Bộ Công an: Tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao
(Dân trí) - "Tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước", Bộ Công an thông tin.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp thẩm định đề xuất, vũ khí quân dụng bao gồm: "kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu và dao có tính sát thương cao được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng này nhưng sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật".
Góp ý việc này, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an) cân nhắc bởi một số lý do. Thứ nhất, theo Bộ Tư pháp, một trong những đặc điểm của vũ khí quân dụng để phân biệt với các loại vũ khí khác đó là tính chất sử dụng các loại vũ khí này phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh.
Do đó, quy định vũ khí quân dụng bao gồm "kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ…" chưa phù hợp với tính chất, nội hàm của khái niệm vũ khí quân dụng.
Thứ hai, việc phân loại vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ đối với các loại vũ khí khác dựa vào mục đích sử dụng chưa bảo đảm tính thống nhất trong chính sách xử lý hình sự đối với cùng một hành vi, cùng một đối tượng tác động nhưng chỉ khác nhau về mục đích sử dụng đối tượng tác động đó.
Cụ thể, cùng một loại vũ khí nhưng trong trường hợp chưa sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí thô sơ và xử lý theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự. Nhưng cũng là loại vũ khí đó khi được sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật sẽ xác định là vũ khí quân dụng và bị xử lý theo quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự (điều luật có chính sách xử lý hình sự nghiêm khắc hơn).
So với quy định về "vũ khí thô sơ" tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành, Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo đề cương luật đã bổ sung thêm "công cụ, phương tiện được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp có khả năng gây sát thương tương tự như vũ khí thô sơ…" vào nội hàm khái niệm "vũ khí thô sơ".
"Nội dung này cần được cân nhắc thêm vì công cụ, phương tiện được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp có khả năng gây sát thương là một khái niệm không rõ ràng nên có thể bao gồm cả các phương tiện, công cụ, phương tiện lao động sản xuất thông thường như: cuốc, thuổng, kéo, búa, liềm… Đây là các công cụ lao động, sản xuất thuần túy, thông thường tuy có thể gây sát thương (nếu sử dụng sai mục đích) nhưng không thể coi là vũ khí thô sơ", Bộ Tư pháp phân tích.
Các công cụ, phương tiện nêu trên có bản chất không phải là vũ khí, nên về nguyên tắc không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Từ đó, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ gây ảnh hưởng, tác động tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trả lời ý kiến trên, Bộ Công an dẫn thống kê 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện 27.161 vụ, bắt giữ 46.693 đối tượng sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, sử dụng vũ khí thô sơ có 8.537 vụ, 17.632 đối tượng (chiếm 31,4% tổng số vụ, 37,7% tổng số đối tượng).
"Thống kê cho thấy, tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, nhiều vụ là các băng, nhóm tội phạm có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân", Bộ Công an thông tin.
Thực tế quá trình điều tra các vụ án này, cơ quan điều tra chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích; không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 không quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí.
"Việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ cũng gặp rất nhiều khó khăn", Bộ Công an nêu căn cứ thực tiễn.
Trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo nêu rõ quan điểm, các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt.
Việc quy định như dự thảo được kỳ vọng sẽ điều chỉnh được hành vi của người sử dụng dao đúng quy định pháp luật, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người và là căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm.
Bộ Công an khẳng định, việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh dao có tính sát thương cao bảo đảm thuận tiện, thủ tục đơn giản, không phát sinh thủ tục hành chính.
Toàn quốc hiện có khoảng 12 làng nghề, 13.300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 22.000 người tham gia sản xuất, kinh doanh với trên 2.300 mẫu dao khác nhau.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an chưa có cơ quan nào trực tiếp quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại dao này nên hiện nay doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh, mua bán các loại dao tự do.
Trong số hơn 2.300 mẫu dao có khoảng 300 loại dao có tính sát thương cao nguy hiểm như vũ khí quân dụng (dao bầu, dao mèo, dao phay, dao chặt…). Khi đối tượng với ý thức chủ quan, động cơ, mục đích trái pháp luật sẽ dễ dàng mua hoặc tự chế các loại dao có tính sát thương cao để sử dụng.