1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Luật sư chỉ ra nguyên nhân khiến ngư dân không yên tâm với nghề nuôi biển

Nguyễn Dương

(Dân trí) - "Có quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhưng không công nhận quyền sở hữu mặt nước, hợp đồng lại rất ngắn, nên khó có thể tạo sự yên tâm trong đầu tư phát triển của bà con", luật sư Trần Thế Anh cho biết.

Tại buổi Tọa đàm "Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cơ hội và thách thức" do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức sáng 20/4, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, người nuôi biển cần tổ chức lại sản xuất và xây dựng lại vùng nuôi phù hợp để đem lại hiệu quả và bền vững.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển để bù lượng khai thác phải giảm

Luật sư chỉ ra nguyên nhân khiến ngư dân không yên tâm với nghề nuôi biển - 1

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản.

Theo ông Trần Đình Luân, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực ven biển và phát triển nuôi xa bờ. Phát triển nuôi biển cũng là bù đắp lại sản lượng khai thác phải giảm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.

Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, thủy sản hiện có hai mảng chính là khai thác và nuôi trồng. Những năm gần đây, ngành thủy sản đã đề ra mục tiêu giảm khai thác ồ ạt, hướng tới khai thác bền vững. Do vậy, nuôi trồng sẽ càng trở nên quan trọng, bởi lĩnh vực này gắn với sinh kế của bà con, đặc biệt là những ngư dân sống ven biển; trong khi đó tiềm năng để nuôi trồng thủy sản của Việt Nam rất lớn.

"Trong bối cảnh biến đối khí hậu ngày càng phức tạp thì tiềm năng nuôi trồng thủy sản càng có nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn, bền vững hơn. Về mặt thị trường, các loại thủy sản ven biển có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng, cung luôn không đáp ứng đủ cầu… Nuôi trồng thủy sản là mục tiêu then chốt để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững", ông Phạm Anh Tuấn đánh giá.

Luật sư chỉ ra nguyên nhân khiến ngư dân không yên tâm với nghề nuôi biển - 2

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam.

Nói thêm về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, trước đây chúng ta phụ thuộc nhiều vào nguồn giống tự nhiên thì đến nay một số giống nhuyễn thể, đặc biệt như ngao đã cơ bản chủ động được nguồn giống. Tuy nhiên, việc tuân theo quy trình, kỹ thuật nuôi của bà con lại còn rất kém. Bà con cứ nhân mật độ ra sản lượng mà quên mất những khuyến cáo của các cơ quan chức năng về môi trường, quy trình hướng dẫn kỹ thuật nuôi…

"Nuôi biển có rất nhiều đối tượng nuôi. Mỗi đối tượng nuôi biển có quy trình nuôi đặc thù riêng nhau, vì thế nông dân cần nắm rõ quy trình nuôi, đối tượng nuôi. Bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, vấn đề về giao mặt nước hay sự phát triển khá tự do ở một số vùng ven biển cũng là những yếu tố tác động tới việc phát triển nuôi biển bền vững. Để bà con yên tâm sử dụng mặt nước nuôi trồng lâu dài, thì vấn đề quy hoạch nuôi trồng thủy sản, giao mặt nước của các địa phương được xem là một trong những khâu then chốt", ông Luân đưa ra khuyến cáo.

Luật sư chỉ ra nguyên nhân khiến ngư dân không yên tâm với nghề nuôi biển - 3

Ông Trần Thế Anh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN.

Ông Trần Thế Anh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị đã cộng tác với nhiều bà con ở Hải Phòng, Nam Định trong việc tư vấn nuôi ngao, nuôi cá. Thực tế cho thấy, trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản đang tồn tại nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương xây dựng trước năm 2020, quy hoạch này đến năm 2030. Nhưng năm 2021 lại đặt ra vấn đề tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp, dẫn đến nhiều nơi điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản để tạo điều kiện cho ngành nghề khác sử dụng quỹ đất liên quan nuôi thủy sản. Việc này đột ngột, dẫn đến giảm diện tích nuôi trồng, mất sinh kế của người nông dân. Hay việc có quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhưng lại không giao quyền sử dụng cho dân, hoặc công nhận quyền sở hữu mặt nước, cũng như việc có hợp đồng rất ngắn hạn thì cũng khó có thể tạo sự yên tâm trong đầu tư phát triển của bà con.

Theo ông Đặng Xuân Trường - Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát xảy ra khá phổ biến do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả do quy hoạch, do trình độ kỹ thuật nuôi trồng của bà con còn hạn chế, do môi trường... Để đảm bảo hiệu quả kinh tế bền vững, bà con cần đảm bảo mật độ nuôi, tuân thủ khâu xử lý môi trường nước, đảm bảo không ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Khi đầu tư và chọn đối tượng nuôi, nông dân cần biết bán ở đâu

Ông Trần Đình Luân cũng khuyến cáo, khi đầu tư, chọn nuôi các đối tượng, nông dân cần phải biết sẽ bán ở đâu, nếu không sẽ dễ bị rủi ro. Không thể chỉ thấy nhu cầu tiêu dùng thủy sản của thế giới tăng đã đầu tư nuôi, mà cần có thông tin cụ thể về thị trường. Do đó, sản xuất theo quy hoạch và đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ thị trường, nhu cầu, thị hiếu của khách hàng thì mới có khả năng cạnh tranh.

Luật sư chỉ ra nguyên nhân khiến ngư dân không yên tâm với nghề nuôi biển - 4

Ông Nguyễn Văn Sơn - Nông dân nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng, Nam Định.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sơn - Nông dân nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng, Nam Định chia sẻ, trung bình sản lượng mỗi năm của Nghĩa Hưng đạt 2.000 tấn/ha nuôi cá bống bớp, nông dân lãi 400-500 triệu đồng/năm. Đây là sản phẩm đặc trưng của vùng đất Nghĩa Hưng, cần được quan tâm phát triển đúng với tiềm năng, giá trị của loại cá này. Ông Nguyễn Văn Sơn kiến nghị sớm có vùng nuôi được đầu tư bài bản, lâu dài để bà con yên tâm sản xuất. Về con giống, người nuôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, các nhà khoa học hỗ trợ vấn đề con giống chất lượng cao. Hiện tỷ lệ nhân giống tự phát trong dân chỉ đạt khoảng 30%, nhưng nếu có sự vào cuộc của các nhà khoa học, với các yếu tố kỹ thuật thì hiệu quả nhân giống có thể đạt tới 50-60%.

Về vấn đề này, ông Trần Đình Luân cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bảo tồn, nuôi và phát triển cá bống bớp sẽ sớm được giải quyết. Tổng cục Thủy sản sẽ cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định rà soát lại quy hoạch và những vấn đề tồn tại để hỗ trợ bà con sớm nhất. Tổng cục cũng đã giao cho Viện Nghiên cứu thủy hải sản nghiên cứu sản xuất giống cá bống bớp từ năm nay. Để cá bống bớp sẽ sớm trở thành sản phẩm đặc thù và bền vững ở Nghĩa Hưng, Nam Định hay các sản phẩm thủy sản đặc thù khác, ông Trần Đình Luân cho rằng, địa phương cần quan tâm đến vấn đề tổ chức sản xuất, sản xuất có mã số, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu…