1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gỗ sưa: Mất bò mới lo làm chuồng

(Dân trí) - Một quan chức của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho hay, ngay từ giữa những năm 90 của thế kỷ 20, tình trạng khai thác, buôn bán gỗ sưa trái phép đã diễn ra rất căng thẳng. Nhưng chỉ đến khi lâm tặc “làm thịt” hàng chục cây gỗ sưa tại địa bàn Thủ đô, các cơ quan chức năng mới thật sự giật mình…

Đã biết từ lâu...

 

Ông Hoàng Xuân Trinh, Phó trưởng Phòng Thanh tra - pháp chế, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Đại đa số người dân không hiểu hết giá trị của cây sưa cho đến khi báo chí lên tiếng về những vụ chặt hạ cây sưa gần đây. Tuy nhiên, với những người làm công tác bảo vệ thực vật quý hiếm, chuyện cây sưa bị khai thác ồ ạt không có gì lạ. Ngay từ năm 1994, người dân một số tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Bình đã xôn xao về những phi vụ buôn bán tỷ bạc liên quan đến gỗ sưa.

 

Tình trạng trên kéo dài đến năm 2001 thì lắng xuống. Đến năm 2004, giá gỗ sưa đẩy lên gần 100 triệu/m3 kéo theo sự bùng phát dữ dội nạn khai thác gỗ sưa trên địa bàn cả nước. Đến khoảng năm 2006, tình hình khai thác trái phép gỗ sưa diễn ra căng thẳng nhất, địa bàn khai thác gỗ sưa từ miền Trung đã lan tới một số tỉnh miền Bắc như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…”.

 

Bình, một chủ cửa hiệu làm đồ gỗ tại Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh, khẳng định: “Ngay từ cuối những năm 1998, 1999, Đồng Kỵ đã nhận chế tác gỗ sưa thành sản phẩm. Mỗi sản phẩm gia dụng như giường, tủ, bàn làm bằng gỗ sưa khi đó cũng có giá cả trăm triệu. Một điều hiển nhiên, ai ai trong giới làm đồ gỗ cũng biết: gỗ sưa là loại nghiêm cấm khai thác vào mục đích thương mại nhưng các thương lái gỗ thì vẫn ùn ùn chặt hạ gỗ sưa. Báo chí, dư luận và cơ quan chức năng đã chậm chân trước lâm tặc”.

 

Chậm chân mà vẫn thờ ơ

 

Theo thông tin mới nhất, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 1.200 cây sưa. Trong đó có khoảng 850 cây trồng tại các tuyến phố, số còn lại nằm rải rác tại các công viên, ngõ phố, nhà dân.

 

Hiện nay, thành phố chỉ mới chi kinh phí cho việc cắt tỉa cành, đánh số, thay thế cây mới chứ chưa lên phương án bảo vệ cụ thể.

Trong chỉ thị mới đây gửi đến các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định: thời gian gần đây, tại hàng loạt địa phương ở miền Trung như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình… tình hình khai thác trái phép gỗ sưa (kể cả gốc, rễ, cành ngọn, các loại mảnh vụn) từ rừng tự nhiên diễn ra rất phức tạp. Tình hình vận chuyển trái phép gỗ sưa diễn ra rất khó kiểm soát. Một số địa phương khác, người dân tự gây trồng được loại gỗ quý hiếm này, khi biết có giá trị cao, đã xin khai thác khi cây còn chưa đủ tuổi khai thác.

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành trực thuộc trung ương thực hiện ngay việc thống kê về loại cây và diện tích trồng các loại cây thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm 1A để có những biện pháp bảo vệ cấp bách.

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đã hơn một tháng trôi qua nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ một báo cáo nào của địa phương gửi về theo yêu cầu của Bộ trưởng. Ông Hoàng Xuân Trinh cho biết, một hai ngày tới, có thể phía Bộ sẽ có văn bản “đốc thúc” các địa phương.

 

Trước câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong vụ mất cây sưa gần đây, ông Hoàng Xuân Trinh khẳng định: “Đối với cây gỗ quý trong thành phố, nếu các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm thì ngăn chặn không khó vì để chặt được một cây gỗ không hề đơn giản. Mất thời gian, công sức cộng với tiềng ồn và phương tiện vận chuyển. Các công viên đều có ánh sáng chiếu suốt đêm, ngày đêm luôn có lực lượng bảo vệ túc trực… Việc “lâm tặc” có thể ngang nhiên đốn hạ, vận chuyển cây xưa là điều phi thực tế đến đau lòng”.

 

Trong khi đó, một lãnh đạo của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội thẳng thắng thừa nhận: “Lực lượng của chúng tôi quá “mỏng”, nếu không có sự tiếp sức, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng khác thì không thể bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cây sưa trên các tuyến phố, công viên tại Hà Nội”.

 

Ông Nguyễn Công Đức, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Nội, cũng cho rằng dù đội kiểm lâm lưu động đã đổ công, đổ sức tuần tra, kiểm tra nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

 

Phúc Hưng