Cận cảnh khu đất vàng của dự án nhà hát Thủ Thiêm
(Dân trí) - Dự án với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng, lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022; chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao.
Nếu nhìn từ trên cao, cánh phía bắc của nền móng nhà hát tiếp giáp với đường dẫn cầu Thủ Thiêm 2, cánh phía nam là tòa nhà triển lãm thành phố đang xây dang dở
Sự kiện HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng gây dư luận trái chiều, người ủng hộ, người băn khoăn và cũng có ý kiến phản đối.
Từ góc nhìn về quy hoạch kiến trúc đô thị tại TPHCM, các chuyên gia đầu ngành đã bày tỏ sự băn khoăn với điều kiện ngân sách hiện nay, việc chi hơn 1.500 tỷ đồng để xây nhà hát là chưa cần thiết và nên dành cho các công trình xây dựng phục vụ đời sống dân sinh người dân TP như chống ngập, chống tắc nghẽn giao thông.
Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc cần thiết bây giờ là thành phố nên đầu tư chỉnh trang dọc hai bờ sông Sài Gòn, phát triển đại lộ ven sông để nâng tầm phát triển khu đô thị Thủ Thiêm.
Trong nhiệm kỳ này, phía lãnh đạo chính quyền thành phố quyết tâm xây dựng Nhà hát quy mô, xứng tầm với thành phố. Trả lời ý kiến của đại biểu HĐND TPHCM tại kỳ họp năm 2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mấy mươi năm sau giải phóng thành phố chưa đầu tư được nhiều công trình văn hóa. Ông khẳng định quyết tâm xây dựng nhà hát trong nhiệm kỳ này.
Đến tháng 8/2017, UBND TPHCM quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (quận 2) là địa điểm xây nhà hát. Cuối tháng 9/2018, UBND TPHCM chính thức có tờ trình gửi HĐND TPHCM xin thông qua chủ trương đầu tư.
Đồng tình với chủ trương, TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“HĐND TPHCM quyết định như vậy là hoàn toàn phù hợp. TPHCM cần một nhà hát xứng tầm. Dự án nhà hát này đã ấp ủ 20 năm rồi”, TS Lịch nói.
TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho biết, với vị thế của mình, TPHCM cần một công trình văn hóa xứng tầm.
Ông Cương đồng ý với chủ trương của thành phố là xây dựng một công trình nghệ thuật tầm cỡ để nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân. Tuy nhiên, ông Cương cũng băn khoăn với quyết định đầu tư của thành phố trong điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo ông Cương, việc chi tới 1.500 tỷ đồng để xây nhà hát là chưa cần thiết và nên dành nguồn vốn để thực hiện các công trình chống ngập, chống kẹt xe.
Cũng theo TS Cương, thành phố có thể kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để xây nhà hát thay vì sử dụng vốn ngân sách như hiện nay.
Phạm Nguyễn