PhotoStory

Cảnh cướp lộc và "kiệu bay" trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ

Thực hiện: Hoàng Lam

(Dân trí) - Trai làng khiêng kiệu chạy dọc bờ biển rồi tung lên trời trong tiếng reo hò của người xem. Cùng với lễ cầu ngư, tục chạy ói trở thành nét độc đáo trong lễ hội đền Cờn - ngôi đền thiêng nhất Nghệ An.

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 1

Đền Cờn (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII, thờ "Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh Nương".

Người dân xứ Nghệ có câu "nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng" để chỉ 4 ngôi đền thiêng, trong đó đền Cờn được xem là linh thiêng nhất (Ảnh: Lê Hùng).

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 2

Lễ hội đền Cờn bắt đầu từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Giêng hàng năm, chính lễ tập trung vào ngày 20, 21. Đây là một trong những lễ hội có quy mô lớn, độc đáo, giàu bản sắc, thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia, trải nghiệm (Ảnh: Xuân Thủy).

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 3

Lễ hội đền Cờn có các hoạt động lễ và hội xen kẽ nhau, bao gồm lễ tế trầu, tế bánh, lễ rước bộ, rước thủy, lễ cầu ngư, các trò chơi dân gian như đua thuyền, đánh cờ người... (Ảnh: Xuân Thủy).

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 4

Độc đáo nhất lễ hội đền Cờn là tục chạy ói. Đây cũng được xem là linh hồn của lễ hội. 

Tục chạy ói được tổ chức vào sáng 21 tháng Giêng Âm lịch, tái hiện sự tích dân làng Phương Cần xuống làng Phú Lương cướp khúc gỗ thần - mộc thần - một nghi thức tôn giáo sơ khai của cư dân chài lưới (Ảnh: Xuân Thủy).

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 5

Theo tích xưa, tục chạy ói xưa bao gồm 2 đoàn rước lớn là đoàn rước ngai, sắc, bằng và đoàn rước kiệu thờ của các vị thần, kèm theo đó là tàn, lọng, quạt, binh khí, cờ lệnh, cờ ngũ sắc, cờ lệnh.

Đoàn rước chia làm 2 đội rước thủy và rước bộ. Đoàn rước thủy là tập hợp các thuyền lớn của làng đi trên biển có nhiệm vụ rước ngai và rước sắc. Đoàn rước bộ có nhiệm vụ rước kiệu và thực hành các nghi lễ tâm linh, trong đó có nghi lễ cầu ngư và chạy kiệu... (Ảnh: Xuân Thủy).

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 6

Những người khiêng kiệu chạy một đoạn khoảng 20-30m, chờ kiệu sau đến rồi lại chạy và tung kiệu lên cao. Mỗi kiệu có khoảng 8 đến 16 trai đinh khỏe mạnh, khiêng đều tay, vừa tung vừa chạy để kiệu bật lên trên và rơi xuống nhưng không bị trật khỏi tay (Ảnh: Xuân Thủy).

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 7

Tục chạy ói ngoài lễ tung kiệu còn có sự tham gia của "nhà trò" và đội múa "sênh tiền".

Nhà trò thường có 2 đến 3 người, hóa trang trai giả gái, lưng đeo đai, tay cầm quạt vừa gánh vò rượu vừa làm trò, trêu ghẹo mọi người trong đám rước (Ảnh: Xuân Thủy).

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 8

Tục chạy ói trong lễ hội đền Cờn là nghi lễ phản ánh niềm tin của người dân về sự linh thiêng của khúc gỗ thần. Du khách đi lễ đền Cờn thường phải nán lại tham gia vào đoàn rước ói để được hưởng thụ cái hay, cái đẹp, cái đặc trưng, cái không khí của lễ rước (Ảnh: Xuân Thủy).

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 9

Sau lễ cầu ngư, người dân và du khách cướp lộc hoặc chui qua kiệu với mong muốn gặp được nhiều may mắn trong năm mới (Ảnh: Xuân Thủy).

Cảnh cướp lộc và kiệu bay trong lễ hội ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ - 10

Lễ hội đền Cờn diễn ra trên bờ biển, trước khu vực đền Cờn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách. Cùng với lễ cầu ngư, tục chạy ói diễn ra với niềm mong ước của ngư dân miền biển với một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, ra khơi vào lộng bắt được nhiều tôm cá (Ảnh: Xuân Thủy).