1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Karaoke Hà Nội đang "chết lâm sàng", bao giờ mới được hồi sinh?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Gần 10 tháng qua, hơn một nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở Hà Nội lâm vào cảnh "chết lâm sàng". Trong khi đó, lộ trình cho phép các cơ sở mở cửa trở lại chỉ được "tiết lộ" một cách mơ hồ.

Hơn 1.000 quán karaoke ở Hà Nội "chết lâm sàng"

"Đầu tư bao nhiêu tiền của vào đây nhưng bây giờ khác gì đống phế liệu đâu!" - anh Nguyễn Duy Phương (SN 1983, ở Hà Nội) chỉ biết thốt lên như vậy khi được hỏi về công việc kinh doanh dịch vụ karaoke của mình.

Trước đó, đứng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, UBND TP Hà Nội đã quyết định tạm dừng hoạt động nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ, trong đó bao gồm dịch vụ karaoke, kể từ 0h ngày 30/4/2021.

Từ thời điểm đó đến nay, 2 cơ sở karaoke của anh Phương với quy mô đầu tư khoảng 20 tỷ đồng nằm "đắp chiếu". Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với hơn 1.000 cơ sở khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Karaoke Hà Nội đang chết lâm sàng, bao giờ mới được hồi sinh? - 1

Anh Nguyễn Duy Phương - chủ cơ sở Karaoke iOne, mong muốn UBND TP Hà Nội sớm công bố lộ trình cho phép dịch vụ karaoke được hoạt động trở lại để anh quyết định sẽ tiếp tục cầm cự hay từ bỏ ngành nghề này (Ảnh: Nguyễn Trường).

Một tháng trở lại đây, khi hay tin TPHCM cho phép ngành dịch vụ này hoạt động trở lại, anh Phương khấp khởi hy vọng UBND TP Hà Nội cũng sớm có động thái tương tự. Tuy nhiên, câu trả lời của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội vào ngày 26/1 vừa qua với báo chí về lộ trình cho phép quán karaoke, quán bar… hoạt động trở lại khiến anh thấy rối bời.

"Khi đại dịch trong nước đã được khống chế, tôi chỉ mong muốn thành phố công bố một lộ trình cụ thể, rõ ràng để có thể yên tâm tiếp tục cầm cự, chờ đợi. Giờ Sở Y tế chỉ nói chung chung rằng việc mở cửa sẽ "tùy tình hình thực tế" mà không nêu cụ thể tiêu chí sẽ là gì, vào thời gian nào? Nếu giả sử một năm nữa mới cho hoạt động lại mà tôi lại vẫn tiếp tục đi vay mượn tiền bạc để cầm cự, xoay xở thì khác gì tự đẩy bản thân vào con đường tán gia, bại sản" - anh Phương trăn trở.

Tiếp tục chia sẻ về công việc của mình, anh Phương cho biết, suốt từ tháng 5/2021 đến nay, mỗi tháng anh phải bỏ ra khoảng 200 triệu đồng tiền chi phí các loại, gồm: chi phí thuê mặt bằng, nhân viên trông giữ quán karaoke, trả lãi tiền vay ngân hàng để kinh doanh…

Chủ cơ sở karaoke này khẳng định, bản thân luôn sẵn sàng chung tay cùng thành phố để phòng, chống đại dịch. Tuy nhiên, trong trạng thái bình thường mới, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine ở Hà Nội đã ở mức cao, anh mong muốn thành phố sớm cho ngành dịch vụ karaoke hoạt động trở lại.

"Chúng tôi sẵn sàng chấp hành các tiêu chí đi kèm, ví dụ như hoạt động 50% công suất; test virus cho nhân viên hàng ngày… Giờ nhìn đồ đạc mốc meo, xuống cấp mà chưa thấy tia hi vọng nào, tôi sốt ruột lắm!" - anh Phương chia sẻ.

Karaoke Hà Nội đang chết lâm sàng, bao giờ mới được hồi sinh? - 2

Suốt gần 10 tháng qua, 2 cơ sở karaoke của anh Phương với quy mô đầu tư khoảng 20 tỷ đồng chỉ nằm "đắp chiếu" (Ảnh: Nguyễn Trường).

Dịch vụ karaoke ở nhiều địa phương chịu chung số phận

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, không riêng gì ngành dịch vụ karaoke ở Hà Nội chưa được phép hoạt động trở lại mà ở nhiều địa phương khác, ngành dịch vụ nhạy cảm này cũng đang chịu chung số phận.

Tại Vĩnh Phúc, các khu, địa điểm du lịch, các sân golf, dịch vụ spa - chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng ăn uống (trừ karaoke, massage)… đều đã được phép hoạt động bình thường và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch đi kèm.

Ở TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), các dịch vụ như: xông hơi, massage, rạp chiếu phim đã được hoạt động trở lại từ ngày 29/1 vừa qua. Riêng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường… tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Việc tiếp tục dừng hoạt động đối với quán karaoke cũng được áp dụng trên toàn địa bàn tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Trở lại câu chuyện ở Hà Nội, trong 2 tuần trở lại đây, tỷ lệ phường, xã, thị trấn có dịch ở cấp độ một (vùng xanh) luôn chiếm tỷ lệ trên 90% dù các F0 được công bố xấp xỉ 3.000 ca/ngày.

Nhận định về con số nêu trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, gần 3.000 ca/ngày được Hà Nội công bố, đa số chỉ là các trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; tỷ lệ các ca bệnh (là người có bệnh nền, người chưa tiêm, người già… bị nhiễm virus) chỉ chiếm tỷ lệ thấp vì tỷ lệ người dân được tiêm vaccine của thành phố đã cao.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng, Hà Nội nên công bố lộ trình về việc mở cửa các hoạt động, dịch vụ còn lại kèm các tiêu chí kiểm soát, phòng chống dịch để tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế.

"Dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng ở khắp cả nước và vẫn đang được kiểm soát. Vì vậy, không mở thì dịch bệnh cũng vậy mà mở ra và các hoạt động được kiểm soát sẽ tốt hơn. Khi mở cửa, chủ các cơ sở sẽ không phải lén lút tổ chức đón khách vì áp lực kinh tế, gây phức tạp tình hình trật tự trên địa bàn mà ngược lại sẽ tạo điều kiện để họ làm ăn trong tình hình mới" - ông Nga nhận định.

Karaoke Hà Nội đang chết lâm sàng, bao giờ mới được hồi sinh? - 3

Trong suốt khoảng thời gian TPHCM cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke… hoạt động trở lại, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố này vẫn tiếp tục được kiểm soát, không có dấu hiệu bùng phát (Ảnh: Hải Long).

Hướng đi trong đại dịch của TPHCM 

Tính đến ngày 5/2 vừa qua, toàn bộ 22/22 quận, huyện của TPHCM vẫn ở cấp độ 1, không có địa phương nào thay đổi cấp độ dịch so với tuần trước. Đây cũng là tuần thứ năm liên tiếp địa phương này là "vùng xanh".

Đáng chú ý, cũng trong khoảng thời gian "xanh" này (10/1-5/2), TPHCM đã cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke… được phép hoạt động trở lại từ ngày 10/1, với điều kiện phải đảm bảo theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch đối với các loại hình này. Như vậy, có thể thấy, TPHCM vẫn hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh khi mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nêu trên.

Về bộ tiêu chí đánh giá, TPHCM đưa ra 10 tiêu chí cụ thể để chủ các cơ sở áp dụng. Cụ thể, địa phương này quy định người sử dụng dịch vụ và nhân viên phải là người đã tiêm vaccine hoặc từng là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đeo khẩu trang trong quá trình sử dụng dịch vụ; quán karaoke phải trang bị đầy đủ nước rửa tay, mã QR khai báo y tế, máy đo thân nhiệt...

Bên cạnh đó, TPHCM còn yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, phòng khiêu vũ phải tổ chức khử khuẩn định kỳ 2 ngày/lần toàn bộ quán (kể cả bề mặt và không khí); thực hiện vệ sinh phòng, cầu thang, bàn ghế, đồ đạc liên quan sau mỗi lần phục vụ…

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, TPHCM đã có hướng đi đúng trong đại dịch khi cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí hoạt động trở lại. Điều này đã góp phần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp trong lĩnh vực này phục hồi, phát triển kinh tế.

Theo ông Nga, các địa phương khác cũng nên dựa trên tỷ lệ tiêm chủng vaccine của địa phương mình rồi mạnh dạn mở cửa thêm các hoạt động, dịch vụ còn lại; cần đẩy mạnh hơn nữa trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe cho người dân, các cơ quan chức năng không nên "ôm" hết vấn đề này như trước nữa. "Sau một tháng mở cửa trở lại lĩnh vực này mà dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát thì đấy là dấu hiệu của sự thành công và mạnh dạn của TPHCM" - ông Nga nêu quan điểm.

Mới đây, các sở ngành ở TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế đều đã đề xuất UBND tỉnh xem xét cho mở cửa trở lại các cơ sở dịch vụ karaoke… sau thời gian dài bị tạm ngưng do đại dịch Covid-19.

Tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở Du lịch kiến nghị thành phố xem xét mở lại các hoạt động dịch vụ để phục vụ, thu hút khách du lịch và đã được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh thống nhất chủ trương.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương hoàn toàn áp dụng đúng tinh thần của Nghị quyết 128/NĐ-CP về việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Tỉnh lạng Sơn đã phân cấp, giao thẩm quyền hoàn toàn cho các huyện, thành phố trong việc đưa ra các biện pháp hành chính tương xứng với cấp độ dịch trên địa bàn. Theo đó, ở "vùng xanh" tất cả các hoạt động, dịch vụ đều được mở cửa và phải tuân thủ các tiêu chí phòng, chống dịch do chính quyền sở tại đưa ra.