Các tỉnh miền Trung lên phương án ứng phó bão số 8
(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, các tỉnh, thành khu vực miền Trung đã lên phương án kêu gọi tàu thuyền đến nơi tránh trú bão. Phương án di dời dân cũng được một số địa phương chuẩn bị sẵn sàng.
Thừa Thiên Huế lên phương án di dời trên 64.000 dân
Ngày 13/10, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết tỉnh đã sẵn sàng các phương án ứng phó với cơn bão số 8.
Theo dự báo, ảnh hưởng của rìa phía nam dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 8 nên từ ngày 13-14/10 tại Thừa Thiên Huế có mưa vừa, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Hiện Thừa Thiên Huế có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động thủy sản đã vào neo đậu tại bến. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã ban hành lệnh cấm đi biển, quản lý chặt số tàu thuyền bãi ngang ven biển.
Toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 11 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Hiện mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn, mực nước đang ở mức thấp và sẵn sàng chuẩn bị đón lũ.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã rà soát phương án sơ tán, di dời 18.713 hộ với 64.743 nhân khẩu vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn. Trong đó ưu tiên sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo đến nơi an toàn.
Đà Nẵng yêu cầu kiểm đếm, thông báo cho tàu thuyền tránh bão
Tại Đà Nẵng, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự thành phố đã có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện chủ động triển khai ứng với bão số 8, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Theo đó, yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch. Đồng thời phối hợp với Công an thành phố kiểm tra, sẵn sàng phương án phòng, chống cháy nổ và tổ chức tìm kiếm cứu nạn trong âu thuyền Thọ Quang và các khu vực neo đậu.
Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê…
Các quận, huyện sẵn sàng triển khai sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt, bảo đảm phòng, chống Covid-19; tổ chức neo, đậu lồng bè và quản lý người, phương tiện nuôi trồng thủy sản an toàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm "4 tại chỗ".
Quảng Ngãi cấm tàu thuyền ra khơi khi có gió cấp 6
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi nhận định, bão số 8 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng.
Để chủ động phòng chống ảnh hưởng bão số 8, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã ven biển quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của tàu thuyền. Các đơn vị chủ động cấm tàu thuyền ra biển hoạt động khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên.
Sử dụng tất cả các hệ thống thông tin liên lạc hiện có thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 8 để khẩn trương thoát ra khỏi khu vực ảnh hưởng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía Bắc, cách Thanh Hóa khoảng 700 km, cách Nghệ An khoảng 710 km, cách Hà Tĩnh khoảng 640 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120 km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30 km, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng suy yếu dần về cường độ. Đến 10h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.