Bộ Nội vụ chưa đề xuất sáp nhập bất cứ bộ nào
(Dân trí) - Theo Người phát ngôn Bộ Nội vụ, Bộ đang tham mưu cấp có thẩm quyền trong việc sắp xếp cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khóa mới, nhưng chưa có bất kỳ đề xuất nào về việc sáp nhập bộ này với bộ kia.
Thông tin này được ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ, nhấn mạnh trong cuộc họp báo chiều 16/6.
Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27/2022 Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền giai đoạn mới, Bộ Nội vụ cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; tổ chức các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ.
Thông tin thêm về lộ trình sáp nhập bộ, ngành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Nội vụ là phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Nhiệm vụ của Bộ Nội vụ là ban hành kế hoạch để triển khai Nghị quyết 27.
"Chúng tôi đưa vào chương trình, kế hoạch, mục tiêu nghiên cứu để xây dựng (đề án) sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm nguyên tắc tinh giản, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục chồng chéo", ông Minh nhấn mạnh.
Ông khẳng định đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, đụng chạm đến cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu của Chính phủ. Do vậy, vấn đề này cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng, phải qua nhiều vòng, đặc biệt, phải tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện cơ cấu Chính phủ để tham mưu cấp có thẩm quyền, tính tới cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV.
"Phải qua rất nhiều bước, đây mới là bước nghiên cứu thôi. Bộ Nội vụ chưa có bất kỳ đề xuất nào với cấp có thẩm quyền về việc nhập bộ này, bộ kia. Tương tự, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ chưa có bất cứ đề xuất nào về việc nhập tỉnh này với tỉnh kia, mới đề xuất việc nhập huyện và xã", Người phát ngôn Bộ Nội vụ khẳng định.
Nói thêm về việc này tại cuộc họp báo, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Trần Văn Khiêm khẳng định cơ cấu Chính phủ khóa XV vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Còn đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XVI tới đây sẽ được xây dựng trên cơ sở tổng kết 20 năm cơ cấu Chính phủ, từ khóa XII đến khóa XV. "Việc này phải báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội theo quy định", ông Khiêm nói và nhấn mạnh việc nghiên cứu giảm bớt bộ, cơ quan ngang bộ nào còn phải tổng kết.
Ông Khiêm cho biết đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ và trình dự thảo chương trình hành động, trong đó có nhiệm vụ tổng kết 20 thực hiện cơ cấu Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Khiêm, đây mới là dự thảo trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ.