Dân trí gửi lời Chúc mừng năm mới tới bạn đọc gần xa.
Chào đón năm mới Nhâm Thìn 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời chúc mừng đến đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Dưới đây là video lời chúc mừng của Chủ tịch nước:
Tại Hà Nội, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, những hạt mưa bụi lây phây đậm chất xuân rơi trong cái rét đậm 12 độ C không làm giảm nhiệt ở những điểm bắn pháo hoa như khu vực Hồ Gươm. Bờ Hồ được trang hoàng lỗng lẫy với muôn vàn những chùm đèn, những quả cầu ánh sáng nhiều màu sắc, đồng thời, cũng là nơi có 2 địa điểm bắn pháo hoa tầm cao của Thủ đô. Để bảo đảm an ninh, các tuyến phố xung quanh hồ Gươm được “phong tỏa” phương tiện giao thông. Người đi xe máy, ô tô phải gửi ở “vòng ngoài” đi bộ vào trong.
Dòng người đổ về chật cứng quanh bờ hồ, háo hức chờ đón những chùm pháo hoa chào đón xuân mới. Những điểm xem bắn pháo hoa đẹp nhất đều đông kín người. Từ các góc phố, tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay… hàng vạn người đứng, ngồi, tản bộ chờ đợi giây phút giao thừa.
Hàng vạn người đổ về hồ Gươm...
...bất chấp giá rét, nhiều gia đình vẫn cho trẻ nhỏ ra hồ Gươm...
...để chào đón năm mới, ngắm những chùm pháo hoa đầy sắc màu
Tại TPHCM, trời đẹp như chiều lòng người náo nức chào Xuân. Tiết đêm giao thừa tại TPHCM được coi là lý tưởng nhất trong cả nước. Trong tiết trời se lạnh dìu dịu, hàng ngàn người tay trong tay đổ về trung tâm TP xem bắn pháo hoa.
Khu vực đường hoa Nguyễn Huệ kín người tập trung đón thời khắc chuyển giao Tân Mão - Nhâm Thìn. Hàng chục ngàn người cùng ngước lên ngắm nhìn những chùm pháo hoa tuyệt đẹp. Tiếng vỗ tay vang rộ mỗi khi từng chùm pháo hoa kết thành chùm sáng lung linh, khổng lồ.
Cả gia đình anh Ngô Tùng Linh, quận 10, 6 người cùng có mặt trên bến nhà Rồng để ngắm pháo hoa. Theo anh, thời điểm thiêng liêng bước sang năm mới, nhìn lên bầu trời pháo hoa như những vì sao tinh tú lấp lánh, nếu thành tâm khấn nguyện thì lời khấn sẽ thành hiện thực. Anh phấn khởi "Gửi lời chúc Sức khỏe - Vạn sự cát tường đến mọi người Việt Nam thân yêu".
Các đình, chùa của TP cũng đông nghẹt khách đến lễ. Người nào cũng tươi như hoa, thành tâm cầu nguyện cho năm mới gia đình bình an, hạnh phúc. Khói nhang nghi ngút như mang theo những lời khấn nguyện tốt lành vang xa. Nhiều chùa tổ chức phát lộc đầu năm cho Phật tử ngay trong đêm giao thừa.
Tại Nghệ An, 22 giờ, thành phố Vinh mưa tầm tã nhưng dòng người từ các ngả đường vẫn kéo về trung tâm thành phố du xuân, cùng tham gia vào các hoạt động lễ hội đường phố - lần đầu tiên được UBND Thành phố Vinh phối hợp sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nghệ Antổ chức.
Những màn pháo hoa mãn nhãn đã xua tan màn đêm mưa rơi tầm tã, xua tan đi cái lạnh
Với sân khấu chính là nơi giao cắt giữa đường Trường Thi, Hồ Tùng Mậu, các màn múa lân, múa rồng, trượt patanh và những vũ điệu nhảy hiphop, màn đồng diễn nhịp điệu trẻ…., đã tạo cho không gian của lễ hội đường phố trong đêm giao thừa rộn ràng, náo nhiệt.
Những thanh niên mặc cho mưa tầm tã vẫn hăng say nhảy những vũ điệu chào năm mới trong sự hân hoan
Đến những chiến sỹ trẻ cũng nhiệt huyết không kém (Ảnh: Nguyễn Duy)
Dưới cơn mưa tầm tã, anh Alesandro đến từ Ý tâm sự: "Không khí trong đêm giao thừa thật vui vẻ. Dù thời tiết không được thuận lợi nhưng các bạn trẻ đã làm xua tan đi điều đó".
Lễ hội đêm giao thừa Tết Nhâm Thìn tại Nghệ An 2012 khép lại trong âm hưởng rộn rã của mùa xuân, trong màn pháo hoa rực rỡ sắc màu.
Trên các tuyến phố chính của Thành phố Thanh Hóa, ánh điện lấp lánh soi rõ những hạt mưa đang rơi xuống. Cái lạnh của thời tiết như thấu vào xương thịt, nhưng lòng người thì ấm áp đón chào một mùa xuân mới.
Quảng trường Lam Sơn, đêm giao thừa vắng người vì trời mưa lạnh. Càng về khuya, mưa càng nặng hạt hơn. Còn trên Đại lộ Lê Lợi, nơi được trang hoàng đèn đường lộng lẫy càng cho thấy sự vắng vẻ đêm giao thừa trên đường phố.
Anh Nguyễn Văn Đức chia sẻ: “Giao thừa năm nay trời mưa và lạnh quá nên mọi người ngại ra đường, chúng tôi tụ tập lại bên mâm cơm để đón giao thừa thôi. Những ngày sát Tết, thời tiết tại Thanh Hóa có mưa phùn liên tục, trời lạnh ngắt, thời tiết này chỉ có ly rượu chúc mừng nhau năm mới thì tuyệt. Nhân dịp năm mới, tôi xin được gửi lời chúc sức khỏe, chúc hạnh phúc và thành công đến mọi người”.
Tại TP Đà Nẵng, thời tiết đêm giao thừa khô ráo, ấm áp nên mọi người rộn ràng đổ xô về cầu sông Hàn để xem Chương trình nghệ thuật đêm giao thừa “Mừng Đảng đón xuân Nhâm Thìn 2012”. Nhiều người đã có mặt từ sớm lúc 7, 8 giờ tối để kiếm chỗ đứng thích hợp xem bắn pháo hoa giao thừa.
Chị Nguyễn Ngọc Thủy (32 tuổi, Thanh Khê) cho hay: “Tết năm nay lo xong việc nhà là gia đình tôi cùng ra đây đi dạo, xem pháo hoa, sau đó đến chùa Linh Ứng thắp nhang, hái lộc đầu năm để mừng tuổi”.
Hàng ngàn người dân xem pháo hoa bên sông Hàn (Ảnh: Khánh Hiền)
Một số điểm vui chơi giải trí ở các tụ điểm như khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, Bambo Green, công viên 29/3 cũng có khá đông bạn trẻ đến vui chơi, đón xuân. Đặc biệt, Công viên 29/3 vừa khai mạc Hội Hoa Xuân hôm qua, đêm giao thừa công viên diễn ra Hội thi các bộ môn Nghệ thuật Hoa viên, tổ chức các hoạt động vui chơi để đón năm mới.
Tại TP Huế, từ 18h30’ tối bắt đầu có mưa phùn lạnh, các nẻo đường vẫn đông người qua lại mua sắm. Các nẻo đường dẫn về quảng trường Ngọ Môn, nơi có chương trình ca nhạc mừng năm mới và bắn pháo hoa tấp nập, nhiều tốp thanh niên đã kéo về quảng trường sớm để vui chơi, chụp ảnh.
Pháo hoa trong phút giao thừa Tết Nhâm Thìn ở Huế (ảnh: Đại Dương)
Nhiều cửa hàng đã tranh thủ cúng Giao thừa sớm. Mùi khói, hương nghi ngút tạo không khí Giao thừa sớm thật rộn rã. Các nhà tại Huế đã sum vầy, tụ họp bên bàn ăn, vừa xem tivi, chờ giao thừa đến.
Tại Hội An, Quảng Nam, người dân và du khách chờ đón giao thừa đổ về khu vực vườn tượng bên bờ sông Hoài, nơi đặt sân khấu chính chương trình văn hóa nghệ thuật Hội Tết Nhâm Thìn.
