1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm: "Giá trị nhà hát lớn hơn nhiều so với công năng thuần túy"

(Dân trí) - "Một khu đô thị tốt cần hài hòa một cách tổng thể với các điểm nhấn kiến trúc và nhà nước cần song hành với thị trường. Nhìn trong bối cảnh đó thì việc xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm là cần thiết và hợp lý" - ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nêu quan điểm.

Sự kiện HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng gây dư luận trái chiều, người ủng hộ, người băn khoăn và cũng có người phản đối.

Dưới đây là quan điểm của ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright khi trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này.

TPHCM chọn Khu đô thị mới Thủ Thiêm là địa điểm xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá 1.508 tỷ đồng (ảnh minh họa)
TPHCM chọn Khu đô thị mới Thủ Thiêm là địa điểm xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá 1.508 tỷ đồng (ảnh minh họa)

- Thưa ông, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương xây dựng nhà hát nhạc giao hưởng ngay tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Có nhiều ý kiến trái chiều, dư luận xã hội phản đối. Dưới góc nhìn của ông, ông thấy như thế nào?

- Tôi ủng hộ ý tưởng này là vì nó nằm trong bức tranh tổng thể tạo ra một đô thị cạnh tranh, có môi trường sống tốt để thu hút người giỏi, người giàu và doanh nghiệp – những nhân tố nòng cốt tạo ra của cải cho xã hội, việc làm cho người dân và ngân sách cho nhà nước.

Tôi cần nói rõ là tôi ủng hộ dự án vì mục tiêu nêu trên chứ tôi không ủng hộ dự án với cách làm đánh trống bỏ dùi lãng phí như thường xảy ra.

- Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Nếu nhìn một cách dân túy thì đừng làm gì ở TPHCM cả mà dồn hết nguồn lực để giúp người nghèo rất đông ở các địa phương khác như Lai Châu hay Hà Giang chẳng hạn.

Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như thế. Muốn giúp người còn khó khăn, phải làm sao cho cái bánh cả nước to lên.

TPHCM đúng là có nhiều chuyện phải làm, nhưng để thu hút người giỏi, người giàu và doanh nghiệp vào tạo ra của cải vật chất thì thành phố phải có năng lực cạnh tranh cao và môi trường sống tốt.

Thủ Thiêm là một nơi có thể tạo ra điều này. Do vậy, một mặt chính quyền thành phố kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng các cơ sở vật chất, tạo ra giá trị kinh tế như nhà văn phòng, trung tâm mua sắm, trung tâm cung cấp dịch vụ... mặt khác, cần dành nguồn lực đầu tư hạ tầng, các công trình công cộng hay tiện ích dùng chung.

Để có một đô thị hài hòa, có bản sắc, một số công trình phải vừa hữu dụng vừa như các điểm nhấn kiến trúc. Nhà hát giao hưởng thuộc số này. Do vậy, cần nhìn nó trong một bức tranh lớn hơn chứ không đơn thuần là chỗ cho mấy trăm người có đời sống vương giả đến nghe nhạc hàng đêm.

- TPHCM còn rất nhiều việc phải làm về đời sống an sinh xã hội, hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học... Vì vậy, dành khoảng tiền 1.500 tỷ đồng để đầu tư xây nhà hát, liệu có phù hợp?

- Đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện... là thực sự cần thiết. Nhưng nếu dùng hết tiền cho người nghèo theo nguyên lý công bằng thuần túy về mặt lý thuyết thì không ổn. Muốn có tiền cho các nhu cầu xã hội thì phải có những hoạt động kinh tế tạo ra của cải, việc làm và nguồn thu ngân sách.

Nếu thành phố chỉ tập trung giải quyết các khó khăn chồng chất mà không tạo ra những không gian sống và làm việc có chất lượng tốt thì những người giỏi, đi du học có cơ hội làm việc ở New York, Tokyo, Singapore... muốn về Việt Nam thì họ sẽ về đâu? Chỗ nào người ta làm việc và sinh sống?

Nếu có những người đó về thì mới tạo ra của cải vật chất, nguồn thu trong tương lai, giải quyết căn cơ các vấn đề đời sống.

Thủ Thiêm là nơi cần tập trung đầu tư, tạo ra điểm nhấn để là nơi đáng làm việc và đáng sống, góp phần tạo ra cái bánh to hơn.

- Có nhiều giải pháp để thu hút nhà đầu tư và nhân tài tới làm việc như cải cách hành chính, thông thoáng chính sách, ưu đãi đầu tư, rộng cửa cho nhân tài. Chúng ta đã làm và chưa chắc tốt. Vậy sao không ưu tiên thu hút đầu tư, nhân tài mà làm nhà hát giao hưởng?

- Đúng là những việc anh nêu là cần làm, nhưng việc xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm cũng tốt cho việc thu hút nhân tài chứ không phải loại trừ.

Nói đến Sydney (Úc) thì nói đến nhà hát giao hưởng opera. Đây là điểm nhấn trong tổng thể các thứ để tạo ra một thành phố đáng sống, có năng lực cạnh tranh cao. Giá trị của nhà hát này lớn hơn nhiều so với công năng thuần túy của nó. Điều này cũng đúng với những công trình kiến trúc điểm nhấn ở các thành phố khác.

Hơn thế, các công trình kiến trúc để đời của hầu hết các thành phố trên thế giới được tạo ra cùng với quá trình phát triển của thành phố chứ đâu phải khi phát triển rồi mới được xây. Nhiều công trình dạng này đã tạo ra những cú hích làm thay đổi các thành phố.

Ví dụ, từ cuối thập niên 1960, Seoul (Hàn Quốc) đã có ý tưởng tổ chức Olympic thế giới. Lúc đó, Hàn Quốc đang đói nghèo. Nhiều người cũng nghĩ thật điên rồ khi xây dựng cơ sở vật chất thể thao cho cả thế giới dùng một lần. Nhưng Olympic là điểm nhấn cực kỳ tốt để Seoul đi lên.

Đúng là chúng ta cần tiết kiệm, tránh lãng phí. Nhưng cái gì tính toán thấy tổng hòa lợi ích lớn hơn chi phí thì làm chứ không vì chi phí lớn quá hay lợi ích trực tiếp ít lại ngần ngại.

Nhìn về góc độ phát triển, TPHCM cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cùng với các công trình kiến trúc mang tính điểm nhấn để tạo ra các khu đô thị có bản sắc và sức sống. Nhìn Thủ Thiêm ở câu chuyện đó chứ không phải nhìn vào nhà hát theo kiểu "dân còn đói mà bỏ tiền ra thế kia".

Với tượng đài ở Quảng Nam cũng như nhiều công trình thực sự vô bổ khác tôi đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, nhưng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm thì tôi ủng hộ bởi góc nhìn của sự phát triển.

Thật là đau xót khi rất nhiều người Việt Nam tài năng không muốn về nước làm việc vì không có chỗ làm và môi trường sống phù hợp. Chúng ta cần phải tạo ra điều này.

Muốn đạt được mục tiêu sớm thì cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Thủ Thiêm từ bây giờ (thực ra là đã quá trễ). Khu vực tư nhân đang đẩy tiến độ thì nhà nước cũng cần phải tiến hành công việc của mình.

Bây giờ quyết chủ trương thì cũng phải 3-5 năm nữa nhà hát mới xây xong. Khi đó, các công trình tư nhân khác cũng hình thành để tạo ra một khu đô thị hoàn chỉnh như Phố Đông của Thượng Hải chẳng hạn. Nếu Nhà nước không bắt đầu công việc của mình thì hình hài Thủ Thiêm sẽ ra sao chỉ với các tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm.

- Người dân không cần nhà hát giao hưởng. Dân cần có trường cho con học, bệnh viên không quá tải trước khi nghĩ đến nhà hát.

- Trực tiếp thì là như vậy. Nhưng nhà hát giao hưởng tạo ra đô thị đáng sống rồi tạo ra của cải, việc làm và nguồn thu ngân sách thì mới có tiền để xây bệnh viện trường học chứ. Khi đó tổng thể sẽ tốt hơn.

Nếu chỉ nhìn cái nhà hát hàng nghìn tỷ đồng cho mấy trăm người nghe nhạc hàng đêm thì đúng là không cần. Tuy nhiên, nhìn theo bức tranh lớn hơn thì nên làm.

Nói một cách khác, khi đặt nhà hát giao hưởng và một số công trình dạng này trong bức tranh hoàn chỉnh của Thủ Thiêm sẽ thấy mọi thứ nhẹ nhàng và có lý hơn. Các công trình như vậy là cần phải có mà.

HĐND TPHCM thông qua dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá hơn 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm
HĐND TPHCM thông qua dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá hơn 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm

- Ngoài nhà hát, khu đô thị mới Thủ Thiêm cần đầu tư gì thêm không, thưa ông?

- Cần phải đầu tư ra tấm ra món với hạ tầng đồng bộ. Phải tạo thành đô thị năng động thì khi đó Thủ Thiêm mới giúp cho TPHCM phát triển. Khi đó, thành phố cần hạn chế việc dàn trải nguồn lực cho nhiều nơi khác.

Vấn đề nhà hát ở Thủ Thiêm, tôi tiếp cận theo giá trị. Thấy điều phải thì lên tiếng ủng hộ chứ không phải nói theo dư luận để làm hài lòng nhiều người và tránh bị “ném đá”. Tuy nhiên, tôi cũng không chỉ trích hay bài xích những người khác quan điểm của mình vì mỗi vấn đề đều có những góc nhìn khác nhau và đâu có cái nào thuyết phục hoàn toàn.

Vấn đề là nếu cùng trên tinh thần xây dựng thì sẽ tạo ra những kết quả tích cực. Trái lại, nếu chỉ muốn đạp đổ hay chỉ trích cho sướng miệng thì xã hội sẽ rất khó phát triển. Tôi mong mọi người cùng thảo luận trên tinh thần xây dựng.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Công Quang (thực hiện)