1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM làm hơn 200km metro trong 12 năm có khả thi?

Q.Huy

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu làm hơn 200km metro trong 12 năm, thành phố cần cách tiếp cận khác. Trong thực tế, thành phố mất gần 20 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện tuyến Metro số 1.

Sáng 16/2 (mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn), ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp của Hội đồng tư vấn Nghị quyết số 98 và Tổ tư vấn đường sắt đô thị TPHCM. Buổi làm việc nhằm điểm lại những kết quả mà các đơn vị đã làm được trong năm 2023 và thảo luận về các định hướng lớn trong năm 2024.

Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 98, PGS TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, nhìn nhận, trong năm vừa qua, hội đồng tư vấn đã làm được rất nhiều việc. Trong đó, hội đồng đã giúp UBND thành phố trình HĐND thông qua 24 nghị quyết, cụ thể hóa 19/27 cơ chế, chính sách.

TPHCM làm hơn 200km metro trong 12 năm có khả thi? - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp của Hội đồng tư vấn Nghị quyết số 98 và Tổ tư vấn đường sắt đô thị TPHCM (Ảnh: Hoàng Quy).

Tuy nhiên, các nội dung liên quan đến Nghị quyết 98 còn rất nhiều. Do đó, ông Trần Hoàng Ngân kỳ vọng hội đồng sẽ tiếp tục tập trung trong năm 2024 để sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù còn lại.

"Quan trọng hơn là năm nay, chúng ta tập trung soạn thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết 98 sẽ giúp thành phố có dung lượng quan trọng cho bản văn kiện", PGS TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Góp ý cho TPHCM về hoạt động của Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98, PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bày tỏ băn khoăn khi các nhiệm vụ trong năm 2024 không đề cập tới chương trình đào tạo nhân lực. Vị chuyên gia nhìn nhận, nền tảng cơ bản cho tương lai đối với đầu tàu TPHCM chính là vấn đề về nhân lực.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc đào tạo nhân lực của TPHCM cần gắn với hệ sinh thái và đặc thù phát triển thành phố, chuyển đổi cấu trúc phát triển sang các ngành công nghệ cao. Nếu không chuyển đổi, TPHCM có khả năng đánh mất cơ hội.

TPHCM làm hơn 200km metro trong 12 năm có khả thi? - 2

KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý cho TPHCM về việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (Ảnh: Hoàng Quy).

"Hệ sinh thái công nghiệp của TPHCM cần gắn với khu công nghiệp, quy hoạch thành phố. Nếu TPHCM thật sự có ý định phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là chip bán dẫn thì cần bắt tay làm ngay, đây chính là cơ hội của thành phố", PGS TS Trần Đình Thiên lưu ý.

Về nội dung liên quan đến xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM, KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ, nhiệm vụ hình thành hơn 200km đường sắt trong vòng 12 năm tại thành phố là rất khó khăn. Thực tế, địa phương đã mất khoảng 20 năm để làm tuyến metro số 1.

"Chúng ta muốn đạt kết quả tốt hơn thì cần tư duy cách làm khác. Hiện tại, thành phố vẫn làm theo cách cũ. Tôi hy vọng, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM cần có tiếp cận đa ngành chứ không chỉ do Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố thực hiện", ông Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Làm rõ hơn luận điểm này, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, trong việc xây dựng các tuyến metro, các hoạt động từ quy hoạch, đền bù, giải tỏa cho đến vận hành đều có sự liên đới chặt chẽ. 

TPHCM làm hơn 200km metro trong 12 năm có khả thi? - 3

Tuyến Metro số 1 của TPHCM chưa thể vận hành thương mại sau gần 20 năm (Ảnh: Hữu Khoa).

"Chúng ta có thói quen lấy ngày kỷ niệm để khởi công, trong khi đền bù, giải tỏa còn chưa xong. Đối với việc xây dựng các tuyến metro, nếu làm như vậy sẽ rất khó khăn. Sau khi khởi công, giá đất tại khu vực liên quan dự án sẽ tăng từng ngày, trong 200km metro này, họ thấy bản vẽ, mua đất, giá đất tăng thì chúng ta cũng không kịp đối phó", ông Ngô Viết Nam Sơn đặt vấn đề.

Góp ý cho việc xây dựng hệ thống metro TPHCM, PGS TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng đời sống người dân, tăng năng lực cạnh tranh của địa phương; tuy nhiên, thành phố nên cân nhắc, điều chỉnh lại thời gian triển khai hơn 200km metro để đảm bảo tính khả thi.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, thành phố đang tiếp cận đa ngành không chỉ đối với đường sắt đô thị mà nhiều vấn đề khác. Đây là lý do mà thành phố thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác thời gian qua.

"Quan điểm của thành phố là phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm. Ví dụ như trong đền bù, tái định cư tuyến vành đai 3 vừa qua, thành phố khẳng định phải ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi dự án phải bằng hoặc hơn cuộc sống cũ", Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng lưu ý, địa phương lấy việc xây dựng tuyến metro số 1 để rút kinh nghiệm, nhưng không lấy điều đó làm chuẩn. Do đó, ông Phan Văn Mãi cho rằng không nên đặt câu hỏi vì sao Metro số 1 làm 17 năm chưa xong mà giờ trong 12 năm, thành phố phải làm đoạn đường sắt đô thị lớn gấp 10 lần.

Dòng sự kiện: Metro số 1 TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm