Bộ trưởng Nông nghiệp: Việt Nam có lợi thế, tiềm năng về nghề nuôi biển
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định Việt Nam có tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển, song cần tháo gỡ một số khó khăn để nghề này phát triển mạnh mẽ.
Ngày 1/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị "Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh".
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt, định hướng rõ phát triển ngành nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại.
Đề án trên còn định hướng phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định Việt Nam có tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển.
"Muốn nghề nuôi biển bay xa, tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ. Chúng ta cần phải có những chiến lược để phát huy thế mạnh sẵn có", ông Hoan nói.
Làm rõ hơn những vấn đề tổng thể về nuôi biển gắn với thực tế của tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện nhấn mạnh quan điểm của địa phương trong việc "Nuôi biển xanh vì tương lai".
Cụ thể, nghề nuôi biển ở Quảng Ninh phải tiến lên hiện đại, vừa đảm bảo sinh kế cho ngư dân, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh.
Nghề này ở Quảng Ninh còn được định hướng vừa phát triển nuôi biển đa giá trị, kết hợp du lịch, trải nghiệm, giáo dục phục vụ phát triển cùng mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch biển đảo.
Tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng hoàn thành Quy hoạch nuôi biển với diện tích 45.000ha. Đồng thời tỉnh này cũng cụ thể các vùng quy hoạch biển ở 9 địa phương có biển trên địa bàn tỉnh và quyết liệt chỉ đạo vật liệu nuôi biển mới, thân thiện môi trường, bền vững.
Phân tích thêm những tiềm năng, lợi thế, cũng như gợi mở một số hướng đi để Quảng Ninh có thể trở thành một trung tâm nuôi biển, PGS. TS Võ Sỹ Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ nuôi biển Việt Nam, nhận định Quảng Ninh có bờ biển dài, nhiều đảo vũng vịnh, nhiều vùng được che chắn trước gió, nền đáy bùn chiếm diện tích lớn, có nhiệt độ thấp vào mùa đông, biến động độ muối và năng suất sinh học thuận lợi cho nuôi biển.
Cũng theo PGS. TS Võ Sỹ Tuấn, Quảng Ninh cũng có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven bờ giàu có với gần 2.000ha, thảm cỏ biển rộng, là nơi lưu giữ trầm tích, năng suất sinh học cao với nhiều loài phong phú… Tất cả những điều này, là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh có thể phát triển ngành nuôi biển bền vững.
Chia sẻ những kinh nghiệm nuôi biển, quản lý nuôi biển từ thành công trong thực tế của quốc gia có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến trên thế giới, bà Karin Greve-Isdahl, Tham tán thương mại, thương vụ Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam, đã giới thiệu với hội nghị "Kinh nghiệm từ ngành công nghiệp nuôi cá hồi của Na Uy".
Cùng với đó, ông Leonardo Mata, Giám đốc Dự án tảo biển Green Grazing, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nuôi biển quy mô lớn, công nghiệp đang được áp dụng tại dự án của mình. Ông cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với ngành nuôi biển của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.