DNews

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: "Phải tìm nguyên nhân, đừng đổ lỗi"

Hoài Thanh

(Dân trí) - PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, cần có đơn vị độc lập để tìm ra sớm nguyên nhân, đây không phải là lúc "đổ lỗi" trách nhiệm.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: "Phải tìm nguyên nhân, đừng đổ lỗi"

Liên quan tới sự việc ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình Thuận), các bên liên quan đã có những tranh luận gay gắt về nguyên nhân khiến cao tốc "thất thủ" tại cuộc họp chiều 31/7.

Giám đốc điều hành Ban quản lý dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cho rằng sự cố ngập do lượng mưa lớn đổ về khu vực trũng thấp này từ 3 hướng, còn nước trên sông Phan không chảy kịp. Đại diện Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng 533, đơn vị tư vấn thiết kế dự án, khẳng định thiết kế dự án đúng theo các quy định và được thẩm tra kỹ.

Song, ý kiến của ban quản lý và đơn vị tư vấn không thuyết phục được chính quyền địa phương.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng, đây không phải là lúc "đổ lỗi" trách nhiệm.

Phải có đơn vị độc lập để tìm nguyên nhân

"Khi đưa công trình vào khai thác mà xảy ra bất kỳ sự cố gì, không đáp ứng được mong muốn đặt ra, theo tôi điều cần làm trước tiên là phải điều tra, xem xét một cách thận trọng và kỹ lưỡng, đánh giá đúng được nguyên nhân thì mới khắc phục được. Nói không đúng, không trúng nguyên nhân thì đừng nói câu chuyện khắc phục hiệu quả", ông Trần Chủng nêu quan điểm.

Theo ông, trong sự việc này, cần thiết phải có đơn vị tư vấn độc lập, khách quan đánh giá nguyên nhân việc ngập xuất phát từ đâu, để từ đó quy trách nhiệm từng chủ thể liên quan.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Phải tìm nguyên nhân, đừng đổ lỗi - 1

Điểm gom nước phần thượng lưu và cống thoát nước ngang cao tốc (Ảnh: Hoàng Bình).

"Phải đánh giá một cách tổng thể, kỹ lưỡng. Thiết kế công trình bao giờ cũng có số liệu đầu vào, gồm điều kiện địa chất, thủy văn, khí tượng, lưu lượng xe... Từ những số liệu đầu vào này, xem lại thiết kế có phù hợp không, cao độ thích hợp không, tiết diện và dung tích cống hợp lý hay chưa...

Cần một đơn vị tư vấn khách quan rồi mới xem quy trách nhiệm cho ai. Đừng đùn đẩy cho thiết kế, ban quản lý, hay địa phương khi chưa có kết luận", nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình Xây dựng nói.

Ông Trần Chủng cho rằng những ý kiến mọi người nhận định về việc ngập cũng là yếu tố quan trọng, giúp đơn vị tư vấn độc lập tham khảo trong quá trình điều tra, đánh giá sự cố.

"Đừng xem sự cố này là bình thường, vì còn tồn tại lâu dài thì ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình. Trường hợp mà số liệu đầu vào không được cung cấp đầy đủ, sử dụng số liệu không chính xác, thiết kế sai, việc xác định trách nhiệm thuộc về các cá nhân, đơn vị cụ thể nào rất dễ. Còn nếu trường hợp bất khả kháng, ví dụ như lượng nước quá lớn sẽ là câu chuyện khác", vị PGS.TS bày tỏ.

Ông Trần Chủng nhấn mạnh, không nên đổ lỗi tại ai, phải tìm nguyên nhân sự việc này xuất phát từ đâu. Chưa biết nguyên nhân mà đổ lỗi thì không đúng. Chính quyền tỉnh và người thiết kế cũng phải rút kinh nghiệm, ngay tới việc xả lũ cũng phải tính toán. Khi nào cho lũ tràn qua, khi nào xả lũ thông thường, khi nào mở cửa xả lũ.

"Tìm nguyên nhân để từ đó sửa chữa mới chuẩn xác. Đây cũng sẽ là bài học cho những công trình khác, không nên giấu diếm làm gì. Những thông tin điều tra được phải công bố minh bạch để công trình tương tự trong thời gian tới không lặp lại", nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nói.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Phải tìm nguyên nhân, đừng đổ lỗi - 2

Lực lượng chức năng đang cứu hộ xe tải bị nước cuốn trôi dạt ra lề đường trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: CTV).

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Chủng, ông N.H.T. - giảng viên giảng dạy giao thông tại một trường đại học - cho rằng việc quy trách nhiệm tại ai sẽ vội vàng nếu chưa đánh giá đúng nguyên nhân.

"Phải xem lại toàn bộ thiết kế, rà soát lại các quy trình, số liệu, xem số liệu ban đầu như thế nào và thực tế xây dựng ra sao. Rà soát hết mới tìm ra giải pháp cụ thể. Nhiều khi người thẩm định thấy được thế này thôi, còn khâu duyệt có kỹ lưỡng chưa, còn nếu do yếu tố bất thường từ thiên nhiên thì bất khả kháng", ông N.H.T. nói.

"Nước là kẻ thù của đường"

"Nước là kẻ thù của đường. Tôi vẫn hay dùng câu này để ví von với một công trình đường. Nghĩa bóng của nó là đường khi pha vào nước sẽ tan. Khi đường ngập, nước sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự bền lâu của kết cấu đường", ông Trần Chủng nêu quan điểm.

Lý giải rõ hơn, vị PGS.TS cho rằng, khi ngập nước, tầng kết cấu đường sẽ suy yếu, xe cộ qua cao tốc vận hành tạo lực nhất định tác động làm hư hỏng nhanh mặt đường. Với các đường nói chung, nhất là cao tốc thì vấn đề thoát nước rất quan trọng, làm sao cho nước thoát nhanh nhất, không gây ứ đọng.

Ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Phải tìm nguyên nhân, đừng đổ lỗi - 3

Công nhân lắp đặt các tấm đan cống thoát nước trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hồi tháng 4 (Ảnh: Nam Anh).

"Ổ voi, ổ gà do nước ngập, khi xe chạy qua sẽ dồn lực, lặp đi lặp lại như thế thì lớp kết cấu nước vào phá vỡ hết kết cấu đường. Do đó, khi xây dựng cao tốc, phải tạo điều kiện thoát nước tốt nhất để không phá lớp móng, "lớp áo" của đường. Việc thoát nước tốt đảm bảo an toàn trong lưu thông.

Vì khi xe chạy tốc độ cao, nước bắn hết lên bề mặt sẽ không quan sát được khu vực có nước đọng trên bề mặt cao tốc. Tôi cho rằng bài toán thoát nước rất quan trọng, liên quan tới tuổi thọ công trình đường, an toàn trong quá trình lưu thông", ông Trần Chủng giải thích.

Các chuyên gia cùng nhìn nhận sự cố ngập như cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ còn lặp lại nếu không tìm ra đúng nguyên nhân. Do đó, việc sớm điều tra nguyên nhân để khắc phục tối ưu sẽ là bài học cho các cao tốc khác.

Về hướng khắc phục, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cho biết, để giải quyết trước mắt không lặp lại ngập úng trên cao tốc, đơn vị sẽ khơi thông tất cả dòng chảy, kể cả những dòng chảy nằm ngoài dự án. Cạnh đó sẽ cho nạo vét kênh mương, lòng sông để tạo dòng chảy tối ưu nhất.

Về lâu dài, Ban quản lý dự án chỉ đạo đơn vị tư vấn đi kiểm tra toàn bộ khảo sát địa hình thủy văn lên mô hình đánh giá thực trạng để có giải pháp lâu dài, bền vững trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long có phương án xử lý nếu mực nước dâng cao trên cao tốc. Ngoài ra, cần chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương khảo sát và ngay trong tháng 8 (chậm nhất đến 15/8) phải nạo vét khơi thông dòng chảy trên sông Phan.

Ban Quản lý dự án Thăng Long cần phối hợp với các đơn vị tư vấn, thiết kế khảo sát địa hình, khảo sát thủy văn để có phương án lâu dài, bền vững trong thời gian sớm nhất.