DNews

Cảng Quốc tế Cần Giờ: Không bỏ lỡ cơ hội nhưng không đánh đổi môi trường

Q.Huy

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, dự án Cảng Quốc tế Cần Giờ là cơ hội để nước ta tham gia vào chuỗi hàng hải thế giới. Tuy nhiên, thành phố không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.

Cảng Quốc tế Cần Giờ: Không bỏ lỡ cơ hội nhưng không đánh đổi môi trường

Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ là dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ông từng di chuyển bằng tàu thủy từ trung tâm TPHCM đến nơi dự kiến đặt dự án trong chuyến khảo sát hồi tháng 7 năm 2023.

Tại buổi làm việc gần nhất với TPHCM ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thủ tướng yêu cầu TPHCM cần phối hợp với các bộ, ngành để sớm hoàn thành đề án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, trình cấp có thẩm quyền trong quý I/2024.

Cảng Quốc tế Cần Giờ: Không bỏ lỡ cơ hội nhưng không đánh đổi môi trường - 1

Phối cảnh Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ trong tương lai (Ảnh: Portcoast).

Trong cuộc phỏng vấn với báo chí dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã nhắc tới tầm quan trọng của Cảng Cần Giờ và cơ hội mà thành phố không được bỏ lỡ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh quan điểm, địa phương không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế đơn thuần mà phải cân nhắc, tính toán nhiều mặt.

Cảng Cần Giờ có ảnh hưởng đến rừng?

 "Chúng tôi đánh giá Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ có ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển nhưng ở mức độ thấp. So với hiệu quả mà dự án mang lại thì chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án này", Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.

Trong thực tế, dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 68ha tại vùng đệm của rừng phòng hộ. Mặt khác, TPHCM đã có kế hoạch trồng rừng thay thế với diện tích lớn gấp 3 lần khu vực dự kiến thu hồi để xây dựng cảng.

Cảng Quốc tế Cần Giờ: Không bỏ lỡ cơ hội nhưng không đánh đổi môi trường - 2

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nói về dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Q.Huy).

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng làm rõ, địa phương sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức khoa học, chuyên gia về vấn đề bảo vệ môi trường. Trong quá trình triển khai dự án, đòi hỏi tất yếu của Cảng Cần Giờ là phải sử dụng công nghệ xanh trong xây dựng và vận hành.

"Quá trình xây dựng cảng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vùng tiếp cận, vùng đệm của rừng. Mọi việc cần đảm bảo sự tác động đến môi trường là ít nhất", Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.

Ông Phan Văn Mãi cũng bày tỏ, Cảng Quốc tế Cần Giờ là dự án lớn, không chỉ tác động đến kinh tế mà còn là xã hội, môi trường. Do đó, khâu chuẩn bị, đánh giá cần thực hiện kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian để có cách tiếp cận hiệu quả nhất về chi phí, kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường.

Cảng Quốc tế Cần Giờ: Không bỏ lỡ cơ hội nhưng không đánh đổi môi trường - 3

Vị trí dự kiến xây dựng Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast).

"Thành phố sẽ tiến hành dự án này rất cẩn trọng, trên tinh thần hiệu quả, không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Chủ tịch UBND TPHCM nêu rõ.

UBND TPHCM cũng xác định, việc đánh giá tác động của dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ tới Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong những nội dung quan trọng, thiết yếu cần phải tổ chức đánh giá kỹ lưỡng trước khi triển khai đầu tư dự án.

Nếu chậm sẽ lỡ cơ hội

 Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc xây dựng Cảng Quốc tế Cần Giờ được xác định trong Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. TPHCM cũng nhìn nhận, thời điểm này là cơ hội để phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam, giúp nước ta tham gia vào chuỗi hàng hải của thế giới.

"Nếu chúng ta làm kịp thì đây thật sự là cơ hội. Nếu chậm, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội này, việc đầu tư trở lại sẽ mất thêm nhiều thời gian", Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận.

Đối với một số ý kiến lo ngại Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ sẽ có sự cạnh tranh với Cảng Cái Mép nằm ở phía đối diện, lãnh đạo UBND TPHCM thông tin, qua nghiên cứu của các trường đại học uy tín trên thế giới, điểm tương trợ của 2 cảng này nhiều hơn là các điểm triệt tiêu. 

Cảng Quốc tế Cần Giờ: Không bỏ lỡ cơ hội nhưng không đánh đổi môi trường - 4
Nếu chậm, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội này, việc đầu tư trở lại sẽ mất thêm nhiều thời gian
Ông Phan Văn Mãi Chủ tịch UBND TPHCM

Do đó, Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ trong tương lai cùng Cảng Cái Mép sẽ nâng cao hiệu quả của nhau. Rộng hơn, cụm cảng sẽ nâng tính cạnh tranh của cảng Việt Nam đối với các cảng quốc tế.

Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ là dự án được TPHCM đặt kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế của thành phố khi đi vào hoạt động. Ngoài nguồn ngân sách lớn thu được, giải quyết việc làm cho người lao động, siêu cảng của TPHCM trong tương lai sẽ góp phần giúp đô thị đầu tàu của cả nước tham gia sâu vào chuỗi hàng hải của thế giới.

Với tầm quan trọng đặc biệt, dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ được đưa vào 2 bản Nghị quyết của Bộ Chính trị là Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cảng Quốc tế Cần Giờ: Không bỏ lỡ cơ hội nhưng không đánh đổi môi trường - 5

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (Ảnh: P.N.).

Theo hồ sơ đề xuất, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng nhu cầu sử dụng đất là 571ha. Diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) sẽ sử dụng là gần 90ha, bao gồm gần 83ha đất có rừng với hiện trạng rừng ngập mặn tự nhiên, gần 7ha còn lại không có rừng.

Dự án sẽ thu hút vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Khoảng 6.000 đến 8.000 lao động sẽ được tạo việc làm tại cảng, hàng chục nghìn lao động sẽ phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và thu phí thuế quan. 

Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, ngân sách Nhà nước sẽ được đóng góp trực tiếp thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu ra vào cảng. Chỉ tính riêng phí thuê mặt nước, thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, ngân sách sẽ có thêm từ 34.000 tỷ đồng đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh.