1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Chân trần, chí thép”: Sức mạnh từ con tim

Hơn 50 lần đến Việt Nam đã giúp một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam hiểu rằng, sức mạnh của con tim có thể chiến thắng bất kỳ một loại vũ khí tối tân nào.

54 lần đến Việt Nam đối với một người Mỹ sẽ làm nhiều người đặt câu hỏi rằng, phải có duyên nợ sâu nặng lắm với đất nước hình chữ S mới khiến một người ở bên kia đại dương phải lặn lội đến Việt Nam nhiều đến thế.
 
Quả đúng là như vậy. Bởi đến Việt Nam, với James G. Zumwalt là: "đến để chôn vùi cuộc chiến tranh. Từ khi quay trở lại Việt Nam sau cuộc chiến, tôi mới vỡ ra rằng, chiến tranh để lại hậu quả quá nặng nề, cả ở hai phía".  
 
“Chân trần, chí thép”: Sức mạnh từ con tim  - 1
Ông James G. Zumwalt

James G. Zumwalt xuất thân trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp và từng tham chiến ở Việt Nam. Cha ông-Đô đốc Elmo R. Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam và là Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ là người đã phát động chiến dịch rải chất độc da cam dọc các bờ sông ở miền Nam. Nhiều chiến binh Mỹ trở về từ cuộc chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc này, trong đó có người con trai cùng tên Elmo R. Zumwalt III của ông. Ông Elmo R. Zumwalt III đã qua đời năm 1988 vì ung thư, hậu quả của phơi nhiễm chất độc da cam.

Năm 1994, James G. Zumwalt cùng cha mình – Đô đốc Zumwalt - trở lại Việt Nam trong một chuyến đi với nỗ lực tìm hiểu tác hại của chất độc da cam lên sức khỏe con người. Chính từ chuyến đi ấy, Zumwalt đã được tiếp xúc với nhiều vị tướng lĩnh cấp cao, các cựu quân nhân từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ cũng như những người dân thường. Sau chuyến đi năm 1994, ông liên tục trở lại Việt Nam. Mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp cho ông một cái nhìn mới, nhận thức mới về đất nước và con người Việt Nam.

Trong 54 lần đến Việt Nam, ông gọi 2 lần đầu tiên vào những năm cuối của thập kỷ 70 là “do Chính phủ Mỹ chi tiền”, để gây ra những thảm họa đau thương cho hàng triệu người dân vô tội nơi đây. Còn 52 lần đến sau là do bản thân ông và người cha của mình cảm thấy day dứt vì hậu quả nặng nề do mình để lại trên đất nước Việt Nam, khi hiện nay vẫn còn gần 4 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ngày đêm quằn quại trong đau đớn bệnh tật.

Một dân tộc của “Chân trần, chí thép”

Lần thứ 54 này đến Việt Nam, James G. Zumwalt muốn giới thiệu với người dân Việt Nam đứa con tinh thần của mình "Chân trần, chí thép" mà ông đã hoài thai trong nhiều năm qua. Bản tiếng Anh của cuốn sách được ấn hành tại Mỹ tháng 4/2010. Bản dịch tiếng Việt vừa ra mắt độc giả Việt Nam vào tháng 4/2011. Cuốn sách dày gần 400 trang, tập hợp những thông tin từ gần 200 cuộc phỏng vấn do ông thực hiện với các “cựu chiến binh Bắc Việt và Việt Cộng cũng như dân thường Việt Nam”.

Cuốn sách như một thông điệp về hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh gửi tới trước hết là chính người Mỹ. Qua cuốn sách, bạn đọc cũng có thể tìm thấy ở hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong cuộc chiến thần kỳ qua góc nhìn của một người từng ở bên kia chiến tuyến. Đan xen giữa những câu chuyện kể là những đánh giá, nhận xét sắc sảo cũng như những vỡ lẽ của bản thân James G. Zumwalt sau cuộc chiến, đặc biệt là sự ngưỡng mộ, trân trọng sự kiên cường, dũng cảm, sáng tạo của quân dân Việt Nam trong chiến tranh.  
 
“Chân trần, chí thép”: Sức mạnh từ con tim  - 2
James G. Zumwalt qua Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh gửi tiền
ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam

Những câu chuyện, chi tiết mà James G. Zumwalt đúc kết được trong cuốn sách chính là kết quả của các cuộc tiếp xúc, trải nghiệm mà ông thu nạp được trong hàng chục lần tới Việt Nam. Để cuối cùng, ông hiểu rõ được đâu là nguyên nhân thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến không cân sức. James G. Zumwalt kinh ngạc khi phát hiện ra rằng: “Những người Việt Nam “chân trần” đã bước vào cuộc chiến với một “chí thép” sẵn sàng chiến đấu trường kỳ chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất non sông mới thôi”.

James G. Zumwalt nhìn nhận: “Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dựa vào sức mạnh công nghệ và vũ khí vượt trội, người Việt Nam phải dựa vào những thứ khác. Họ quay về truyền thống chống ngoại xâm có từ ngàn đời, khi đất nước liên tục bị xâm lăng… Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại-một “chí thép”- giúp họ có thể thực hiện được điều không thể. Để cuối cùng, “chí thép” đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”.

Cuốn sách của James G. Zumwaltn ngay sau khi phát hành đã trở thành một hiện tượng ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Trên mạng bán sách trực tuyến nổi tiếng Amazon đã nhận được nhiều đánh giá rất cao từ độc giả: “Các nhà lãnh đạo trên thế giới, những người có thẩm quyền phát động chiến tranh, cần đọc cuốn sách của Zumwaltn. Thông điệp ở đây  là, chính quyết tâm của nhân dân và “quy mô” trái tim của họ, chứ không phải là sức mạnh quân đội và quy mô của kho vũ khí quyết định chiến thắng”.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “Chân trần, chí thép” của tác giả James G. Zumwalt, Thượng tướng Phan Trung Kiên viết: “Đọc cuốn sách, tôi có cảm nhận như sống lại giai đoạn chiến tranh chống Mỹ hào hùng của dân tộc”. Và ông cũng đánh giá cao thiện chí cũng như sự quyết liệt của tác giả: “Tôi khâm phục sự dũng cảm và trung thực của tác giả quyển sách khi bộc lộ những cái nhìn khác biệt về quan điểm thù hận ở thời tuổi trẻ của ông và chính quyền Mỹ hồi đó”.

Cuộc hội ngộ của những người hai ở chiến tuyến

Trong cuộc giao lưu giữa James G. Zumwalt và những cựu chiến binh Việt Nam tại trụ sở của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) vừa diễn ra sáng nay (27/4), mọi người tay bắt mặt mừng. Không ai có thể nghĩ rằng đây là cuộc hội ngộ giữa những người trước kia ở hai đầu chiến tuyến.

James G. Zumwalt bày tỏ vui mừng khi được thăm lại những người bạn Việt Nam. Ông tâm sự về các nạn nhân chất độc màu da cam: “Anh trai tôi qua đời cũng vì thứ chất độc chết người ấy nên tôi hiểu nỗi đau của các nạn nhân da cam Việt Nam. Tôi biết việc Chính phủ Mỹ đang làm cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam là rất chậm và việc này cần phải thúc đẩy nhanh hơn nữa. Đây là một việc làm xuất phát từ đạo lý. Tôi sẽ cùng với các bạn tiếp tục yêu cầu Mỹ phải khắc phục hậu quả do mình đã để lại ở Việt Nam”.

James G. Zumwalt cho biết, giờ đây ở Việt Nam ông có rất nhiều bạn là những cựu chiến binh Việt Nam, những gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Mới hôm qua, ông đã đến thăm gia đình một người bạn đã quá cố của ông- Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự và rất buồn vì con gái ông Tự cũng như nhiều người Việt Nam thế hệ tiếp theo đang phải oằn mình đau đớn do chất độc da cam/dioxin gây ra.

Trong buổi giao lưu, James G. Zumwalt đã gửi tới những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10 triệu đồng và gửi riêng tới gia đình Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự 10 triệu đồng. James nói, món quà tuy nhỏ nhưng là cả tấm lòng của ông đối với những nạn nhân, mong rằng xoa dịu bớt phần nào nỗi đau của họ.
 
“Chân trần, chí thép”: Sức mạnh từ con tim  - 3
Hai người lính ở hai đầu chiến tuyến giờ đây cùng chung tay chăm lo
cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam

Ngồi ngay cạnh James G. Zumwalt, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA - người đã một thời coi cha con James G. Zumwalt là “kẻ thù không đội trời chung”, hôm nay cũng khá xúc động trước những tình cảm của James G. Zumwalt dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, trước kia là những người lính ở hai chiến tuyến, nhưng giờ đây, họ ngồi bên nhau như thế này có nghĩa là mọi hận thù đã xóa bỏ, vì họ còn có một mối quan tâm lớn hơn nhiều là cùng vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa nhân dân hai nước, mà một trong những việc làm cụ thể là chung tay chăm lo các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. “VAVA luôn mong rằng ông luôn là một người bạn, một người đồng hành luôn cùng chúng tôi trên con đường tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”- Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.

Lời chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh lại càng làm James G. Zumwalt và những người Mỹ hiểu thêm rằng, chiến thắng mà dân tộc Việt Nam có được ngày hôm nay cũng như sự hữu hảo của những “chân trần” Việt Nam đều bắt nguồn từ “chí thép” và con tim đầy tình yêu thương, độ lượng.

Theo Minh Hòa
 
Vov.vn