1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng KH&CN gợi mở nhiều vấn đề để ĐBSCL phát triển xứng tầm

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Để vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm, theo kịp khu vực khác, Bộ trưởng KH&CN cho rằng, cần đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Ngày 15/12, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, vùng ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới.

Đây là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Đây cũng là nơi có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch.

Hàng năm, vùng ĐBSCL đóng góp hơn 20% GDP, giữ vai trò số một của quốc gia trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, vùng đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước.

Bộ trưởng KHCN gợi mở nhiều vấn đề để ĐBSCL phát triển xứng tầm - 1

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt (thứ 2 từ trái qua) nghe giới thiệu về sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ (Ảnh: XL).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhận định, nhìn tổng thể kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao nhưng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào thiên nhiên, chưa có sự chuyên môn hóa, ít sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, thiếu tính bền vững. Công tác đào tạo nguồn nhân lực và đưa các ứng dụng khoa học và công nghệ vào giải quyết các vấn đề thực tiễn còn nhiều hạn chế.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, để vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm và theo kịp với các khu vực khác cần đẩy mạnh lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây được xem là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Cụ thể, vùng cần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng.

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, tìm kiếm, lựa chọn, tiếp nhận công nghệ; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, viện, trường theo hướng đặt hàng, chuyển giao công nghệ; cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ trên thị trường.

Trong phần thảo luận, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng cần khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư cho khoa học và công nghệ, tăng cường chuỗi liên kết.

Sự liên kết 6 nhà, gồm: "Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối". Trong đó, vai trò của doanh nghiệp phải được khẳng định trong ứng dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng giá trị thương mại của sản phẩm.

Theo ông Mẫn, các tỉnh, thành nên tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là động lực cho tăng trưởng với tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Các đại biểu, nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ trong từng lĩnh vực như phát triển nghề nuôi cá tra, giống cây ăn quả chủ lực, lúa gạo chất lượng cao, xử lý môi trường và phòng trị bệnh trên tôm,...