1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Giải cứu" nông sản: Giúp nông dân hay "cứu" thương lái nước ngoài?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng, việc cơ quan chức năng, địa phương tìm cách thông quan cho các xe nông sản ùn ứ ở biên giới là "giải cứu" cho thương lái nước ngoài, chứ không phải cho nông dân trong nước.

Thời gian gần đây, hàng nghìn xe chở nông sản lên các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn bị ùn ứ nghiêm trọng, không thông quan được. Nguyên nhân là do nhiều cửa khẩu ở phía Bắc đã thông báo tạm dừng thông quan do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu để thực hiện chính sách "Zero Covid". 

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tìm mọi biện pháp để hỗ trợ thông quan cho các xe chở nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu. Nhiều xe hàng không thể thông quan cũng phải quay đầu về các tỉnh phía Bắc và được bán giá rẻ để kích cầu với danh nghĩa "giải cứu nông sản".

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc "giải cứu" này là giúp cho thương lái nước ngoài chứ không phải "giải cứu" nông dân trong nước.

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hòa, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Có ý kiến cho rằng, việc cơ quan chức năng, địa phương tìm cách hỗ trợ thông quan cho các xe nông sản ùn ứ ở biên giới là "giải cứu" cho thương lái nước ngoài, chứ không phải cho nông dân trong nước, ông nghĩ sao về điều này?

- Liên quan đến thương mại, người bán thì phải có người mua, nếu chúng ta không hỗ trợ các thương nhân, các nhà nhập khẩu ở nước ngoài, thì sau này khi mà các chuỗi thương mại được khôi phục trở lại, thì ai là người thu mua nông sản cho bà con nông dân?

Nếu các thương lái không thu mua nữa thì chắc chắn giá sản phẩm sẽ giảm xuống. Đó là những việc mà chúng ta phải lường trước được, làm sao phải hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp chế biến, người sản xuất và cả những doanh nghiệp nhập khẩu phía Trung Quốc nữa. Đây không phải chỉ lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn lại lợi ích của người dân -  những người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa nông sản.

Giải cứu nông sản: Giúp nông dân hay cứu thương lái nước ngoài? - 1

Ông Lê Thanh Hòa, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Không chỉ trong thời gian vừa qua, mà các năm trước đó, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy các xe chở nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, vậy có phải do chúng ta chưa chú trọng đến khâu bảo quản, chế biến đối với mặt hàng nông sản, mà chỉ tập trung vào các mặt hàng thủy sản, thưa ông?

- Trong những năm vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy để phục vụ cho công tác chế biến. Nhưng đối với các nước xuất khẩu nông sản như Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng rau, hoa quả tươi, thì năng lực sản xuất rất lớn.

Không phải loại rau, hoa quả nào chúng ta cũng đưa vào chế biến, bởi nếu chất lượng tốt xuất khẩu tươi vẫn được giá trị cao hơn. Còn những loại không đủ tiêu xuất tươi, lúc đó chúng ta mới đưa vào chế biến để tận dụng tối đa giá trị cũng như vấn đầu tư trong sản xuất. Nếu chúng ta đưa hoa, quả tốt vào chế biến, thì giá thành sẽ cao, lúc đó sức cạnh tranh của sản phẩm chúng ta không có nữa. Chế biến chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại, nhưng không phải cứ đưa tất cả vào chế biến.

Bản thân doanh nghiệp họ cũng không bao giờ mua sản phẩm có giá thành cao để đưa vào chế biến. Thường là những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để ăn tươi hoặc xuất khẩu, thì lúc đó mới đưa vào chế biến. Chế biến cũng chỉ giải quyết một phần nào thôi. Chứ không phải khi ùn ứ thì đưa vào chế biến, việc này phải hài hòa từ khâu xuất sản phẩm tươi, đến chế biến, rồi đến các khâu bảo quản. Khâu sơ chế, bảo quản thời gian qua chúng ta còn yếu.

Thông qua việc  ùn ứ vừa rồi thì chúng ta sẽ có những định hình lại trong khâu chế biến, để đầu tư các cơ sở hạ tầng để bảo quản, hỗ trợ xuất khẩu.

Vậy theo ông đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng các xe nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu, thậm chí phải đổ bỏ nông sản như thời gian vừa qua?

- Việc sản xuất nông sản, ngoài việc đáp ứng tiêu thụ trong nước thì còn phải đáp ứng được thị trường tiêu thụ của thế giới. Nếu như chúng ta có chính sách kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, thì việc thông quan hàng hóa sẽ vẫn được duy trì, chúng ta sẽ không gặp những vấn đề khó khăn như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng thủy sản, nếu chúng ta chế biến sâu và cấp đông thì chúng ta vẫn có thể bảo quản trong thời gian rất lâu.

Ngay cả thời điểm các mặt hàng nông sản ùn tắc ở biên giới thì các mặt hàng thủy sản cũng được khuyến cáo đưa vào hệ thống kho lạnh của các kho bảo quản trong thời gian chờ thông quan. Thực tế, thị trường Trung Quốc cũng rất ưa chuộng các mặt hàng ướp đá, do đó, trong thời gian vừa qua việc thông quan các mặt hàng này cũng rất thuận lợi.

Còn trong bối cảnh Trung Quốc "đóng biên" do dịch Covid-19, chúng ta phải thúc đẩy kết nối để đưa các mặt hàng xuất khẩu vào chế biến phục vụ thị trường trong nước, cũng như chế biến để bảo quản trong thời gian chờ thông quan.

Xin cảm ơn ông!