh đó, nhóm khách hàng có nhu cầu tới quán thường không nằm trong nhóm đối tượng người có nguy cơ nhiễm cao như trên 65 tuổi, người có bệnh nền...

Trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát tốt, tỷ lệ tiêm chủng cao, cùng với tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", chủ các cơ sở khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng của Hà Nội sớm công bố lộ trình và cho phép dịch vụ karaoke hoạt động trở lại trong thời gian tới.

Chết lâm sàng gần 10 tháng, hàng loạt chủ quán karaoke ở Hà Nội kêu cứu - 2

Từ ngày 10/1 cho đến thời điểm hiện tại, các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke… ở TPHCM đã hoạt động trở lại và tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố này vẫn tiếp tục được kiểm soát, không có dấu hiệu bùng phát (Ảnh: Hải Long).

Như Dân trí đã đưa tin, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước lần lượt cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage… hoạt động trở lại.

Riêng tại TPHCM, trong thời gian mở cửa các dịch vụ này, toàn bộ 22/22 quận, huyện của TPHCM vẫn ở cấp độ 1, không có địa phương nào thay đổi cấp độ dịch so với tuần trước. Tính đến ngày 5/2, đây cũng là tuần thứ năm liên tiếp địa phương này là vùng xanh.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng, TPHCM đã có hướng đi đúng trong đại dịch khi cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí hoạt động trở lại. Điều này đã góp phần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp trong lĩnh vực này phục hồi, phát triển kinh tế.