Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận doanh thu thế nào sau 1 năm hoạt động?
(Dân trí) - Hơn 13 tháng đi vào khai thác có thu phí, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đạt doanh thu trên 984 tỷ đồng, bình quân hơn 2,3 tỷ đồng/ngày.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Tiền Giang về kết quả thu phí dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tính đến hết tháng 9, dự án có tổng doanh thu đạt 984,094 tỷ đồng, đạt mức doanh thu bình quân 2,354 tỷ đồng/ngày.
Ông Nguyễn Hữu Chương, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Tiền Giang, cho biết từ 0h ngày 9/8/2022, tức thời điểm dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bắt đầu thu phí đến 0h ngày 31/12/2022, doanh thu của dự án đạt gần 300 tỷ đồng, bình quân đạt trên 2 tỷ đồng/ngày.
"Doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 685 tỷ đồng, trung bình đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày. Trong đó, riêng tháng 9 có doanh thu đạt hơn 69 tỷ đồng/ngày, tức bình quân đạt khoảng 2,3 tỷ đồng/ngày", ông Chương cho biết.
Theo ông Chương, riêng trong tháng 9, lưu lượng xe lưu thông qua dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là gần 20.200 xe/ngày đêm.
Lưu lượng xe qua cao tốc như nêu trên khá thấp vì trước thời điểm thu phí, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thống kê mỗi ngày đêm tuyến đường này phục vụ khoảng hơn 30.000 xe.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư với quy mô trong giai đoạn đầu là 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa cho phép là 80 km/giờ và tối thiểu là 60 km/giờ.
Tuyến cao tốc có chiều dài 51,5km được đầu tư kết nối vào cao tốc TPHCM - Trung Lương tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đến nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) sẽ kết nối vào dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công xây dựng.
Dự án có thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 14 năm 8 tháng, trong quá trình thu phí, doanh nghiệp dự án được quyền tăng giá vé với mức 15%/3 năm.