1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Bộ GTVT hoàn tất thẩm định đề án nghiên cứu cảng Cần Giờ

Thư Trần

(Dân trí) - Bộ GTVT đã hoàn tất thẩm định đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trình Thủ tướng xem xét thông qua.

Theo Bộ GTVT, đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được TPHCM lập bài bản, chi tiết và có đủ cơ sở pháp lý.

Bộ GTVT thống nhất với các mục tiêu của đề án là thúc đẩy, phát triển khu bến cảng Cần Giờ thu hút các hãng tàu, hãng vận tải lớn; sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, hình thành khu phi thuế quan gắn liền với cảng trung chuyển quốc tế.

Đề án đã có tính toán sơ bộ kinh phí và nguồn lực đầu tư, đồng thời có đánh giá đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện. Ngoài ra, đề án đã có nhận diện sơ bộ tác động môi trường khi xây dựng cảng Cần Giờ. 

Bộ GTVT hoàn tất thẩm định đề án nghiên cứu cảng Cần Giờ - 1

Ảnh vệ tinh khu vực dự kiến đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và phối cảnh tương lai (Ảnh: Portcoast).

Kết quả mô phỏng theo kịch bản mặt bằng quy hoạch cho thấy khu vực xã đảo Thạnh An, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và khu vực lân cận không bị tác động bởi xói lở do xây dựng cảng trong tương lai. 

Việc đánh giá tác động chi tiết đến môi trường từ dự án này sẽ được nghiên cứu, đánh giá kỹ lượng hơn ở bước lập chủ trương đầu tư dự án.

Đề án cũng đánh giá khá kỹ lưỡng điều kiện hình thành khu bến cảng Cần Giờ, trong đó cự ly vận chuyển hàng trung chuyển quốc tế đến cảng giảm 30-70% so với vận chuyển đến Singapore; vị trí sát tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải đạt độ sâu khoảng -15,5m, đã tiếp nhận thành công tàu đến 232.494 tấn giảm tải; có chi phí bốc xếp thấp hơn so với Singapore…

Về giao thông và hạ tầng kỹ thuật kết nối, khu bến Cần Giờ sử dụng luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải để kết nối. Bộ GTVT đánh giá giải pháp kết nối bằng đường thủy trước mắt đến năm 2030 là hợp lý. 

Tuy nhiên, chưa có kết nối bằng đường bộ, đường sắt sẽ là hạn chế trong việc đa dạng hóa loại hình giao thông, giảm năng lực kết nối cảng. 

Về hạ tầng kỹ thuật kết nối, đề án đã đưa ra tiến độ, kinh phí phù hợp lộ trình đầu tư cảng. 

Bộ GTVT hoàn tất thẩm định đề án nghiên cứu cảng Cần Giờ - 2

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast)

Đối với ý kiến của UBND TPHCM về việc định hướng tận dụng vật chất nạo vét để san lấp mở rộng đảo Thạnh An (cù lao Phú Lợi) về phía Tây và phía Nam đảo (tổng khối lượng vật chất nạo vét dự kiến tận dụng khoảng 21 triệu m3), Bộ GTVT đề nghị, quá trình triển khai các bước cần nghiên cứu kỹ, báo cáo cấp thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Theo đề án, tổng kinh phí đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 128.000 tỷ đồng, do nhà đầu tư tự thu xếp bằng vốn tự có hoặc vốn vay. Phân kỳ đầu tư chia làm 2 giai đoạn, 2024-2025 và sau năm 2030 đến năm 2045. 

Hạ tầng cơ bản phục vụ khai thác cảng cho giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 240 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn thiện là 1.400 tỷ đồng. Nguồn vốn sẽ do doanh nghiệp đầu tư tự huy động.

Cơ chế lựa chọn nhà đầu tư được đề xuất giao UBND TPHCM lập hồ sơ, áp dụng phương án lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 98 hoặc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định (Luật đấu thầu).

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hình thành sẽ thúc đẩy gia tăng lượng hàng trung chuyển quốc tế tại khu vực Đông Nam Bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Tại Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định khu bến Cần Giờ là một trong những khu bến cảng lớn như Lạch Huyện, Cái Mép, Liên Chiểu, là cơ sở kêu gọi đầu tư tổng thể. Bộ GTVT ủng hộ quan điểm lựa chọn nhà đầu tư đầy đủ kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và tiềm năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế.