Gia Lai chống dịch quá "gắt", Tổng cục Đường bộ cấp tốc "gỡ" chốt trong đêm
(Dân trí) - Tối muộn 28/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai đề nghị vào cuộc gỡ điểm nghẽn luồng xanh bị địa phương chốt chặn quá "gắt" tại cầu 110 km 1667+630 đường Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đường bộ III - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại chốt cầu 110 km 1667+630 đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai, lực lượng chức năng yêu cầu các tài xế xe vận tải thực hiện các quy định rất khắt khe, gây ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện chở hàng hóa.
Cụ thể, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu: "Những nơi không có Chỉ thị 16 xe luồng xanh và lái xe có đủ điều kiện theo quy định vẫn lưu thông bình thường, xe và lái xe từ những nơi thuộc Chỉ thị 16 thì phải đổi lái xe, sử dụng lái xe của Gia Lai hoặc sang hàng thì mới cho chạy vào và phải có giấy phép".
Ngày 27/8, xe tải BKS 51D - 627.06 và trường hợp xe BKS 51C - 279.62 đã có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ và giấy bảo lãnh của doanh nghiệp tại Gia Lai để giao hàng… nhưng lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát vẫn kiên quyết không cho phương tiện đi vào địa bàn.
Trước những quy định thiếu nhất quán nói trên, tối muộn 28/8, ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt - có văn bản gửi tỉnh Gia Lai, đề nghị tỉnh này có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông thuận lợi khi qua địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị địa phương tạo thuận lợi triển khai thực hiện bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị tỉnh Gia Lai thực hiện nghiêm các Công điện số 1102/CĐ - TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng chính phủ, Công điện số 12/CĐ-BGTVT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Việc này, để vừa tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải vừa bảo đảm tính thống nhất với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT nhằm đảm bảo hoạt động vận tải hàng hóa được lưu thông kịp thời thông suốt" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay.
Được biết, ngay khi nhận được văn bản từ cơ quan quản lý đường bộ, UBND tỉnh Gia Lai đã có chỉ đạo Sở GTVT và Công an tỉnh, yêu cầu 2 đơn vị này khẩn trương trao đổi, thống nhất phương án vận chuyển hàng hóa, quản lý phương tiện và người lái trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và gửi đề xuất tới UBND tỉnh.
Trước đó, Bộ GTVT đã nêu tên đích danh 8 tỉnh, thành phố ban hành các quy định gây ảnh hưởng đến lưu thông vận chuyển hàng hóa trên quốc lộ, gồm: TP Cần Thơ, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang và Bạc Liêu. Các địa phương có quy định chưa thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT khẩn trương làm việc với các địa phương để thống nhất trong triển khai thực hiện bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021, văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19, văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.
"Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát các văn bản đã ban hành chưa đúng, chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; báo cáo kết quả rà soát bằng văn bản về Bộ GTVT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng" - Bộ GTVT nhấn mạnh và cho biết đây là vấn đề cấp bách, tác động trực tiếp đến việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16.