Chủ tịch TPHCM: Không đánh đổi mọi giá để làm cảng quốc tế tại Cần Giờ
(Dân trí) - Chủ tịch TPHCM nhìn nhận, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng tại một vùng rất nhạy cảm về vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường. Địa phương đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về dự án này.
Sáng 19/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội nghị lấy ý kiến Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Sự kiện có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về kinh tế, quy hoạch.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ quan điểm, việc nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hay bất kỳ dự án nào khác trên địa bàn cũng hướng tới mục tiêu phát triển không chỉ cho thành phố mà cho cả nước. Quan điểm của TPHCM là lựa chọn sự phát triển bền vững và không đánh đổi bằng mọi giá.
Lợi ích lớn nhất, hậu quả thấp nhất
Lãnh đạo chính quyền thành phố nhấn mạnh, buổi hội thảo hôm nay có ý nghĩa quan trọng để có thêm nhiều góc nhìn khác nhau về dự án này. Qua đó, các cơ quan sẽ nghiên cứu đầy đủ, thấu đáo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có quyết định cuối cùng.
"Chúng tôi ý thức được việc Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng, phát triển tại một vùng rất nhạy cảm về vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường và mối quan hệ vùng. Thành phố đã cân nhắc, nghiên cứu rất kỹ lưỡng và có dự thảo đề án trình Chính phủ, Thủ tướng", ông Phan Văn Mãi thông tin.
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, địa phương luôn lựa chọn sự phát triển bền vững. Thành phố sẽ không đánh đổi mọi giá để phát triển các dự án mà có sự cân nhắc hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và các vấn đề về tài nguyên, môi trường.
Phân tích rõ hơn quan điểm này, ông Mãi cho biết, địa phương không chỉ xem xét việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ở góc độ hiệu quả đầu tư tài chính, mà nhìn rộng hơn trong bối cảnh chung của thành phố, của vùng, của đất nước. Mặt khác, thành phố cũng không chỉ nhìn ở góc độ bảo vệ môi trường mà bỏ qua các cơ hội phát triển.
"Chúng ta chọn phát triển dự án thì có sự đánh đổi nhưng cần làm sao để sự đánh đổi đó mang lại hiệu quả lớn nhất và hậu quả ít nhất", ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Lãnh đạo TPHCM cũng mong muốn, các đại biểu sẽ làm rõ hơn sự tác động của xung đột kinh tế khi phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với các cảng hiện hữu, hệ thống cảng biển đã được Thủ tướng phê duyệt. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm đến những tác động của hệ thống đường bộ kết nối cảng đối với khu dự trữ sinh quyển hiện hữu.
"Những yếu tố tác động của đường bộ chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu. Nếu có, việc kết nối chỉ thực hiện sau năm 2030 và trong giai đoạn đầu, cảng chủ yếu giữ kết nối bằng đường thủy", ông Mãi thông tin.
Cuối cùng, Chủ tịch UBND TPHCM nêu rõ, sự quan tâm của đông đảo mọi người là dự án có tác động ra sao đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Đối với vấn đề này, TPHCM sẽ không làm Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ bằng mọi giá, bất chấp và bỏ qua các tác động thấy rõ.
Tuy nhiên, địa phương cũng tránh xu hướng lo ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển mà không nghiên cứu rõ tác động tới đâu, không dám làm gì. Chủ tịch TPHCM nhìn nhận, việc thực hiện dự án này sẽ có tác động ít nhiều đến thiên nhiên, tuy nhiên, điều quan trọng là sự đánh đổi ấy có xứng đáng và có đạt được lợi ích lớn nhất, hậu quả nhỏ nhất hay không.
Mất cơ hội sẽ không tìm lại được
Chia sẻ tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho biết, cảng Cần Giờ mới đang ở giai đoạn xin chủ trương, bổ sung quy hoạch, chặng đường tiếp theo để hình thành dự án còn rất dài. Tuy nhiên, đây là giai đoạn rất quan trọng để tránh các vấn đề khác sau này.
"Khi mới nghe về dự án, quan điểm của tôi là không đụng đến khu dự trữ sinh quyển. Tuy nhiên, khi tiếp cận dự án từ trên không và đường thủy, tôi ủng hộ. Việt Nam đến nay vẫn không có cửa ngõ nào, xuất, nhập khẩu đều gặp khó, hệ thống logistics đã quá tải", ông Trần Du Lịch nêu ý kiến.
Vị chuyên gia cho rằng, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần tiếp cận theo hướng nâng tầm các cụm cảng lớn trong khu vực. Các đơn vị cần tránh tư duy địa phương, lấy cảng này cạnh tranh cảng kia.
"Cần làm sao để cả cụm cảng phát triển hài hòa, đóng góp cho sự phát triển cả quốc gia chứ không riêng TPHCM. Dự án đã có đầy đủ pháp lý, vấn đề là xem xét kỹ để không phạm sai lầm. Nếu phát triển dự án mà gây xung đột lợi ích giữa các bên thì là lỗi của công tác quản lý phát triển", ông Trần Du Lịch đưa góc nhìn.
Cuối cùng, TS Trần Du Lịch dẫn lại, Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM nêu rõ, cảng Cần Giờ thuộc nhóm đầu tư chiến lược, thành phố cần thu hút nhà đầu tư đúng quy định, có cách ứng xử khác với các nhà đầu tư còn lại. TPHCM không nên đánh mất cơ hội này vì nếu mất sẽ không tìm lại được.
Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên nêu rõ, việc đầu tư phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là vấn đề hệ trọng của quốc gia. Đây là cơ hội lịch sử của đất nước nên các đơn vị liên quan cần thể hiện quyết tâm lớn.
"Đây thực sự là thời cơ của Việt Nam trong thời điểm này, chúng ta đừng thong thả nữa mà cần chớp thời cơ mang tính lịch sử thời đại. TPHCM cũng rất thẳng thắn, sẵn sàng tiếp nhận mọi vấn đề một cách thấu đáo để xem xét. Nếu chúng ta chậm một nhiệm kỳ thì thế giới đã đi đến đâu", vị chuyên gia đặt câu hỏi.
TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần hình thành một cụm cảng tại khu vực cùng cảng Cái Mép - Thị Vải. Nếu cụm cảng được dẫn dắt bởi các hãng tàu lớn nhất thế giới, những thành công lớn trên bình diện quốc gia sẽ được hình thành.