1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Kiến nghị xử lý hàng loạt quan chức vụ Rusalka

Ngày 31/1, CQĐT đã chuyển kết luận điều tra vụ án “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang VKSND tối cao, đề nghị truy tố Nguyễn Đức Chi - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty RIT - về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Siêu lừa” sắp ra tòa  

Kết luận điều tra nêu rõ: Trong các năm 2002, 2003, Nguyễn Đức Chi đã mua hồ sơ và con dấu Công ty Arabella (Mỹ) tại Nga với giá 3.000 USD để ký 2 hợp đồng mua bán gạo với Nguyễn Thọ Trí, Giám đốc Công ty XNK và lương thực Trà Vinh, trị giá gần 6 triệu USD.

 

Trước khi ký hợp đồng, Chi đã dùng thủ đoạn gian dối như thể hiện khả năng kinh tế bằng cách giới thiệu với Trí nhà máy giầy ở Tula, Trung tâm Cosmos và dự án Rusalka, thoả thuận mua gạo với giá cao hơn giá thị trường thời điểm đó.

 

Sau khi ký hợp đồng mua bán gạo với Công ty XNK và lương thực Trà Vinh, Chi không thanh toán, chiếm đoạt trên 5,2 triệu USD. Sau nhiều lần đòi nợ không được, Nguyễn Thọ Trí đã có đơn tố cáo gửi CQĐT (C16B) Bộ Công an. Khi đó Chi mới gán 1 ngôi nhà trị giá 700 ngàn USD để trừ nợ.

 

Bên cạnh đó, với việc bán 1 phần góp vốn đầu tư ở dự án Rusalka cho Công ty Lâm Viên (Bộ Quốc phòng) theo thoả thuận miệng là 5,5 triệu USD, Chi đã có tiền trả nợ cho Trí, nhưng mới chuyển gần 44 tỷ đồng.

 

Liên quan đến phi vụ làm ăn này, CQĐT cũng đề nghị truy tố Nguyễn Thọ Trí về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo CQĐT, trong việc ký hợp đồng với Nguyễn Đức Chi, Nguyễn Thọ Trí đã không kiểm tra năng lực tài chính, tư cách pháp nhân của Công ty Arabella; khi biết Chi không mở được L/C theo yêu cầu, Trí cũng không thực hiện các biện pháp đảm bảo thanh toán hợp đồng theo quy định của pháp luật.

 

Trước đó, Nguyễn Đức Chi cũng gian dối về tư cách pháp nhân, khả năng tài chính của các nhà đầu tư, làm giả hồ sơ gửi đên Bộ KH&ĐT xin cấp giấy phép đầu tư vào dự án Rusalka và được một số quan chức tỉnh Khánh Hoà “ưu ái” cấp quyền sử dụng đất với diện tích gần 44 ha.

 

Sau khi có được “sổ đỏ”, Chi đã thế chấp vào ngân hàng TMCP quân đội để được cấp chứng thư bảo lãnh, tạo lòng tin với các nhà đầu tư. Chi còn lợi dụng chứng thư bảo lãnh này để ký hợp đồng mua giầy với Công ty 424 Nghệ An, chiếm đoạt trên 327 nghìn USD. Với những hành vi nêu trên, Nguyễn Đức Chi bị đề nghị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

Hàng loạt quan chức phải chịu trách nhiệm

 

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Đức Chi sinh năm 1969, ở Diễn Châu, Nghệ An, từng theo học tại Học viện An ninh Liên Xô từ năm 1986. Sau khi Liên Xô tan rã, Chi không về nước mà tự ý ở lại CHLB Nga làm ăn sinh sống bằng việc mở các công ty làm dịch vụ xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá, dịch vụ kho bãi; qua đó thực hiện việc gian lận, trốn thuế, rửa tiền tại Nga.

 

Khi Nhà nước Việt Nam mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, Chi về nước với danh nghĩa đầu tư nhưng thực ra là tiếp tục thực hiện các hành vi phạm pháp, sử dụng thủ đoạn gian dối làm giả hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư, ký giả chữ ký của các nhà đầu tư, gian dối về khả năng tài chính của các nhà đầu tư.

 

Trong quá trình xin cấp giấy phép đầu tư tại Việt Nam, Chi ký các báo cáo giải trình và cam kết với Bộ KH&ĐT, khẳng định số vốn pháp định đầu tư vào dự án và vốn vay đều do các nhà đầu tư thực hiện từ nguồn vốn cá nhân và đàm phán vay mượn từ các tổ chức tài chính quốc tế, không cần sự bảo lãnh của Nhà nước Việt Nam. Chi cam kết thực hiện dự án, không chuyển nhượng vốn khi chưa hoàn thành dự án.

 

CQĐT đề nghị truy tố  bị can Mai Đức Chính, Vũ Xuân Thiềng về hành vi cố ý làm trái trong việc đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi Chi chưa làm hợp đồng thuê đất và các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

 

Bị can Trần Minh Duân, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, cũng bị đề nghị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khi chỉ căn cứ vào tờ trình của Sở Địa chính mà không kiểm tra hồ sơ đã ký cấp sổ đỏ cho dự án. Ông Duân còn tự ý thay đổi điều kiện ràng buộc của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc thu tiền bồi thường con đường đi qua dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước 4 tỷ đồng và  để cho Chi chiếm đoạt quyền sử dụng gần 44 ha đất.

 

Quá trình điều tra vụ án, CQĐT đã kê biên toàn bộ tài sản của dự án Rusalka. UBND tỉnh Khánh Hoà, Bộ KH&ĐT đã thực hiện việc thu hồi giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty RIT.

 

CQĐT đã xác định bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà - đã có hành vi tự ý quyết định cho dự án Rusalka được miễn 7 năm tiền thuê đất sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản khi UBND tỉnh Khánh Hoà chưa ban hành quyết định 1911 là trái với Thông tư 12/2000 của Bộ KH&ĐT.

 

Bà Mai Thị Thu (Phó cục trưởng cục đầu tư Bộ KH&ĐT) đã phát hiện việc các nhà đầu tư tham gia Công ty RIT không góp đủ vốn mà không làm rõ sự việc này, không báo cáo lãnh đạo Bộ KH&ĐT về khả năng tài chính thật sự của các nhà đầu tư.

 

Chính việc làm này tạo điều kiện cho Nguyễn Đức Chi kéo dài thời gian quản lý dự án và sử dụng dự án để lừa đảo và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Nhưng sau khi xem xét hành vi của bà Hằng và bà Thu thấy không cần thiết phải khởi tố bị can và truy tố trước pháp luật.

 

CQĐT cũng nhận định, với những sai phạm trên, bà Hằng và bà Thu không đủ tư cách, uy tín để điều hành quản lý nên kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

 

Theo Hà Trường - Đức Pha

VietNamnet

Dòng sự kiện: Nguyễn Đức Chi