1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chê Chủ tịch tỉnh bị phạt 5 triệu đồng: Phạt thế không có gì sai (!?)

(Dân trí) - Ngày 19/11, đại diện các sở, ngành đã có báo cáo với ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch tỉnh An Giang xung quanh vụ việc kỷ luật 3 cán bộ “chê” ông Thạnh trên Facebook. Tại cuộc họp này, các sở ngành cho rằng việc xử lý, xử phạt như vậy là đúng.

Cuộc họp diễn ra ngày 19/11, do ông Thạnh chủ trì với sự tham gia của các sở, ngành của tỉnh An Giang liên quan đến việc xử phạt các cán bộ "chê" lãnh đạo tỉnh trên Facebook.

Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, trước tháng 7/2015, bà T. đọc báo thấy nội dung: “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang”. Bà T. đã đăng lại nội dung này lên Facebook của mình và bình luận: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Ông P. và bà N. vợ ông cùng sử dụng Facebook của ông P. để “like” bình luận trên.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành khẳng định bà Lê Thị Thùy T. - Trường THPT Long Xuyên, An Giang, ông Huỳnh Nguyễn Huy P. - nhân viên Điện lực An Giang và bà Phan Thị Kim N. - Phó Văn phòng Sở Công Thương (vợ ông P.) đã có vi phạm trong việc sử dụng internet và việc xử lý của các đơn vị không có gì sai.

 


Biên bản làm việc của Đoàn thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông An Giang cho rằng bà T. vi phạm vì căn cứ Điều 5, khoản 1, điểm d Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, sử dụng internet....

Biên bản làm việc của Đoàn thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông An Giang cho rằng bà T. vi phạm vì căn cứ Điều 5, khoản 1, điểm d Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, sử dụng internet....

 


Nhưng trong quyết định xử phạt hành chính đối với bà T. thì lại căn cứ vào điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ - CP ngày 13/11/2013 về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến.

Nhưng trong quyết định xử phạt hành chính đối với bà T. thì lại căn cứ vào điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ - CP ngày 13/11/2013 về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến.

 

Theo Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, trước khi xử phạt bà T. và ông P., Sở đã thành lập đoàn thanh tra và căn cứ vào báo cáo số 608/ CAT –PV11, ngày 20/7/2015 của Công an tỉnh về thông tin Facebook cá nhân mà bà Lê Thị Thùy T. và ông Huỳnh Nguyễn Huy P. sử dụng; Công văn số 25 – CV/ĐUK, ngày 15/9/2015  của Đảng ủy Khối cơ quan Dân chính Đảng về việc xử lý, chấn chỉnh cán bộ sử dụng Facebook; Biên bản xử lý kỷ luật của của Hội đồng kỷ luật trường THPT Long Xuyên; Bản tự kiểm điển của bà T., ông P. … Tất cả các văn bản nêu trên đều cho thấy nội dung vi phạm của bà T. ông P. về sử dụng internet, trang mạng cá nhân (Facebook) nhằm lưu trữ, truyền đưa thông tin xúc phạm uy tín, danh dự  cá nhân người khác, cụ thể là ông Chủ tịch tỉnh. Bản thân bà T., ông P. đều nhận ra cái sai của mình (!).

Từ những cơ sở trên, Sở Thông tin và Truyền thông An Giang căn cứ vào điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng là đối với tổ chức. Còn cá nhân vi phạm thì áp dụng mức xử phạt bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 2 nghị định này.

Do các cá nhân vi phạm đã nhìn nhận khuyết điểm, hợp tác tốt với cơ quan chức năng và thành thật nhìn nhận vi phạm nên Sở đã cân nhắc nên chỉ phạt 5 triệu đồng/người.

Xung quanh vụ việc này, trước đó ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch tỉnh An Giang - trao đổi với PV Dân trí cho biết ông không có ý kiến chỉ đạo gì trong việc xử lý 3 cán bộ có lời bình luận không tốt về ông trên mạng xã hội.

Còn liên quan thông tin cho rằng gia đình ông có xích mích với nhà hàng xóm là mẹ của bà Phan Thị Kim N., ông Thạnh khẳng định là không có. Việc xây nhà có làm nứt nhà hàng xóm, gia đình ông đã khắc phục sửa chữa xong và khi đó ông Thạnh chỉ đang giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh.

Theo nguồn tin của PV Dân trí, xung quanh vụ việc trên, Tỉnh ủy An Giang đã yêu cầu Ban Tuyên giáo tỉnh nắm rõ và có báo cáo cụ thể để xử lý dứt điểm, sau đó mới cung cấp thông tin chính thức đến báo chí.

 

Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc đang gây xôn xao này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM, nêu quan điểm: Xử phạt 5 triệu đồng vì lời bình luận "nhìn cái mặt kênh kiệu" là khiên cưỡng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM.

Ông Hậu phân tích, hành vi được quy định tại điểm G Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính tần số viễn thông công nghệ thông tin và tần số vô tuyến là cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Trong trường hợp này, thông tin liên quan đến Chủ tịch tỉnh An Giang là công khai, có cơ sở và đã được công bố trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Trang Facebook là trang mạng xã hội, việc chia sẻ, ý kiến về các thông tin đã được công khai không bị pháp luật cấm nếu nó phù hợp với đạo đức, thuần phong mĩ tục. Vì vậy, hành vi chia sẻ thông tin này của các công dân trên là hoàn toàn không trái quy định của pháp luật.

Hành vi “nói xấu”, bêu riếu người khác trên trang mạng xã hội Facebook mà những thông tin này là bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác thì mới bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Hậu cho rằng những cán bộ ở An Giang đưa ra bình luận “nhìn cái mặt kênh kiệu” chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, yêu hay ghét một người nào đó. Nhưng có lẽ vì cá nhân đó là Chủ tịch tỉnh, là lãnh đạo nên khiến sự việc trở nên nhạy cảm, dễ bị hiểu thành “xúc phạm phạm uy tín của người khác”.

Ngoài quy định xử phạt vi phạm hành chính đã nêu trên, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013 ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng thì pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, việc xử phạt đối với các công dân trên trong trường hợp này là khiên cưỡng. Bởi vì đây là thông tin công khai, có cơ sở và nhận xét, bình luận trên cũng chỉ thể hiện, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân.

Trả lời băn khoăn về việc bà T. còn bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Luật viên chức; bà N. bị cảnh cáo về Đảng và chính quyền; ông P. bị phê bình bằng văn bản trong toàn công ty. Áp dụng Luật viên chức trong trường hợp này có quá nặng nề? Ông Hậu phân tích cụ thể:

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2012 ngày 06/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức thì hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật như: 1. Vi phạm các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập đã được người có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản; 2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đã được người có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản; 3. Không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền hoặc không thực hiện công việc, nhiệm vụ đã cam kết trong hợp đồng làm việc mà không có lý do chính đáng; 4. Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; 5. Gây mất đoàn kết trong đơn vị; 6. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 3 đến dưới 5 ngày làm việc trong một tháng được tính trong tháng dương lịch hoặc từ 3 đến dưới 5 ngày làm việc liên tiếp, mà không có lý do chính đáng; 7. Sử dụng tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập và của nhân dân trái với quy định của pháp luật; 8. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

Như vậy, việc xử lý kỷ luật cô giáo T. với hình thức khiển trách phải nêu rõ thuộc trường hợp nào trong các trường hợp trên. Nếu không có căn cứ pháp lý thì việc xử lý này là không đúng.

Tương tự như vậy, đối với hai trường hợp còn lại, việc xử lý kỷ luật cũng phải có căn cứ, có cơ sở mới đúng quy định. Nếu không, tôi cho rằng điều này sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, khi không có sự phản biện xã hội và cũng ảnh hưởng một phần đến quyền tự do ngôn luận của công dân.

 

Nguyễn Hành - Thế Kha