Cà Mau chống dịch quá "gắt": Tài xế không chịu nổi, muốn dừng chở hàng
(Dân trí) - Lái xe vận tải muốn chuyển hàng hóa vào tỉnh Cà Mau phải xét nghiệm nhanh và sau khi giao hàng xong lại phải tiếp tục xét nghiệm, mặc dù giấy xét nghiệm vẫn còn hiệu lực trong 72h.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rà soát, bãi bỏ quy định kiểm tra y tế chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng.
Cơ quan này cho biết nhận được thông tin về việc doanh nghiệp vận tải muốn vận chuyển hàng hóa vào tỉnh Cà Mau phải xét nghiệm nhanh và sau khi giao hàng xong lại phải tiếp tục xét nghiệm (mặc dù giấy xét nghiệm vẫn còn hiệu lực trong 72h).
"Sự việc khiến nhiều lái xe chịu không nổi và không muốn vận chuyển hàng hóa đi Cà Mau" - Tổng cục Đường bộ cho biết. Đồng thời cơ quan này đề nghị UBND tỉnh Cà Mau tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa được lưu thông kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đơn vị liên quan tại các chốt kiểm soát dịch bệnh thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng chính phủ và Công điện của Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
"Việc rà soát này nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải, đảm bảo hoạt động vận tải hàng hóa được lưu thông kịp thời thông suốt" - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng phải phát văn bản đi trong đêm, gửi tới UBND tỉnh Gia Lai và đề nghị địa phương này vào cuộc gỡ điểm nghẽn luồng xanh bị địa phương chốt chặn quá "gắt" tại cầu 110 km 1667+630 đường Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện chở hàng hóa.
Cụ thể, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu: "Những nơi không có Chỉ thị 16 xe luồng xanh và lái xe có đủ điều kiện theo quy định vẫn lưu thông bình thường, xe và lái xe từ những nơi thuộc Chỉ thị 16 thì phải đổi lái xe, sử dụng lái xe của Gia Lai hoặc sang hàng thì mới cho chạy vào và phải có giấy phép".
Được biết, ngay khi nhận được văn bản từ cơ quan quản lý đường bộ, UBND tỉnh Gia Lai đã có chỉ đạo Sở GTVT và Công an tỉnh, yêu cầu 2 đơn vị này khẩn trương trao đổi, thống nhất phương án vận chuyển hàng hóa, quản lý phương tiện và người lái trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và gửi đề xuất tới UBND tỉnh.