1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: “Bộ Kế hoạch - Đầu tư sơ suất”

Sau khi Nguyễn Đức Chi bị bắt với tội lừa đảo chiếm đoạt 165 tỷ đồng, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc thừa nhận, để giúp một doanh nghiệp nhà nước thu hồi khoản nợ 2,4 triệu USD với Chi, Bộ đã có văn bản trình Chính phủ cho phép công ty của Chi chuyển nhượng vốn.

Doanh nghiệp nhà nước nêu trên là Công ty lương thực Trà Vinh, bị Chi mua chịu gạo và chiếm đoạt 2,4 triệu USD từ năm 2003. Khi bị đòi tiền, Chi muốn gán 60% số vốn của Công ty Elaitrox (do Chi làm giám đốc, thực chất là công ty ma) cho công ty lương thực Trà Vinh.

Trong thời gian này, khi Bộ Công an đang điều tra về hàng loạt hành vi lừa đảo của Chi trong nhiều dự án đầu tư khác, thì liên doanh của Chi lại có văn thư đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư không xem xét việc chuyển nhượng vốn cho công ty lương thực Trà Vinh, mà chuyển 65% vốn pháp định cho công ty Bạch Lân.

Theo đó, công ty Bạch Lân sẽ thanh toán các khoản nợ thay cho Nguyễn Đức Chi, trong đó có khoản nợ của Công ty lương thực Trà Vinh.

Ông biết công ty của Nguyễn Đức Chi có dấu hiệu lừa đảo từ thời điểm nào?

Thời điểm tôi biết được chính thức là tháng 4/2005, trong cuộc họp nghe Bộ Công an báo cáo với Chính phủ.

Vậy tại sao sau đó ông vẫn ký công văn đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển nhượng vốn cho công ty Bạch Lân?

Vì Bạch Lân cam kết sẽ thanh toán các khoản nợ của ông Chi, đồng thời huy động vốn để triển khai dự án Rusalka và thanh toán cho các nhà thầu. Bộ nhận thấy phương án này có ưu điểm là nếu bên nhận chuyển nhượng thực sự có năng lực và thực hiện đúng cam kết thì dự án sẽ tránh bị đổ bể, giải quyết ngay được các khoản nợ nhà thầu, cũng như tạo điều kiện cho Trà Vinh và Lâm Viên (một chủ nợ 43,5 tỷ đồng của Nguyễn Đức Chi) thu hồi được một phần tiền tránh thất thoát cho nhà nước.

Việc Bộ đề nghị cho phép chuyển nhượng vốn có thể hiểu đã gián tiếp thừa nhận việc ông Chi có vốn để chuyển nhượng?

Ở đây ông Chi còn bao nhiêu tiền tính sau, nhưng những người trong tổ hợp của ông Chi sẽ có trách nhiệm thực hiện việc chuyển nhượng vốn. Nếu họ đồng thuận thì rút tiền để trả lại cho Trà Vinh. Tiền cổ đông còn lại tính sau.

Dự án này đã có dấu hiệu lừa đảo, sao lại cho một công ty nước ngoài (Bạch Lân) mua lại?

Dự án này chỉ có công ty của Chi là ma, còn các đối tác tham gia khác không phải như vậy. Xuất phát từ lợi ích dự án và bảo vệ cổ đông, nếu có người nhận thì có quyền chuyển nhượng.

Trong cuộc họp nghe Bộ Công an báo cáo, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Công an là tạm ngừng cho phép chuyển nhượng, nhưng Bộ Kế hoạch đầu tư vẫn đề nghị cho chuyển nhượng. Ông giải thích thế nào về sự không thống nhất quan điểm của mình với Bộ Công an?

Xin nói thêm là trước đó Bộ Công an đồng ý với phương án này. Ở đây cần phân biệt, một bên là tội hình sự thì phải xử lý và một bên là bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư tham gia dự án. Bộ Kế hoạch đầu tư hoàn toàn chấp hành ý kiến Chính phủ.