Sân khấu chính cũng là một trong hai điểm bắn pháo hoa tại thành phố. Ngoài ra, năm nay, người dân và du khách đón giao thừa ở đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) cũng có cơ hội thưởng ngoạn pháo hoa. Không gian đêm giao thừa ở phố cổ nhộn nhịp luôn đặc biệt. Trong toàn khu vực trung tâm phố cổ, người xe đi trong đêm giao thừa dưới ánh sáng muôn sắc màu của đèn lồng giăng giăng khắp các tuyến phố.
Hội An lung linh trong sắc màu đèn lồng
Chương trình VHNT Hội Tết Nhâm Thìn mừng xuân mới
15 phút pháo hoa vào thời khắc giao thừa làm nức lòng người dân và du khách Hội An (Ảnh: Khánh Hiền)
Tại Quảng Ngãi, không khí trước thời khắc chuyển đang rộn ràng, dòng người hối hả sắm những chậu hoa cúc, cành mai, chậu quất để tô điểm thêm sắc xuân trong mỗi gia đình.
Tọa lạc giữa lòng chợ Hoa xuân Nhâm Thìn 2012, tại Quảng trường tỉnh Quảng Ngãi, địa phương tổ chức đêm văn nghệ với chủ đề "Chào xuân Nhâm Thìn 2012". Kết thúc chương trình văn nghệ, đúng 0h00 mùng 1 Tết Nhâm Thìn 2012 là chương trình bắn pháo hoa với 180 dàn pháo hoa "hoành tráng" kéo dài 15 phút.
Tại Phố núi Pleiku, Gia Lai, từ 7 giờ tối, nhiều gia đình đã xong việc cúng rước tổ tiên, thu gác mọi công việc để đi xem bắn pháo hoa. Hàng vạn người đã kéo nhau về Quảng trường của thành phố chật như nêm để chờ cùng nhau đón chờ những giờ phút thiêng liêng nhất của năm mới, đó là những màn pháo hoa rực rỡ báo hiệu một năm Tân Mão đã kết thúc, nhường chỗ cho năm con rồng Nhâm Thìn.
Cũng như nhiều nơi khác trên cả nước, khai hội cho chương trình là những màn múa lân, những màn ca nhạc đậm sắc xuân. Không chỉ vậy, một “đặc sản” không thể thiếu mà dường như chỉ có ở Tây Nguyên đó là những màn nhảy xoang của các cô gái, chàng trai J’rai và Bahnar; theo nhịp là rộn ràng tiếng cồng chiêng lão luyện của các già làng.
Tại Nha Trang, Khánh Hòa, chỉ trước giờ giao thừa vài tiếng đồng hồ nhiều đoàn người dân kéo xuống quảng trường 2-4 chờ xem bắn pháo hoa, các đường Lê Thánh Tôn, Trần Phú, Thái Nguyên đông nghịt người. Cũng trong đêm giao thừa, nhà hát NTTT tỉnh trình diễn các trích đoạn tuồng, các làn điệu dân ca tại Hội quán Hòn Chồng. Nhiều người dân và du khách đi đón giao thừa còn tham gia lễ cúng giao thừa tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar để cầu chúc đầu Xuân.
Tại Vinpearl Land (Nha Trang) trong đêm giao thừa cũng đã diễn ra chương trình ca nhạc dân tộc đón chào năm mới và múa lân để phục vụ khách tham quan.
Tại Lào Cai, pháo hoa đã nở sớm trên biên giới Việt - Trung. Đêm đón giao thừa năm mới Nhâm Thìn, thời tiết thành phố biên cương Lào Cai ( tỉnh Lào Cai ) trời se lạnh và không mưa phù nên thu hút rất đông người dân đổ ra đường du xuân. Nơi thu hút đông người nhất là quảng trường Kim Tân, trung tâm thành phố Lào Cai nơi tổ chức dạ hội văn nghệ chào đón xuân mới 2012 và bắn pháo hoa đón giao thừa tết Nhâm Thìn của Việt Nam cùng với khu vực công viên Thuỷ Hoa nằm sát bờ sông Hồng, đối diện với thị trấn Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) cũng là nơi địa phương của nước bạn tổ chức bắn pháo hoa chào xuân mới trước giờ đón giao thừa của Việt Nam 1 giờ đồng hồ.
Người dân ở hai bên biên giới Việt – Trung nơi đây đều có cơ hội cùng xem bắn pháo hoa của nhau mừng đón năm mới trong không khí thanh bình, phấn chấn.
Pháo hoa nở trên bầu trời Lào Cai đêm giao thừa.
Tại TP. Cần Thơ, các “điểm nóng” gần vị trí bắn pháo hoa, như: Bến Ninh Kiều, cầu Nguyễn Trãi, vòng xoay công viên nước, đường Hai Bà Trưng … tất cả đã kín hết chỗ từ sớm. Người dân nô nức thưởng thức màn pháo hoa rực rỡ chia tay năm cũ, đón chào năm mới Nhâm Thìn.
Năm nay ngoài điểm bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực nhà hàng Hoa Sứ (cạnh bờ sông Hậu) thì TP. Cần Thơ còn có 5 điểm bắn tầm thấp ở các quận, huyện ngoại thành: 1 điểm tại quận Cái Răng, 1 tại quận Thốt Nốt, và các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ mỗi nơi 1 điểm.
Đường Hai Bà Trưng có hàng nghìn người xem bắn pháo hoa mừng năm mới
Những tràng pháo hoa đầy màu sắc mang năm mới đến bầu trời Cần Thơ (Ảnh Ngô Nguyễn)
Tại Sóc Trăng, giao thừa năm nay có bắn pháo hoa ở một số nơi như thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Tú nên nhiều người dân ở các huyện lân cận thành phố Sóc Trăng như Châu Thành, Mỹ Xuyên, Long Phú, Trần Đề, Kế Sách…đã đổ về Sóc Trăng để xem bắn pháo hoa và xem biểu diễn văn nghệ, múa rồng…đón giao thừa. Bắt đầu từ khoảng 19 giờ tối, nhiều tuyến đường ở thành phố Sóc Trăng như 30-4, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ,…đã chật kín người, đặc biệt là khu vực công viên Bạch Đằng, nơi diễn ra hội thi múa Rồng; quảng trường Chiến Thắng, nơi tổ chức biểu diễn văn nghệ và bắn pháo hoa.
Biển người chờ đón pháo hoa tại Sóc Trăng
Tại Bạc Liêu, từ chiều ngày 29 tháng Chạp, người dân ở vùng nông thôn Bạc Liêu tất bật chuẩn bị mọi thứ để đón giao thừa. Nhiều gia đình đặt bàn thờ Bác Hồ ngay trước cửa nhà, trang trí đèn màu rất đẹp.
Sôi động nhất là cảnh người dân gom rác thải lại thành đống để chuẩn bị đốt đúng vào thời khắc chuyển giao năm mới.
Người dân đốt rác trong giờ khắc giao thừa
Qua ghi nhận của PV Dân trí, tại xã Phong Thạnh A (huyện Giá Rai) không khí gom rác của các hộ gia đình diễn ra khá nhộn nhịp. Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp 3) cho biết: “Như thành thông lệ, rác trong và xung quanh nhà đều được gom lại hết. Khi đúng giờ giao thừa chúng tôi sẽ đốt đi để xóa những cái cũ, xui rủi của năm qua”.
Phút giao thừa đã qua, Tết đã thực sự chạm đến từng ngõ phố, cửa nhà cùng với nhiều hy vọng trong năm mới.
Đêm giao thừa tại Bình Định, thời tiết mát mẻ như ủng hộ mọi người cùng du xuân chơi tết đón giao thừa ngoài trời. Ngay từ 19h tối, đường phố đã nghịt người đi chơi tết; nhiều gia đình tranh thủ mua chậu cúc, chậu quất về chưng tết.
Hàng ngàn người tập trung về Quảng trường trước Trung tâm Thương mại để đón giao thừa xem pháo hoa
Sau giao thừa người dân đi chùa mỗi lúc một đông (Ảnh: Doãn Công)
Đường phố đông vui, nhộn nhịp hơn khi dòng người nối đuôi nhau tập trung về tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại trên đường Nguyễn Tất Thành cùng đón giao thừa, cùng xem bắn pháo hoa. Màn pháo hoa kéo dài 15 phút vừa dứt, hàng ngàn người lại tập trung về Chùa Hiển Nam (TP Quy Nhơn) đi lễ cầu may cho một năm mới an lành, thịnh vượng.
Nhóm PV