Người dân "chóng mặt" vì 46 ngày, Hà Nội 5 lần đổi phương án giấy đi đường

Ngọc Hân

(Dân trí) - Bạn đọc cho rằng, nếu không áp dụng công nghệ 4.0 để kiểm soát dịch thì sẽ không bao giờ làm hết bằng sức người. Và công nghệ sẽ giúp ta chiến thắng dịch bệnh dễ dàng hơn.

Thủ đô Hà Nội hôm nay (8/9) đã bước sang ngày thứ 3 thực hiện đợt giãn cách mới theo hình thức chia 3 vùng nguy cơ. Sau hai ngày đầu lúng túng trong việc cấp giấy đi đường mẫu mới và có nhiều ý kiến trái chiều, hôm qua Hà Nội đã quyết định tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) kết hợp với mẫu giấy mới (có mã QR) kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư.

Người dân chóng mặt vì 46 ngày, Hà Nội 5 lần đổi phương án giấy đi đường - 1

Sáng 8/9, lượng người ra đường đông sau khi Hà Nội cho sử dụng giấy đi đường loại cũ (Ảnh: Trần Thanh).

Vợ chồng chị Trần Ngọc Q. (Thanh Oai, Hà Nội) sáng nay vừa bị sếp mắng xối xả vì tội… trốn làm, chỉ vì không kịp cập nhật thông tin mới của Hà Nội về giấy đi đường.

Chị Q. chia sẻ: "Cùng ở địa bàn huyện nhưng nhà tôi ở vùng 1, đi làm ở vùng 3. Theo quy định cấp giấy đi đường có mã QR, công ty tôi chỉ được duyệt 5 giấy dành cho 5 lãnh đạo, do vậy vợ chồng tôi phải nghỉ ở nhà. 

Tối qua, do phải tập trung kèm 2 con nhỏ học bài nên chúng tôi không xem thời sự, cũng không đọc báo, vì vậy không biết việc Hà Nội cho phép sử dụng giấy đi đường cũ. Buổi chiều vẫn thấy báo đài thông tin việc từ ngày 8/9 sẽ kiểm tra giấy đi đường theo quy định mới mà đến tối câu chuyện đã thành khác, tôi thực sự chóng mặt với quy định thay đổi theo từng giờ của Hà Nội".

Câu chuyện giấy đi đường: Siết hay không siết?

Tâm sự của vợ chồng chị Q. cũng giống như nhiều bạn đọc khác khi gửi những dòng chia sẻ (comment) về báo Dân trí.

46 ngày, 5 lần thay đổi phương thức cấp giấy đi đường!

Ngày 29/7, TP Hà Nội lần đầu ban hành mẫu giấy đi lại, sử dụng thống nhất toàn thành phố cho người lao động, doanh nghiệp được phép ra đường.

Tối 8/8, TP ra thông báo điều chỉnh quy định cấp giấy, yêu cầu người đi đường ngoài xác nhận của ủy ban phường và cơ quan, cần thêm lịch trực, lịch làm việc của cơ quan. 

Chưa đầy 48 tiếng sau, TP hủy bỏ yêu cầu xin dấu phường kèm lịch trực, lịch làm việc.

Đến ngày 3/9, công an Hà Nội đề xuất chủ trì cấp giấy đi lại có mã QR cho những người đủ điều kiện ra đường, thực hiện từ 6/9.

Tối 7/9, TP thông báo tiếp tục cho phép dùng mẫu cũ kết hợp cả giấy mẫu mới.

Bạn đọc Nguyễn Văn Chinh cho rằng: "Tôi nghĩ 99% ra đường là đều đúng quy định cả, tức là có việc cần thiết. Giờ có muốn đi chơi cũng không có chỗ chơi, muốn đến nhà ai thì cả 2 bên cùng ngại vì đang dịch bệnh. Có thể ở yên một tuần hay 10 ngày, chứ ở yên 60 ngày thì mọi thứ đều trở thành thiết yếu.

Con học online có cần thiết phải đi mua máy tính không? Máy tính hỏng không học được có cần phải sửa không? Những người ra đường có việc thiết yếu mà xe bị hỏng thì sửa xe, bơm xe, cứu hộ xe cũng là thiết yếu. Mọi ngành nghề liên quan móc xích chặt chẽ với nhau. Doanh nghiệp của tôi được hoạt động thì cũng cần phải có người lao động, có nhà cung cấp, có khách hàng, có điện, có nước, có bảo trì, bảo dưỡng, có thực phẩm... thì mới chạy được chứ.

Tôi thấy ta cứ mãi tìm cách giải bài toán kiểm soát người đi đường, trong khi đã biết khu vực dễ lây nhiễm là nơi đông người và các khu vực kín, đông đúc, sử dụng chung điều hòa. Chứ mỗi người một xe đi ngoài đường thì khó mà lây nhiễm được".

Người dân chóng mặt vì 46 ngày, Hà Nội 5 lần đổi phương án giấy đi đường - 2

Người dân Hà Nội xếp hàng chờ nộp hồ sơ xin cấp giấy đi đường mới (Ảnh: Mạnh Quân).

"Theo quan điểm của tôi, thành phố nên làm chặt hẳn trong 10-15 ngày thì mới dứt điểm được vấn đề. Chứ cứ dùng dằng nửa chặt nửa lỏng, nay quy định thế này, mai lại thế kia, chỉ có lợi cho một số ít người vẫn tiếp tục được ra đường và lại tiếp tục nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, trong khi rất rất nhiều người đã phải chịu cảnh không việc làm, không thu nhập kéo dài từ đợt giãn cách này đến đợt giãn cách khác!", bạn đọc Tung Hoa Thanh viết.

Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng, được dùng giấy đi đường cũ thì đợt giãn cách này của Hà Nội sẽ không khác gì đợt giãn cách trước.

"Quá thiếu nhất quán, doanh nghiệp chúng tôi nộp và thay đổi rất nhiều mới được cấp giấy tờ. Vậy mà lại ra quyết định như vậy là không được, thay vì tiếp tục dùng giấy tờ cũ thì phải nghĩ cách để cải thiện và áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn chứ không phải là dùng lại cái cũ. Giấy đi đường cũ đã cho thấy rằng thiếu tính tin cậy, nhiều cá nhân lợi dụng khiến cơ quan chức năng khó truy vết", bạn đọc Phạm Nhật nêu quan điểm

Đồng quan điểm, bạn đọc Khánh Toàn cho rằng: "Chừng nào giấy đi đường cũ còn hiệu lực thì Chỉ thị 20 không khác gì chỉ thị cũ. Vì những giấy đi đường được cấp trước đó có lẫn quá nhiều các nhóm ngành nghề không thiết yếu, Chỉ thị 20 đã siết chặt hơn sẽ loại bỏ được việc này. Như vậy mới giảm số người ra đường".

Ủng hộ việc siết chặt khi yêu cầu cấp giấy đi đường có mã QR, bạn đọc Hung Ha nêu quan điểm: "Mục đích cơ quan chức năng tạo ra thủ tục hành chính cấp giấy đi đường chặt như bây giờ để chỉ những người thật sự cần thiết đi lại mới có động lực đi xin cấp giấy, những ngành nghề không cần thiết sẽ tự khắc bỏ cuộc. Chứ thủ tục cấp giấy mà nhanh chóng, tiện lợi, có thể khai báo online 100% thì lại quá dễ dàng, dẫn tới những ngành chả thiết yếu gì cũng sẽ đua nhau nộp hồ sơ xin cấp giấy, gây quá tải cho lực lượng xét duyệt. Nên tôi hoàn toàn nhất trí với cách xin giấy như này, thậm chí cần phải siết chặt hơn nữa để triệt tiêu hoàn toàn những trường hợp xin giấy ra đường không đúng quy định".

Cần đẩy mạnh 4.0 trong kiểm soát dịch

Nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ mong muốn các hướng dẫn, chỉ đạo về dịch nên rõ ràng, đừng chung chung khiến mỗi địa phương hiểu một kiểu, để cuối cùng người hứng chịu những khó khăn bất cập lại là doanh nghiệp, người dân. Việc cấp giấy đi đường cũng nên đơn giản, thuận tiện, áp dụng công nghệ 4.0.

Bạn đọc Nguyễn Duy Tuyên: "Nếu không áp dụng công nghệ để kiểm soát thì sẽ không bao giờ làm được bằng sức người. Covid-19 đang đẩy áp lực lên y bác sỹ, công an, quân đội. Liệu họ chịu được bao lâu nữa? Tự động hóa là bài toán phải đặt ra đầu tiên trong sản xuất cũng như quản lý thì mới có thể chiến thắng được trận này".

Lấy ví dụ từ Đà Nẵng, bạn đọc Khánh Nam cho rằng: "Đà Nẵng áp dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm soát người ra đường nên thấy nhẹ nhàng. Hà Nội cấp giấy đi đường thủ công sẽ vất vả và không kịp thời. Càng đông người càng phải áp dụng công nghệ thông tin, có như vậy việc mới thông".

Bạn đọc Tran Quang Ha cho rằng: "Thời đại 4.0 mà Hà Nội lại sử dụng công nghệ 0.4 khi áp dụng công nghệ tạo mã QR nhưng vẫn phải cầm tờ giấy và vẫn phải trình kèm theo CCCD/CMT; chưa nói đến những giấy tờ khác...

Các app sức khỏe điện tử và khai báo y tế khác đã rất nhiều người dân cài và đăng ký thông tin cá nhân, gồm cả nơi làm việc rồi... Tại sao không nhúng phần mềm kiểm soát đi đường vào đó? Khi cần đi đường người dân khai báo trên app luôn, vì tất cả ban ngành kết nối rồi. Khai báo xin phép gửi đến cơ quan chức năng, họ xem xét nếu được thì tạo mã QR trên app đó. Cũng như khi tiêm vắc xin xong, trên app sẽ có mã QR và thông báo là đã tiêm mũi 1 hoặc 2".