Bộ Nông nghiệp nói gì về việc hàng xuất khẩu "tắc" do chậm được cấp mã?
(Dân trí) - Nhiều mặt hàng xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc bị tắc do chậm được cấp mã, đại diện cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này.
Từ ngày 1/1/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc phải đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cho biết, dù nhiều tháng gửi hồ sơ, đến nay vẫn chưa có kết quả khiến nhiều lô hàng của doanh nghiệp có nguy cơ ách tắc. Đặc biệt, việc xử lý chậm còn làm gián đoạn hoạt động thương mại, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến nội dung trên, pviên Dân trí đã trao đổi với TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, Bộ NN&PTNT).
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu theo đường chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc phản ánh họ đang gặp khó khăn do việc chậm được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã xuất khẩu theo lệnh 248, 249. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
- Ngay khi nhận được thông tin từ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra, cuối tháng 4/2021, chúng tôi đã có đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật của SPS. Trong đó có 5 cơ quan có thẩm quyền xử lý việc này là Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đối với sản phẩm từ thực vật; Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đối với sản phẩm từ động vật; Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) là sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản; Vụ khoa học, Công nghệ và môi trường (Bộ Công thương) đối với các sản phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương như bánh kẹo, nước giải khát và Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế đối với những sản phẩm nông sản nhưng là các mặt hàng thực phẩm chức năng.
Phía Trung Quốc qui định, đối với 18 nhóm mặt hàng có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm (ATTP) thì phải được 5 cơ quan nói trên của Việt Nam phê duyệt. Ví dụ, mặt hàng hạt điều thì phải được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt, sau đó hồ sơ chuyển sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, thẩm định và cấp mã.
Còn đối với nhóm sản phẩm không nằm trong số 18 nhóm sản phẩm nói trên, thì các doanh nghiệp đăng ký trực tiếp qua bộ phận một cửa trực tuyến tại website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Tất cả thông tin trên, danh sách các nhóm mặt hàng đều được thông tin chi tiết, rộng rãi.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm hoặc chưa tìm hiểu kỹ các quy định nên dẫn đến có tình trạng doanh nghiệp gửi hồ sơ xin cấp mã "nhầm" địa chỉ. Ví dụ, có doanh nghiệp có sản phẩm về thực vật lại gửi hồ sơ về Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương, mà đơn vị này cũng không biết nên cứ "om" hồ sơ, khi phát hiện ra đơn vị mình không có thẩm quyền duyệt hồ sơ thì mới trả lại doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp mới gửi về Cục Bảo vệ thực vật, dẫn đến quá trình cấp mã bị chậm.
Ngoài ra, có doanh nghiệp khi sản phẩm của mình thuộc nhóm 18 sản phẩm có nguy cơ cao về mất ATTP thì lại cứ đăng ký cấp mã qua bộ phận một cửa tại website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, dẫn đến không đăng ký được, khi phát hiện "nhầm địa chỉ" thì mới làm lại từ đầu;...
Tóm lại, doanh nghiệp cần biết sản phẩm của mình thuộc nhóm sản phẩm nào, đơn vị nào quản lý thì khi đó gửi hồ sơ đăng ký xin cấp mã mới đúng địa chỉ, nhanh chóng.
Ông có thể nói rõ hơn về quy trình để doanh nghiệp xin cấp mã và nếu làm đúng quy trình thì sau bao nhiêu ngày sẽ có kết quả?
- Đầu tiên doanh nghiệp cần xác định sản phẩm của mình thuộc nhóm nào, nếu không thuộc nhóm 18 sản phẩm có nguy cơ cao về mất ATTP thì đăng ký trực tiếp với qua bộ phận một cửa tại website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Còn đối với sản phẩm nằm trong nhóm 18 sản phẩm có nguy cơ cao mất ATTP thì doanh nghiệp cần xác định sản phẩm của mình thuộc cơ quan nào quản lý. Sau đó, chuẩn bị hồ sơ gửi đến các cơ quan này, các cơ quan này có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, khi hồ sơ đạt yêu cầu sẽ được chuyển sang cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thẩm định, xét duyệt hồ sơ một lần nữa, nếu đạt yêu cầu sẽ cấp mã và đăng công khai trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Nếu thực hiện đúng quy trình, hồ sơ không bị lỗi thì khoảng 10 ngày doanh nghiệp sẽ được cấp mã.
Lệnh 248, 249 được phía Trung Quốc thông báo khi nào và áp dụng đối với những quốc gia nào, thưa ông?
- Tháng 9/2020, Trung Quốc bắt đầu lấy ý kiến về Lệnh 248 "Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài" và Lệnh 249 "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Lúc đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã thông báo các đơn vị quản lý có liên quan, doanh nghiệp và hiệp hội. Theo thông lệ quốc tế, trong 60 ngày nếu không có ý kiến góp ý, phía Trung Quốc sẽ ban hành. Thời điểm đó, các đơn vị của Việt Nam hầu như không có ý kiến. Còn các doanh nghiệp cũng ít quan tâm về vấn đề này.
Đến giữa tháng 4/2021, Trung Quốc chính thức ban hành và thông báo áp dụng từ 1/1/2022. Ngay sau khi 2 lệnh này được ban hành, chúng tôi đã ký các văn bản gửi các địa phương, bộ, ngành để triển khai gấp và tổ chức hàng loạt các buổi phổ biến đến các doanh nghiệp, địa phương theo từng vùng trên cả nước.
Đến cuối tháng 9/2021, Trung Quốc bắt đầu hướng dẫn cụ thể 18 loại sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và hướng dẫn quy trình đăng ký cấp mã sản phẩm. Lúc này, các đơn vị mới bắt đầu triển khai được. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng rất áp lực về tiến độ này.
Đối với những doanh nghiệp lớn, họ có thể xử lý nhanh do có bộ phận pháp lý chuyên nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay quen làm ăn với Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Lần đầu tiên tiếp cận đến những quy định này, rất dễ bị mắc lỗi và làm hồ sơ rất vất vả.
Chẳng hạn, chỉ cần lỗi nhỏ đánh máy thiếu dấu, hoặc dính chữ tiếng Anh khi nhập trên hệ thống; hay lỗi tên địa chỉ đăng ký kinh doanh và thay đổi người đứng đầu…, doanh nghiệp đều phải làm lại hồ sơ. Thậm chí, doanh nghiệp đã được cấp mã rồi nhưng giờ lại muốn đăng ký thêm mã sản phẩm nữa,… thì phải làm tiếp hồ sơ mới gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Hiện, Trung Quốc áp dụng quy định này cho tất cả gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nên xử lý một số lượng lớn. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động lên trang web của Hải quan Trung Quốc https://ciferquery.singlewindow.cn/ để cập nhập kết quả. Trường hợp được cấp sẽ có tên trên hệ thống, chứ doanh nghiệp không phải ngồi đợi có văn bản gửi lại.
Vậy theo ông, phía Trung Quốc áp dụng 2 lệnh trên là nhằm mục đích gì?
- Mục đích của phía bạn là nhằm quản lý chặt chẽ sản phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc.
Ví dụ, đối với sản phẩm nhập khẩu vào mà bị ngộ độc, thì lúc đó truy ngược trách nhiệm rất dễ. Đầu tiên họ sẽ làm việc với nhà nhập khẩu phía Trung Quốc, sau đó đến ông chủ doanh nghiệp của các nước có sản phẩm, cơ quan chức năng nước sở tại quản lý nhóm sản phẩm này, vùng trồng và nơi sản xuất, thậm chí tọa độ đánh bắt hải sản trên biển. Tất cả việc làm này là mô hình đồng quản trị quốc tế.
SPS là cơ quan đầu mối quốc gia để minh bạch tất cả thông tin của các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về lĩnh vực ATTP và an toàn dịch bệnh. Trong đó có thông tin xuôi chiều, thông tin cảnh báo đều phải thông tin. Việt Nam phải có văn phòng SPS thì các thành viên mới cho Việt Nam vào WTO. Chính vì vậy, năm 2005, Văn phòng SPS được thành lập, năm 2007 Việt Nam chính thức gia nhập WTO.
Xin cảm ơn ông!