1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cây gỗ tiền tỷ “biến mất” sau một đêm

(Dân trí) - Tại gò Đống Đa, Hà Nội hiện có gần 100 cây gỗ sưa, loại gỗ được ví là “cây vàng, cây bạc” khiến người dân miền Trung “phát sốt” trong thời gian vừa qua. Theo giới buôn gỗ, mỗi cây gỗ sưa ở gò có giá trị không dưới một tỷ đồng. Một trong những cây gỗ đó vừa “biến mất” đêm 8/8.

>> Cây xanh Hà Nội - SOS

 

Gò Đống Đa - “gò triệu đô”

 

Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường chiều ngày 17/8, nơi cây gỗ sưa bị đốn hạ chỉ còn tan hoang đất và đá. Toàn bộ thân, cành, rễ cây gỗ này đều được “dọn” sạch.

 

Ông Trần Đình Sang, cán bộ nghỉ hưu trú tại 110/100 phố Tây Sơn giọng vẫn chưa hết thảng thốt cho biết: Tối ngày 8/8, nhiều người dân sống xung quanh gò Đống Đa thấy người lạ mang cưa máy, khoan máy vào công viên. Họ lúi húi đốn hạ một cây gỗ sưa có đường kính khoảng 45cm và cho lên xe tải mang ra khỏi công viên.

 

Khi người dân đề nghị nhóm người này dừng tay vì cây này thuộc loại cây rất quý thì nhóm người này vẫn tỉnh bơ mà rằng: “Muốn thắc mắc, cứ vào Ban quản lý mà hỏi”…

 

Sau khi có thông tin ban đầu về việc chặt hạ cây gỗ quý hiếm này tại gò Đống Đa, Chi cục kiểm lâm thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với BQL và thống kê số cây gỗ quý này tại đây. Theo đó, tại gò Đống Đa hiện có tới 94 cây gỗ sưa, trong số đó có không dưới 15 cây có đường kính 40-50 cm.

Những cụ già mà chúng tôi gặp tại công viên này vào buổi chiều ngày 17/8 đều khẳng định, cây gỗ sưa bị chặt hạ trong tối 8/8 có tuổi đời hàng trăm năm. Trị giá của cây cổ thụ này là rất lớn bởi trên thị trường, loại cây này được mua bán theo cân và giá rẻ mạt nhất đã là 5 trăm nghìn đồng/kg!

 

Trong khi nhiều người dân sống quanh khu vực gò Đống Đa biết rất rõ cây sưa cũng như hiểu được giá trị của nó, chỉ riêng những người đốn hạ cây gỗ này - Ban quản lý Công viên văn hoá Đống Đa - những người trực tiếp quyết định việc đốn hạ cây sưa này - lại  “chắc như đinh đóng cột” rằng: không hề biết!

 

“Chúng tôi không biết!”

 

Cây gỗ tiền tỷ “biến mất” sau một đêm - 1

Suốt 8 năm làm lãnh đạo ở gò Đống Đa, ông Quân không hề biết tên cũng như giá trị thực của loại cây sưa (?).

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Trưởng ban quản lý Công viên văn hóa Đống Đa - người trực tiếp chỉ đạo cho chặt cây sưa khẳng định rằng, trong suốt 8 năm làm lãnh đạo ở đây, ông không hề biết tên gọi cũng như giá trị thực tế của loại cây này.

 

Để lý giải cho sự “không biết” kể trên, ông Quân lý giải: “Vì Công ty công viên cây xanh Hà Nội hoặc Chi cục kiểm lâm Hà Nội không cung cấp danh mục cây quý hiếm cần được bảo tồn. Thời gian vừa qua, tôi thấy cây này bị mục ruỗng, đã bị cụt ngọn, gần đổ xuống đường, có thể gây nguy hiểm cho người dân trong mùa mưa bão nên quyết định cho anh em đốn hạ.

 

Tôi giao trực tiếp việc này cho đồng chí Cao Anh Sơn, là cán bộ thuộc Ban. Sau đó, đồng chí Sơn báo cáo lại rằng, đã thuê người chặt cây. Những người chặt cây này từ chối nhận tiền công, chỉ xin cho mang cây về nhà…” (?)

 

Trái với thông tin này, những người dân sống quanh đây khẳng định rằng, trước khi bị chặt hạ, cây sưa này vẫn xanh tốt. Thậm chí, ông Nguyễn Quốc Khánh, một cán bộ của BQL Khu công viên văn hoá Đống Đa cũng khẳng định: “Ngay sau khi biết cây sưa bị chặt hạ tôi có hỏi anh Quân thì anh giải thích cây mục, phải chặt hạ. Điều này không thể chấp nhận được vì cho đến trước hôm cây bị chặt, tôi thấy cây vẫn còn rất xanh tốt”.

 

Dấu hiệu của một phi vụ buôn bán gỗ sưa

 

Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng - Phó TGĐ Công ty công viên cây xanh Hà Nội: Tất cả mọi cây xanh trên địa bàn thành phố, khi muốn cắt tỉa hay đốn, chặt đều phải tuân thuỷ quy trình chặt chẽ.

 

Trường hợp cây sưa ở Gò Đống Đa nếu muốn chặt hạ thì phải được sự đồng ý của bốn bên: Sở GTCC, BQL Công viên văn hoá gò Đống Đa, Công ty công viên cây xanh Hà Nội và UBND phường Quang Trung.

 

Việc BQL Công viên văn hoá gò Đống Đa tự cho đốn hạ cây gỗ sưa thể hiện sự "vô trách nhiệm của một đơn vị quản lý!"

Trong suốt cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Quân luôn nhận khuyết điểm của mình là thiếu sót khi không hiểu được giá trị thực tế của cây sưa và cũng không báo cáo lên Sở Giao thông công chính để làm thủ tục chặt hạ.

 

Theo lời giải thích của ông Quân, thuê cửu vạn chặt cây nên cũng chẳng có giấy tờ, hợp đồng gì, cũng không biết họ là ai và chở cây đi đâu (?).

 

Giải thích việc tại sao Ban quản lý không gửi đơn lên Công ty công viên cây xanh Hà Nội yêu cầu chặt hạ cây mục rỗng mà lại nhờ tới “cửu vạn”, ông Quân nói rằng, nếu mà chờ đơn đi đơn về thì cây đổ mất. Ngoài ra, có một cây gỗ mục trong địa phận mình quản lý mà không tự chặt được thì còn… thể diện gì?

 

Theo ông Nguyễn Xuân Hưng - Trưởng phòng Kế hoạch Công ty công viên cây xanh Hà Nội, “gỗ sưa thuộc nhóm gỗ A1 trong danh sách thực vật được bảo vệ. Chính phủ đã có Chỉ thị nghiêm cấm chặt hạ, vận chuyển vì mục đích thương mại. Chỉ từ tháng 6 trở lại đây, đã có ít nhất 7 cây gỗ sưa ở Hà Nội bị kẻ gian chặt hạ. Xét thấy tính nghiêm trọng của các vụ trộm, chúng tôi đã báo cáo lên công an thành phố Hà Nội”.

 

Ông Nguyễn Quốc Khánh cung cấp thêm thông tin, từ nhiều năm trở lại đây tại khu vực gò Đống Đa, cứ đến mùa cây sưa cho quả lại có hàng người vào nhặt quả rụng. Họ gọi là quả thối. Mỗi cân quả thối có giá tới 80.000 đồng. Đặc biệt, những tháng gần đây khi cơn sốt cây gỗ sưa được đẩy lên đỉnh điểm, đã có rất nhiều người lạ mặt đến nhòm ngó, đo đạc đường kính của các cây sưa trên gò và gạ mua với giá hàng trăm triệu.

 

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm