1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cảnh báo lũ ở sông Đồng Nai, sạt lở ở Tây Nguyên

Tâm Linh

(Dân trí) - Theo dự báo của cơ quan khí tượng, trong tháng 8, tình hình sạt lở ở Tây Nguyên tiếp tục được cảnh báo, TPHCM mưa nhiều có thể kèm theo dông, lốc, gió giật.

Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Nam Bộ ghi nhận trong 12 giờ qua, mực nước các trạm khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai duy trì ở mức cao.

Cảnh báo lũ ở sông Đồng Nai, sạt lở ở Tây Nguyên - 1

Trên quốc lộ 1K, đoạn giáp ranh giữa TP Biên Hòa, Đồng Nai và TP Dĩ An, Bình Dương, mưa lớn khiến nước chảy mạnh, ngập sâu, ghi nhận ngày 28/6 (Ảnh: Hoàng Bình).

Cụ thể, mực nước trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) xuống chậm, ở mức cao hơn BĐIII (báo động 3) 0,08m; trạm Phú Hiệp (sông La Ngà) tiếp tục lên chậm ở mức trên BĐII 0,4m.

Dự báo đến 19h tối 2/8, mực nước tại trạm Tà Lài xuống chậm và có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn BĐIII khoảng 0,1m; trạm Phú Hiệp sẽ lên chậm ở mức cao hơn BĐII 0,5-0,6m

Đài KTTV Nam bộ cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Đồng Nai, La Ngà ở cấp độ 2, đề phòng nguy cơ ngập lụt ở những vùng trũng thấp thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai).

Tại khu vực Tây Nguyên, trong 12 giờ qua có lượng mưa tích lũy từ 50mm đến 200mm, theo thông tin từ Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu.

Trong 6 giờ từ 7h ngày 2/8, cơ quan thời tiết cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, đặc biệt các địa phương: Kon Tum (huyện Ia H Drai, Đắk Tô); Gia Lai (Ia Grai, Chư Prông, Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa); Đắk Nông (Tuy Đức, Đắk Rlấp); Lâm Đồng (TP Bảo Lộc, Bảo Lâm).

Cảnh báo lũ ở sông Đồng Nai, sạt lở ở Tây Nguyên - 2

Vụ sạt lở xảy ra khoảng 14h30 phút ngày 30/7, trên đèo Bảo Lộc thuộc địa phận thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai giáp ranh với xã Đại Lào, TP Bảo Lộc (Ảnh: Hải Long).

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo Trung tâm KTTV Quốc gia, trong tháng 8, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Xu thế lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Đồng thời, gió mùa Tây Nam ở phía Nam có khả năng diễn ra nhiều ngày, có thể gây mưa rào và dông ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ có ngày xuất hiện mưa dông mạnh kèm mưa lớn, dông, lốc , sét, có thể kèm theo mưa đá. Mưa tập trung nhiều vào thời điểm chiều tối.

Cảnh báo lũ ở sông Đồng Nai, sạt lở ở Tây Nguyên - 3

Biểu đồ dự báo lượng mưa tháng 8 (Nguồn: Trung tâm KTTV Quốc gia).

Từ ngày 2/8 đến đêm 3/8, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Tuy nhiên từ ngày 4/8, mưa vừa, mưa to ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm dần.

Tại TPHCM, trong 5 ngày đầu tháng 8, tình hình thời tiết nhiều mây, chiều và đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Gió Tây Nam cấp 2-3. Mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Xác suất mưa 70-80%.