1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Vườn Bách Thảo không quên bảo vệ cây sưa”

(Dân trí) - “Chúng tôi chưa bao giờ quên việc bảo vệ cây sưa. Ngay từ hơn một năm trước, vườn Bách Thảo đã liệt kê, lập danh sách, đánh số, treo biển tên các cây xanh trong vườn. Riêng hệ thống cây sưa có hẳn một bộ hồ sơ quản lý riêng...”.

Bà Nguyễn Thị Thạch - Giám đốc vườn Bách Thảo (Hà Nội), kiêm Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội - trao đổi với Dân trí sau khi nhận được thông tin phản ánh việc vườn Bách Thảo quên công tác bảo vệ cây sưa.

 

Thực tế tại vườn Bách Thảo có tất cả bao nhiêu cây sưa, thưa bà?

 

Cùng với hệ thống cây gỗ quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam mà vườn đang có và quản lý như giáng hương ấn, gõ đỏ, gụ mật, muồng xanh… thì hiện tại vườn cũng có tới 40 cây sưa đỏ, có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain hay còn gọi là cây trắc thối, huê mộc vàng, thuộc nhóm gỗ 1A, là loại cây quý hiếm nghiêm cấm chặt hạ, vận chuyển vì mục đích thương mại. Trong đó, cây đường kính lớn nhất là 75cm và thấp nhất là 10cm.

 

Tại đây đã từng xảy ra vụ mất trộm cây sưa nào chưa?

 

Do công tác bảo tồn cây sưa được vườn thực hiện rất tốt, hơn nữa lại được công an phường sở tại thường xuyên phối hợp tuần tra, bảo vệ nên chưa mất một cành cây chứ chưa nói đến mất hẳn một cây sưa. Tuy nhiên, trong năm 2000, tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám (nằm ngoài khu vực quản lý của vườn) cũng đã từng xảy ra vụ mất trộm một cây sưa. Ngay sau đó, Công an quận Ba Đình và Công an phường Ngọc Hà đã tìm ra được thủ phạm của vụ trộm này.

 

Theo bà nguyên nhân nào khiến giá trị cây sưa “bùng nổ” như hiện nay?

 

Hiện có nhiều thông tin rằng cây sưa là cây hương liệu quý, gỗ tốt, không bị mối mọt, có công dụng “chữa bách bệnh”, có thể sử dụng từ mạt cưa trở đi và không bỏ sót thứ gì. Chính vì sự quý hiếm này, giá trị của cây sưa không quy đổi theo m3 thông thường mà được tính bằng kilôgam. Tuy nhiên, theo tôi lý do chủ yếu vẫn là do nhu cầu mua gỗ sưa từ thị trường Trung Quốc đang rất lớn khiến một cây gỗ quý hiếm từ không được chú ý tới trong nhiều năm đã trở nên đắt đỏ và được giới đầu nậu săn lùng điên cuồng để xuất lậu sang Trung Quốc.

 

Sau vụ mất trộm cây sưa ở Gò Đống Đa, vườn đã triển khai công tác bảo vệ thế nào?

 

Nhiệm vụ này đã được vườn triển khai và thực hiện từ năm 2006. Bên cạnh việc liệt kê, lập danh sách, đánh số, treo biển tên các cây xanh khác trong vườn, riêng hệ thống cây sưa có hẳn một bộ hồ sơ quản lý bao gồm cả vị trí cây, đường kính và đặc biệt hiện trạng sống của từng cây. Hồ sơ này cũng đã được chúng tôi gửi lên Công ty Công viên cây xanh để cùng các cơ quan chức năng phối hợp trong việc quản lý cây sưa.

 

Bên cạnh đó, vườn đã giao trách nhiệm đến từng đội, tổ, thậm chí là từng cá nhân trong việc chăm sóc, bảo vệ cây sưa. Trong ca làm việc của mình, cá nhân nào để xảy ra mất trộm cây sưa, dù chỉ là một cành nhỏ, đều phải chịu trách nhiệm chính. Vườn cũng yêu cầu tất cả nhân viên nếu thấy bất cứ một đối tượng nào có hành động hỏi thông tin, ngắm cây sưa quá lâu đều phải báo ngay về lãnh đạo vườn, công an phường sở tại để có biện pháp điều tra.

 

Mạnh Hùng

(thực hiện)