Đắk Lắk:
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột xin được điều phối hơn 130.000m3 đá
(Dân trí) - Quá trình thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thành phần 3, đoạn qua Đắk Lắk bị thiếu đá, các đơn vị xin được điều phối đá từ dự án thành phần 2 nhằm thi công đúng tiến độ cam kết.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban quản lý dự án) - chủ đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thành phần 3 - xác nhận đơn vị đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh đối với việc xin điều phối nguyên liệu đá từ dự án thành phần 2.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh đồng ý điều phối nguyên liệu đá tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột do thiếu nguyên liệu.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thành phần 3 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Thúy Diễm).
Tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thành phần 2 (Ban quản lý dự án 6, Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư), mỏ đá thôn 6B, xã Ea Păl, huyện Ea Kar có hơn 1,1 triệu m3 đá nguyên khai được cấp phép khai thác.
Theo Ban quản lý dự án 6, tổng nhu cầu đá nguyên khai để phục vụ cho dự án thành phần 2 là hơn 920.000m3, còn dư khoảng 250.000m3, đủ để cung cấp cho gói thầu số 3 do Tổng công ty xây dựng số 1 - CTCP và Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam thi công, thuộc dự án thành phần 3.
Gói thầu số 3 cần được điều phối hơn 138.000m3 đá nguyên khai, tương ứng với khoảng 120.000m3 đá thành phẩm.
Sở Xây dựng Đắk Lắk cho rằng, nếu nhà thầu vận chuyển đá từ mỏ của dự án thành phần 2 về dự án thành phần 3 sẽ tăng chi phí vận chuyển hơn 19 tỷ đồng.
Tổng công ty xây dựng số 1 - CTCP tăng gần 14 tỷ đồng chi phí vận chuyển đá và Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam tăng chi phí hơn 4,6 tỷ đồng.
Sở Xây dựng đề nghị Ban quản lý dự án tính toán, xác định cụ thể chi phí phát sinh của từng gói thầu trong việc điều phối đá, báo cáo để UBND tỉnh xem xét.

Dự án cao tốc thành phần 3 đang cần đá để đảm bảo thi công kịp tiến độ (Ảnh: Thúy Diễm).
Phía Ban quản lý dự án cho rằng, công trình càng về giai đoạn sau, nhu cầu nguồn vật liệu cấp phối đá dăm, cấp phối đá bê tông nhựa... sẽ đẩy nhu cầu về vật liệu đá các loại lên cao. Nguyên liệu đá để thi công cao tốc có yêu cầu về kỹ thuật cao hơn nên một số mỏ vật liệu thương mại trên địa bàn tỉnh chưa thể cung cấp đồng bộ.
Bên cạnh đó, do gặp một số vướng mắc trong triển khai khảo sát, lập hồ sơ đăng ký mỏ từ nhà thầu nên khó khăn trong việc chủ động nguyên vật liệu.
Cũng theo Ban quản lý dự án, cả 2 nhà thầu trên đã cam kết nếu được điều phối đá sẽ thanh toán theo đơn giá thấp nhất của các mỏ vật liệu được chấp thuận. Với cam kết này, việc điều phối đá sẽ không phát sinh thêm chi phí, không làm tăng dự toán xây dựng công trình.
"Về cự ly vận chuyển và các chi phí phát sinh do thay đổi nguồn vật liệu, chủ đầu tư sẽ thực hiện thanh toán theo giá thấp nhất trên cơ sở so sánh giá của các nguồn vật liệu cung cấp cho dự án. Nếu có phát sinh, phía nhà thầu sẽ chịu chi phí này", đại diện Ban quản lý dự án cho hay.
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc, Đắk Lắk đặt mục tiêu đưa dự án thành phần 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn I vào sử dụng trước ngày 30/8.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng chia làm 3 thành phần do tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Khánh Hòa và Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư từng thành phần.
Dự án thành phần 3 dài hơn 48km, tổng vốn hơn 6.100 tỷ đồng do tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Dự kiến trong năm 2025 các nhà thầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn. Đến năm 2026, dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến và đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2027.