1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây lên tiếng sau vụ "thất thủ"

Tâm Linh

(Dân trí) - "Trong 3 năm làm công trình trên, tôi chưa chứng kiến có trận mưa nào lớn như vừa rồi nên không phát hiện và tính đến tình huống ngập", một kỹ sư tham gia đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nói.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công vào tháng 10/2022, kế hoạch hoàn thành cuối năm 2022, nhưng đến 30/4 vừa qua mới chính thức cho xe lưu thông toàn tuyến.

Sau 3 tháng thông xe, lần đầu tiên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (đoạn từ km25+300 đến km25+400) bị ngập do nước từ thượng nguồn sông Phan (tỉnh Bình Thuận) dâng cao chảy về sau mưa lớn.

Người thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây lên tiếng sau vụ thất thủ - 1

Lực lượng chức năng đang cứu hộ xe tải bị nước cuốn trôi dạt ra lề đường trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: CTV).

Theo giám đốc công ty thầu thi công nói trên, sự cố có thể bắt nguồn từ vấn đề khảo sát và thiết kế ban đầu, cộng với các yếu tố khác biến chuyển như độ lún của đất, mực nước dâng, dòng chảy bất thường…

"Lúc họ thực hiện dự án, chắc chắn đã phải tính toán đến những yếu tố rủi ro, tuy nhiên có thể làm chưa kỹ hoặc chưa tới. Thời gian thi công thì chưa xảy ra sự cố như trên nên chưa cập nhật được vấn đề", vị này nêu ý kiến.

Một kỹ sư từng tham gia thi công ở đoạn cao tốc bị ngập thông tin, trong quá trình thực hiện dự án, nếu các đơn vị thi công phát hiện bất kỳ vấn đề nào chưa phù hợp thì phải báo cáo cho ban quản lý dự án để xem xét lại, xin chủ trương điều chỉnh.

"Chúng tôi thi công đúng theo bản vẽ và chưa thấy có vấn đề gì. 3 năm ở đây chưa có trận mưa nào lớn như vừa rồi nên chưa được phát hiện và tính đến tình huống ngập", người này nói.

Một kỹ sư hạ tầng khác nhìn nhận dự án có thể bị sai từ khâu tư vấn thiết kế. Đoạn cao tốc có thiết kế mặt đường thấp nên dễ đọng trũng nước, trong khi cống ngang đường quá bé khó thoát kịp. Ngoài ra, tính toán cao độ mặt đường chưa chú ý đến việc dôi ra so với đỉnh lũ.

Người thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây lên tiếng sau vụ thất thủ - 2

Công nhân lắp đặt các tấm đan cống thoát nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hồi tháng 4 (Ảnh: Nam Anh).

Trong cuộc họp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan để bàn giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chiều 31/7, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã đưa ra hướng khắc phục.

Ông Thái cho biết, để giải quyết trước mắt không lặp lại ngập úng trên cao tốc, đơn vị sẽ khơi thông tất cả dòng chảy, kể cả những dòng chảy nằm ngoài dự án. Cạnh đó sẽ cho nạo vét kênh mương, lòng sông để tạo dòng chảy tối ưu nhất.

Về lâu dài, Ban quản lý dự án chỉ đạo đơn vị tư vấn đi kiểm tra toàn bộ khảo sát địa hình thủy văn lên mô hình đánh giá thực trạng để có giải pháp lâu dài, bền vững trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chia sẻ với Dân trí, kỹ sư từng tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam ở miền Trung cho rằng, ban quản lý dự án trả lời hướng giải quyết là chưa thuyết phục. 

Ban quản lý cần nêu rõ, đã tính toán hết các lưu vực vùng trũng (các điểm tụ thủy) chưa; đã bố trí cống đủ tương ứng lưu vực khi lũ chưa; tại sao khi thiết kế không tính kỹ mà giờ mới phải tính toán lại thủy văn, thủy lực để bố trí thêm rãnh dọc và hệ thống thoát nước…

Cạnh đó phải thể hiện được trách nhiệm của ban quản lý dự án cần làm gì trong sự cố này.

Về phía người dân, họ quan tâm đến việc đền bù thiệt hại cho những người trả phí để lưu thông trên cao tốc này ra sao.

Người thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây lên tiếng sau vụ thất thủ - 3

Đoạn cao tốc đi huyện Hàm Tân, Bình Thuận (Ảnh: Nam Anh).

Hai lần đi dọc tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trước khi thông xe vào tháng 12/2022 và tháng 3 vừa qua, phóng viên ghi nhận một số chi tiết.

Cả đoạn cao tốc đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận địa hình khác nhau. Đoạn qua Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) bằng phẳng, không có nhiều dốc lên xuống, xung quanh phần lớn là rừng cao su. Còn đoạn qua Bình Thuận có hai bên trống trải, ít rừng cây, nhiều nhánh suối chảy ngang bên dưới cao tốc.

Thời điểm trên, nhiều đoạn đường dân sinh chưa được làm xong, đất cát xung quanh còn ngổn ngang. Trong cơn mưa hồi tháng 4, nhiều đoạn đường dân sinh song hành thấp hơn mặt cao tốc đã ngập thành vũng lớn, người dân thường "đi ké" vào cao tốc đã trải nhựa khi đó không bị ngập.

Người thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây lên tiếng sau vụ thất thủ - 4

Tuyến Phan Thiết -Dầu Giây kết nối tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết trong hệ thống cao tốc Bắc - Nam (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Dự án cao tốc Phan Thiết -Dầu Giây dài 99km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,3km, còn lại thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Mặt đường rộng hơn 32m thiết kế cho 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. 

Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm phía Nam với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý.

Khi dự án hoàn thành, thời gian ô tô di chuyển giữa TPHCM và thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) còn khoảng hơn 2-2,5 giờ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm