Hà Tĩnh:
Bộ đội dầm mình dưới cơn mưa xối xả giúp dân sửa nhà sau bão
(Dân trí) - Ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9, hàng chục ngôi nhà ở Hà Tĩnh bị tốc mái. Để kịp thời giúp người dân có nơi tránh trú, lực lượng bộ đội đã dầm mình dưới những cơn mưa xối xả khắc phục, sửa chữa.
Khoảng 2h30 ngày 30/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, một trận lốc xoáy đã khiến 29 ngôi nhà của người dân thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị tốc mái, hư hỏng.
Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết, ngay sau khi nhận được tin xảy ra thiên tai, xã đã có mặt tại hiện trường để động viên, trấn an người dân và xem xét, đánh giá tình hình báo lên UBND huyện; mong các lực lượng chức năng sớm về giúp bà con khắc phục hậu quả.
Sáng 30/10, nhận được thông tin về cơn lốc gây thiệt hại cho người dân, Ban CHQS huyện Lộc Hà đã huy động toàn thể cán bộ, chiến sĩ phối hợp với người dân kịp thời có mặt giúp bà con nhân dân khắc phục hậu quả, để người dân không phải chịu cảnh mưa rét.
Suốt trong cơn mưa xối xả từ sáng sớm đến chiều tối 30/10, gần 30 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ… trực tiếp dọn dẹp và triển khai thu dọn, vệ sinh nhà cửa, làm lại hệ thống khung sườn và tiến hành lợp ngói cho các hộ dân.
Trong điều kiện mưa to, gió lớn, hàng chục cán bộ, chiến sĩ vẫn trực tiếp thi công trên phần mái nhà. Đến thời điểm hiện tại, 20 ngôi nhà của người dân bị hư hỏng nặng đã được kịp thời sửa chữa, khắc phục.
Anh Nguyễn Văn Chỉnh (SN 1975) cho biết, ngôi nhà của gia đình anh gần 60m2, lốc cuốn quá nhanh kết hợp với mưa to nên cả nhà anh chỉ biết trốn vào gầm giường để bảo toàn tính mạng.
Sau khi cơn lốc qua đi, mái nhà của anh bị tốc gần hết. Suốt nhiều giờ liền, cả gia đình anh Chỉnh phải co ro ở góc nhỏ của ngôi nhà để tránh những trận mưa như trút nước.
“Hiện tại ngôi nhà của tôi đã được khắc phục, mái đã được lợp lại. Rất may có sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội và các ngành chức năng giúp người dân chúng tôi thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất, mưa gió.” – anh Chỉnh nói.
Đại úy Nguyễn Phi Vũ, Phó Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Lộc Hà cho biết, để kịp thời giúp đỡ cho các hộ dân còn lại sớm khắc phục hậu quả lốc bão, đơn vị tiếp tục bố trí lực lượng bám sát địa bàn; phân công chặt chẽ từng cá nhân, tập thể nhanh chóng giúp đỡ bà con nhân dân thu dọn các vật chất gãy, đổ, hoàn thiện mái nhà sớm nhất tránh thiệt hại về tài sản, của cải, vật chất giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
“Chúng tôi cũng chỉ đạo các lực lượng, nắm chắc tình hình các địa bàn trọng điểm nhắc nhở, động viên các hộ gia đình đề cao cảnh giác, gia cố cơ sở vật chất, chằng chống nhà cửa không để bị động trước diễn biến phúc tạp của thời tiết.” – Đại úy Vũ nói.
Cũng theo Đại úy Vũ, trong đợt bão lũ xảy ra trên địa bàn, Ban CHQS huyện Lộc Hà đã huy động tối đa lực lượng tổ chức sơ tán được 42 hộ với 120 nhân khẩu lên nơi cao ráo bảo đảm an toàn. Hiện đơn vị tiếp tục bố trí lực lượng, bám sát địa bàn, đặc biệt là các vùng trọng điểm để sẵn sàng động viên sơ tán nhân dân khi có tình huống xảy ra.
Nghệ An: 5 người chết và mất tích, hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập
Mưa lớn trong những ngày qua khiến hơn 12.000 ngôi nhà ở Nghệ An bị ngập nước, 5 người chết và tích.
Cụ thể: Ngày 30/10, em Phạm Văn P. (SN 2003, học sinh lớp 12, trú tại xã Nam Thanh, Nam Đàn) đi thả lưới, bắt cá cùng bố không may bị dòng nước lũ cuốn trôi. Nhận được tin báo, chính quyền xã Nam Thanh đã huy động hơn 150 người gồm công an, quân đội… dùng thuyền, cano tìm kiếm trên khắp cánh đồng. Đến 7h30 sáng nay vẫn chưa tìm được nạn nhân.
Cùng ngày 30/10, 2 cháu học sinh trên địa bàn xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn rủ nhau ra đồng bắt cá. Trong đó cháu Vi Văn T. (SN 2007) bị đuối nước tử vong. Cháu còn lại được cứu sống.
Ngoài ra, cháu Nguyễn Trọng Huy (SN 2005, trú tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) bị nước lũ cuốn trôi, tử vong trong lúc đi lùa vịt.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, do trời mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương bị ngập nặng như ở: TP Vinh, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành… tổng số nhà bị ngập là 12.631 nhà. Số hộ dân phải di dời do ngập lụt và sạt lở đất lên đến gần 3.000 hộ.
Trước diễn biến mưa lũ đang phức tạp, tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương, sở ban ngành liên quan rà soát, sơ tán triệt để người dân khỏi những nơi nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, trên tàu thuyền; trong các nhà không an toàn, những vùng thấp trũng, vùng miền núi có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Chủ động khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế hoặc không ra ngoài trong thời gian mưa lũ. Kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông, hạn chế các phương tiện vào vùng nguy hiểm.
Nguyễn Tú