1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng có hình dung được cuộc sống thuê nhà của công nhân?

(Dân trí) - “Khi còn ở địa phương cũng như khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Xây dựng, tôi đã bỏ nhiều thời gian đi thăm, tìm hiểu điều kiện ăn ở, sinh sống của người dân, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp. Tôi rất hiểu những khó khăn của người thuê nhà như thế”…

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời câu hỏi của một công nhân gửi tới chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tuần này. Nội dung chương trình tập trung vào vấn đề chính sách chăm lo nhà ở cho người nghèo.

Một người dân ở vùng bão lũ Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình than thở, căn nhà cả đời tích cóp của gia đình làm để tránh mưa, trú nắng đã bị cơn lũ mùa trước cuốn trôi và tỏ ra thất vọng vì “chỉ thấy Bộ trưởng Xây dựng quan tâm đến nhà ở cho người dân thành phố”.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều chính sách ưu tiên về nhà ở cho người dân, đặc biệt là người nghèo không phân biệt ở nông thôn, thành thị. Thực tế nhiều năm qua, Nhà nước luôn dành một nguồn ngân sách đáng kể để hỗ trợ các chương trình nhà ở nông thôn, gần đây là Chương trình nhà ở 167 hỗ trợ nhà ở cho hơn 500.000 hộ nghèo đã kết thúc và đang làm giai đoạn 2.500 hộ nữa.

Ông Dũng dẫn chứng, Bộ Xây dựng đang triển khai chương trình nhà ở cho vùng ngập lũ ĐBSCL, vùng bão lũ miền Trung, đến nay đã giải quyết khoảng 200.000 hộ có thể tránh lũ.
Bộ trưởng Xây dựng: Tôi rất nhiều những khó khăn của người đi thuê nhà.
Bộ trưởng Xây dựng: "Tôi rất hiểu những khó khăn của người đi thuê nhà".

“Đối với vùng biển ở nước ta có 28 tỉnh ở vùng Duyên hải từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, trong đó có 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận khu vực luôn gánh chịu cơn bão lũ lớn. Do đó, Chính phủ đã Quyết định thực hiện chương trình thí điểm nhà ở tránh bão lũ với 700 hộ và bước đầu đã thành công” – Bộ trưởng Xây dựng thông tin thêm, 40.000 hộ dẫn nghèo khác cũng sẽ được hỗ trợ để xây nhà tránh lũ, mục tiêu hoàn thành trong năm 2016. Theo đó, chắc chắn những hộ gia đình cá nhân thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ được hỗ trợ có nhà đảm bảo tránh bão lũ an toàn.

Câu hỏi của một nữ công nhân tại Yên Phong, Bắc Ninh cũng đầy day dứt khi suốt đời không dám mơ sở hữu một căn nhà tử tế. Chị này có mức lương 3 triệu đồng/tháng, đang thuê nhà ở với điều kiện rất chật chội, khổ sở. “Nói ra không biết Bộ trưởng có hình dung được cuộc sống ở nhà trọ của chúng tôi?” – người phụ nữ thốt lên xót xa.

Chia sẻ với những khó khăn chị nữ công nhân ở Bắc Ninh kể ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng trải lòng: “Khi còn ở địa phương cũng như khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Xây dựng, tôi đã bỏ nhiều thời gian đi thăm, tìm hiểu điều kiện ăn ở, sinh sống của người dân, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp. Tôi rất hiểu những khó khăn của người thuê nhà như thế”.

Theo đó, với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ phụ trách về lĩnh vực phát triển nhà ở, ông Dũng khẳng định, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành chức năng xây dựng chính sách và đề xuất Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng, tiêu biểu là Chiến lược nhà ở giai đoạn 2011-2020, trong đó khẳng định không chỉ định hướng phát triển nhà ở thị trường mà còn phát triển cả nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của những người không có khả năng đáp ứng giá thị trường.

Và các chính sách phát triển nhà ở xã hội, theo người đứng đầu ngành Xây dựng, chính là giải pháp cho các đối tượng gặp khó khăn, cần hỗ trợ về nhà ở. Luật nhà ở 2003 dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong tháng tới quy định rõ những chính sách hỗ trợ đối với những người khó khăn về nhà ở và cụ thể những đối tượng được hỗ trợ như hộ dân nghèo ở nông thôn, người có công, lực lượng vũ trang, công chức viên chức trong hệ thống chính trị, sinh viên, công nhân ở khu công nghiệp đều là đối tượng được thụ hưởng trong chính sách nhà ở xã hội.

“Tôi tin rằng, khi các chính sách, luật được ban hành, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, chúng ta sẽ từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở của những người có thu nhập thấp” – ông Dũng quả quyết.

Dù vậy, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, nhà nước không chủ trương quay lại chính sách bao cấp nhà ở như thời gian trước. Vấn đề là với trình độ của nền kinh tế đang ở mức thu nhập trung bình thấp, nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, người thân và nhà nước thì người dân khó có thể mua nhà ở đô thị theo giá thị trường. Do đó, Nhà nước đã chủ động đề ra các chính sách hỗ trợ, thực tế hiện nay có trên 80% người có nhu cầu về nhà ở cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Sự hỗ trợ này không phải hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, mà bằng tiền sử dụng đất, bằng chính sách tín dụng cho người dân vay với lãi suất thấp, và bằng chính sách giảm thuế đầu ra… để giá nhà giảm xuống, sẽ có nhiều người có khả năng làm nhà, mua nhà hơn.

P.Thảo