Giấy phép đầu tư năm 2000 do Thứ trưởng Vũ Huy Hoàng ký, muốn thay đổi phải được phép của Thủ tướng. Chính vì vậy chúng tôi mới làm văn bản xin ý kiến chứ không tự mình làm trái với quy định trước đây.

Đây là dự án Bộ Kế hoạch đầu tư đang xử lý hậu quả. Giấy phép cấp năm 2000 và từ đó đến nay không triển khai, liên tục xảy ra các vụ việc. Trà Vinh là tỉnh nghèo, vốn của Công ty lương thực tỉnh là đi vay ngân hàng, Bí thư tỉnh uỷ Trà Vinh đề nghị với tôi bảo vệ vốn nhà nước, cho Trà Vinh thu tiền về.

Tháng 4, sau khi nghe báo cáo, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch đầu tư làm rõ về dự án này, kiểm tra xem phần nào góp vốn thật, của những đơn vị nào. Vậy trước khi có văn bản đề nghị cho chuyển nhượng vốn, Bộ kế hoạch đầu tư có kiểm tra như yêu cầu của Chính phủ?

Chúng tôi vẫn đang làm. Trong công văn gửi Chính phủ chúng tôi cũng đã kiến nghị chuyển nhượng vốn là phải kiểm tra. Nếu Chính phủ cho phép chuyển nhượng thì cũng cần phải kiểm tra năng lực của bên nhận chuyển nhượng, đồng thời yêu cầu cam kết rõ tiến độ thực hiện và các điều kiện ràng buộc.

Chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ Tài Chính quản lý phần vốn ký quỹ, phối hợp với kiểm toán nhà nước, hoặc công ty kiểm toán của Bộ Tài chính, làm rõ phần vốn thực góp của ông Chi. Trường hợp ông Chi bị truy tố thì tài sản sẽ do toà án xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghĩa là mặc dù ông đã biết rõ Nguyễn Đức Chi có khả năng bị bắt, nhưng vẫn làm công văn đề nghị Chính phủ cho công ty chuyển nhượng vốn. Xin hỏi, đã nhiều lần ông đề nghị Chính phủ cho chuyển nhượng vốn chưa?

Rồi chứ. Điều 34 của Luật đầu tư trong nước đã quy định cho phép.

Còn với trường hợp đang sắp bị khởi tố như Nguyễn Đức Chi?

Đây là trường hợp đầu tiên. Mục đích của tôi cũng là để thanh toán khoản nợ cho Trà Vinh, vì đây là nợ ngân hàng.

Trở lại với việc cấp phép đầu tư cho Nguyễn Đức Chi năm 2000, trước khi cấp phép Bộ đã thẩm định năng lực tài chính của công ty này như thế nào?

Đây là công ty của Việt kiều nêu chúng tôi không thể đánh giá được năng lực tài chính thực sự của họ. Hồi đó, Bộ có sơ suất là không đưa ra điều kiện ràng buộc về thời hạn chuyển vốn thực hiện dự án.

Phát hiện ra sơ xuất này nên ngay từ 1/1/2003, Bộ đã có quy định ràng buộc, tuỳ theo quy mô của từng dự án nếu, chủ đầu tư sau từ 1 đến 2 năm không chuyển vốn thực hiện dự án thì sẽ rút giấy phép đầu tư. Nếu quy định này được thực hiện sớm thì sẽ không dẫn đến hậu quả như bây giờ.

Bộ trưởng đánh giá thế nào về thủ đoạn của Nguyễn Đức Chi?

Chạy tất cả nơi này nơi khác và lừa được nhiều thì phải nói là tinh vi. Chi liên quan rất nhiều, tại Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ có 1 dự án, còn tại các địa phương khác thì nhiều.

Theo Vnexpress

Dòng sự kiện: Nguyễn Đức Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm