1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thêm 3 tỉnh miền Trung cấm biển ứng phó với bão số 8

Nguyễn Tú Đăng Đức Thanh Tùng

(Dân trí) - Để chủ động ứng phó trước những diễn biến của cơn bão số 8 đang hướng vào khu vực miền Trung, nhiều địa phương đã thực hiện cấm biển và hoàn thành việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền.

Thanh Hóa cấm biển từ 18h ngày 12/10

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 8, bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền hoạt động trên biển, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức cấm biển trên địa bàn tỉnh này từ 18h, ngày 12/10 cho đến khi có thông báo mở biển của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa; giám sát chặt chẽ, không cho các tàu, thuyền ra khơi trong thời gian cấm biển.

Thêm 3 tỉnh miền Trung cấm biển ứng phó với bão số 8 - 1

Tại bến thuyền bãi A, đường Hồ Xuân Hương, thành phố Sầm Sơn ngư dân đã kéo tàu thuyền lên đường nhựa tránh trú bão (Ảnh: Thanh Tùng)

Hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu, tránh trú bảo đảm an toàn theo đúng quy định. Trong những ngày qua, trước ảnh hưởng của cơn bão số 7 nên hầu hết tàu, thuyền của ngư dân đã vào nơi tránh trú an toàn. 

Thêm 3 tỉnh miền Trung cấm biển ứng phó với bão số 8 - 2

Những năm gần đây khu vực ven biển thành phố Sầm Sơn thường ảnh hưởng của hiện tượng biển tiến sát bờ nên mỗi khi mưa lớn người dân và chính quyền địa phương đã phải dùng bao cát để ngăn nước ngập vào trong lòng đường Hồ Xuân Hương (Ảnh: Thanh Tùng)

Nghệ An: Lên kế hoạch sơ tán 16.200 người dân tùy cấp độ của bão số 8

Tỉnh Nghệ An đã có kế hoạch sơ tán 16.200 người dân theo từng cấp độ của bão số 8. Tuy nhiên, tỉnh này có hơn 6.500 người dân từ miền Nam trở về, đang ở trong những khu cách ly là những điểm thường làm nơi di dời dân. Do đó, địa phương hiện đang phải tìm các nơi mới, đảm bảo khoảng cách, an toàn về thiên tai lẫn dịch bệnh.

Toàn tỉnh Nghệ An có 3.438 phương tiện với 17.190 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển, để đảm bảo an toàn cho các ngư dân và tàu, thuyền, tỉnh này đã ban hành công điện cấm tàu thuyền ra khơi từ 0h ngày 10/10. Hiện nay tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc neo đậu tàu, thuyền tại khu neo đậu, bảo đảm an toàn cho phương tiện khi bão số 8 đổ bộ.

Thêm 3 tỉnh miền Trung cấm biển ứng phó với bão số 8 - 3

Người dân di dời tài sản tránh lụt trong cơn bão số 7 vừa qua (Ảnh: Nguyễn Tú).

Hiện toàn tỉnh Nghệ An còn hơn 11.060 ha lúa mùa chưa thu hoạch, địa phương đang khẩn trương thu hoạch những diện tích đã chín. Toàn tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ, đập lớn nhỏ, trong đó có 1.035 hồ đầy nước, 23 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế, 2 hồ đạt khoảng 50 - 70% dung tích thiết kế. Các công trình hồ, đập đều đang được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai được phê duyệt.

Ngoài ra, Nghệ An hiện còn 33 điểm sạt lở, tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên chưa thể khắc phục hoàn toàn. Tại những điểm này đã được tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương sẵn sàng sơ tán dân an toàn.

Quảng Trị: Hoàng thành sắp xếp tàu thuyền trước 12h ngày 13/10

Ngày 12/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị có công điện khẩn đề nghị các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến bão số 8 và diễn biến mưa lũ phức tạp.

Địa phương này yêu cầu các huyện ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản,... tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi từ 12h ngày 12/10.

Tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi trú tránh an toàn; việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn trên địa bàn hoàn thành trước 12h ngày 13/10.

Thêm 3 tỉnh miền Trung cấm biển ứng phó với bão số 8 - 4

Hiện các tàu, thuyền Quảng Trị đã vào nơi neo đậu an toàn tránh bão (Ảnh: Đăng Đức).

Hiện toàn bộ 2.312 tàu thuyền của địa phương đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão số 8 và vào nơi neo đậu an toàn.

Các địa phương cũng được yêu cầu chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nguy cơ sạt lở bãi thải tại các công trình điện gió đang thi công; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn...