1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cấp giấy đi đường có mã QR: Hà Nội đang "thủ công hóa" công nghệ?

Phúc Lâm

(Dân trí) - Theo nhận định của Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, Hà Nội tuy dùng mã QR trên giấy đi đường nhưng vẫn đang vẫn bị "thủ công hóa" trên các khâu liên quan và chưa hiệu quả.

Đợt giãn cách thứ 3, Hà Nội chia 6 nhóm đối tượng để cấp giấy đi đường có mã QR. Tuy nhiên, việc duyệt, cấp giấy đi đường mới nảy sinh một số bất cập. Nhiều nơi xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; một số chốt kiểm soát tập trung đông người, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Liên quan đến vấn đề cấp giấy đi đường ở Hà Nội, PV Dân trí có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam.

- Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về quy trình quản lý và công tác tổ chức của Hà Nội trong vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cụ thể là trong việc duyệt, cấp giấy đi đường có mã QR? Việc làm này liệu có hiệu quả đối với công tác phòng, chống Covid-19 hay không?

- TS Trần Quý: Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề chính của cả quá trình kiểm soát việc đi đường: kiểm soát người dân ra đường chỉ là hình thức; còn bản chất thắt chặt kiểm soát việc ra đường trên các nhóm đối tượng ở Hà Nội là trên 3 nhóm.

Cụ thể Nhóm 1 là những người có mức độ an toàn tương đối cao như người đã từng mắc bệnh (F0) đã chữa khỏi, những người đã có xét nghiệm âm tính, những người đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2; Nhóm 2 là những người có nguy cơ như người có dấu hiệu nghi vấn, người tiếp xúc gần F0; Nhóm 3 là nhóm nguy cơ cao như những F0 chưa có triệu chứng.

Diễn biến của đại dịch tại Việt Nam đợt này quá phức tạp và không có tiền lệ, vừa chống dịch vừa liên tục rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm sâu sắc từ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM, việc thành phố Hà Nội thay đổi liên tục cách thức quản lý người ra đường tại thời điểm này cũng là điều có thể hiểu và thông cảm. Khi hình thức cũ không hiệu quả thì phải thay đổi là điều cần thiết.

Cấp giấy đi đường có mã QR: Hà Nội đang thủ công hóa công nghệ? - 1

Kiểm tra giấy đi đường của người dân (Ảnh: Tố Linh)

Việc ứng dụng mã QR (Quick Response Code - mã phản hồi nhanh) sẽ giảm thiểu quá trình tiếp xúc tại các chốt kiểm soát và giúp quản lý chặt hơn các đối tượng.

Việc quét mã QR trên giấy đi đường giúp kiểm soát dễ dàng các nhóm đối tượng được phép di chuyển ra đường trong thời giãn cách xã hội. Nhìn trên tổng thể, giấy đi đường không giúp lực lượng kiểm soát chốt phát hiện người đó có bệnh hay không. Để làm được việc này (phát hiện bệnh) phải có đội hỗ trợ khác và các phương tiện khác. Tuy nhiên, khi sử dụng mã QR, nếu kết hợp nhiều yếu tố về công nghệ khác, có thể giúp quản lý, truy vết nhanh hơn.

- Trước một số bất cập nảy sinh những ngày qua trong quá trình cấp giấy đi đường có mã QR, ông có cho rằng Hà Nội đang "thủ công hóa" công nghệ?

- Việc dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp cũng gây nhiều khó khăn, lúng túng cho lực lượng chức năng trong việc ứng dụng công nghệ vào việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Việc thay đổi liên tục cách thức cấp và quản lý giấy đi đường cũng làm giảm thiểu hiệu quả chung.

Việc Hà Nội đưa mã QR vào việc cấp phép đi đường là cần làm, tuy nhiên, cần có giải pháp, quy trình tối ưu hơn để tránh việc xếp hàng và quá tải.

Hiện nay, Hà Nội tuy dùng mã QR nhưng vẫn đang vẫn bị "thủ công hóa" trên các khâu và chưa hiệu quả. Giải pháp đăng ký và cấp phép trực tuyến nên được đưa và triển khai ngay thì mới hiệu quả!

- Ông có thể so sánh việc ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh giữa Hà Nội và các tỉnh, thành như TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Giang…?

- Điểm bùng phát dịch bệnh phức tạp nhất trong đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam là TPHCM. Bản thân lực lượng chống dịch TPHCM ban đầu cũng lúng túng và chưa có sự phối hợp tốt giữa yếu tố công nghệ thông tin và lực lượng quản lý.

Trong quá trình đó, nhiều ý kiến đóng góp về việc ứng dụng mã QR vào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và đã mang lại nhiều hiệu quả, đặc biệt là trong công tác quản lý các đối tượng được phép đi ra đường. Tuy nhiên, quá trình cấp phép còn nhiều bất cập và lúng túng.

TPHCM hiện nay cũng đã thông báo công an thành phố sẽ kiểm soát người đi đường trên địa bàn bằng mã QR khai báo y tế "di chuyển nội địa" thay thế cho giấy đi đường như hiện nay.

Việc cấp và kiểm soát giấy đi đường ở tỉnh Bình Dương cũng không nằm ngoại lệ, cũng có nhiều quyết định, rồi lại tạm ngưng.

Đối với thành phố Đà Nẵng, việc quản lý và kiểm soát người ra đường ban đầu cũng nhiều bối rối, tuy nhiên, đến nay cũng "êm" hơn vì ứng dụng mã QR trên giấy đi đường hoặc ứng dụng cài trên điện thoại, giúp giảm thời gian tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây bệnh.

- Vậy theo ông điểm yếu của Hà Nội trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch bệnh là gì?

- Hiện nay, với cách triển khai cấp và quản lý giấy đi đường ở Hà Nội, đa phần những người am hiểu công nghệ đều có chung ý kiến đánh giá là hiệu quả chưa cao.

Đặc điểm của Hà Nội là dịch bùng phát sau các địa phương nên có nhiều thời gian chuẩn bị và rút kinh nghiệm từ các địa phương khác. Tuy nhiên, lực lượng quản lý đã phản ứng chậm.

Hà Nội cần có một tư duy quản trị thống nhất và tầm nhìn quản lý tổng thể, tránh việc loay hoay và mất nhiều nhân lực.

- Xin cảm ơn ông!

"Chóng mặt" với giấy đi đường

Ngày 29/7, Hà Nội lần đầu ban hành mẫu giấy đi lại, sử dụng thống nhất toàn thành phố cho người lao động, doanh nghiệp được phép ra đường.

Tối 8/8, Hà Nội ra thông báo điều chỉnh quy định cấp giấy, yêu cầu người đi đường ngoài xác nhận của ủy ban phường và cơ quan, cần thêm lịch trực, lịch làm việc của cơ quan.

Chưa đầy 48 tiếng sau, Hà Nội hủy bỏ yêu cầu xin dấu phường kèm lịch trực, lịch làm việc.

Ngày 5/9, Công an Hà Nội ra văn bản hướng dẫn, phân cấp cụ thể về thẩm quyền cấp giấy đi đường có mã QR cho những người đủ điều kiện ra đường, thực hiện từ 6/9, xử phạt từ 8/9.

Tối 7/9, Hà Nội thông báo tiếp tục cho phép sử dụng cả giấy đi đường mẫu cũ và mẫu mới, kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, xem xét hiệu quả thực tiễn thì nhập hai loại giấy thành một.

Ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.