Cảng hàng hải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không khác gì cảng hàng không
(Dân trí) - Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cảng hàng hải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không khác gì cảng hàng không.
Liên quan đến vụ 3 thuyền viên trên con tàu MD-SUN trở về từ Philippines neo đậu tại Phao số 5, Phước Long, Nhà Bè nhiễm Covid-19, ngày 10/5, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các bên liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm và các tồn tại trong công tác phòng chống dịch đang xảy ra ở phương tiện giao thông đường thủy.
Theo ông Nguyễn Thành Phong: "Chúng ta đang nỗ lực không ngừng để nâng cấp hệ thống phòng dịch và ứng phó ở cấp độ cao nhất trước nguy cơ Covid-19 xâm nhập, lây lan từ đường không, đường thủy, đường bộ. Tuy nhiên, thực tế mấy ngày gần đây mặt trận đường thủy đã phát hiện kênh chưa thắt chặt đối với tàu thuyền ra vào ở 60 cảng đường thủy trên toàn thành phố, khiến nguy cơ dịch bệnh thâm nhập qua đường thủy trở thành nỗi lo lớn".
Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, ngày 11/5, Sở Y tế TPHCM đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan gồm Cảng vụ Hàng hải, Bộ đội biên phòng hàng hải, đơn vị chủ quan bến cảng, bến phao… để chấn chỉnh những hạn chế và kịp thời "trám lỗ hổng" trong công tác phòng chống dịch đối với tuyến giao thông đường thủy.
Sở Y tế nhận định, Cảng hàng hải là một trong các cửa ngõ dịch bệnh có thể xâm nhập vào thành phố. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, ngành y tế đã nhiều lần thực hiện kiểm tra, giám sát các cảng biển như cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước, cảng Sài Gòn, tổ chức tập huấn về các biện pháp phòng hộ cá nhân cho bộ phận trực tiếp làm việc trên các bến cảng, bến phao.
Theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM: "Cảng hàng hải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh không khác gì cảng hàng không. Các chuyến tàu quốc tế có cập bến tại các quốc gia khác, khi đến Việt Nam có thể có các thuyền viên nhiễm Covid-19 chưa được phát hiện. Vì thế, nguy cơ lây lan dịch có thể xuất phát từ việc tiếp xúc giữa các thuyền viên này (nếu nhiễm covid-19 mà không biết), với người khác mà không phòng hộ hoặc phòng hộ không đúng cách".
Các tình huống tiếp xúc có thể xảy ra giữa thuyền viên với người được phép lên tàu làm việc, hoặc nguy cơ có thể đến từ thuyền viên tự ý lên bờ trái phép hay có hiện tượng người xuống tàu trái phép, không bị phát hiện.
Thực tế trên con tàu MD-SUN có 3 thuyền viên dương tính với SARS-CoV-2 cho thấy, có một số trường hợp được cấp phép lên tàu làm việc, tuy nhiên khi phát hiện ca bệnh, cơ quan chức năng tiến hành điều tra truy vết thì số điện thoại của người được cấp phép lên tàu trước đó không liên lạc được, địa chỉ khai báo theo thông tin cấp phép cũng không tồn tại.
Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, Sở Y tế xác định tàu neo đậu ở cảng phải xem như là một "đơn vị cách ly". Các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện nhiều biện pháp để giám sát người lên, xuống tàu. Những người không được phép tuyệt đối không xuống tàu. Người được cho phép xuống tàu làm nhiệm vụ phải tuân thủ nguyên tắc phòng hộ, khai báo y tế đầy đủ, bắt buộc phải có camera giám sát nhằm truy vết các trường hợp tiếp xúc khi cần thiết.
Ông Ngô Quang Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TPHCM cho biết, để giám sát tốt các trường hợp lên xuống tàu, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động tại cảng. Việc quản lý người lên xuống tàu thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn. Do đó sự hỗ trợ, gắn kết của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cùng với bộ đội biên phòng là rất cần thiết để kiểm soát tốt nhất các trường hợp lên xuống tàu, ngăn chặn không cho dịch bệnh xâm nhập ra cộng đồng.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, dù chưa xảy ra trường hợp nào lây nhiễm từ các tàu hàng hải nhưng một số chuyến tàu cập cảng ở TPHCM đã ghi nhận các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2. Hiện nay dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, cần phải siết chặt các quy trình với kế hoạch, phương án xử trí cụ thể với từng tình huống dịch bệnh để tránh nguy cơ lây nhiễm.