1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề nghị rà soát lại quy định "dao có tính sát thương cao" là vũ khí thô sơ

Thế Kha

(Dân trí) - Nhằm đảm bảo tính khả thi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện Bộ VH-TT&DL đề nghị Bộ Công an rà soát lại quy định liên quan đến "dao có tính sát thương cao" là vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng.

Sáng 27/1, đại diện Bộ Tư pháp cho biết cơ quan này đã tổ chức họp thẩm định dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Tại cuộc họp, đại diện Bộ VH-TT&DL cho rằng việc đưa dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ là quy định mới. Tuy nhiên, dự thảo định nghĩa chưa hợp lý khi quy định: "dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên, hoặc dao có chiều dài lưỡi dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao".

Đề nghị rà soát lại quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh (Ảnh: An Như).

Với mô tả đó, theo đại diện Bộ VH-TT&DL, rất nhiều loại dao dùng trong sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất cũng có thể là vũ khí thô sơ. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ về quy định này để bảo đảm tính khả thi.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ Công an (chủ trì soạn thảo) rà soát thêm dự thảo luật này với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Qua đó, bà Oanh yêu cầu loại bỏ các nội dung trùng lặp để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Về quy định súng kíp, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này là một trong các loại vũ khí quân dụng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh dẫn chiếu khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định "súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này là súng săn".

Chế tài xử lý hình sự tại Điều 306 Bộ luật Hình sự cũng quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn.

Đề nghị rà soát lại quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ - 2

Đại diện Bộ VH-TT&DL cho rằng nếu quy định như dự thảo luật sẽ dẫn tới rất nhiều loại dao dùng trong sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất cũng có thể là vũ khí thô sơ (Ảnh: An Như).

Như vậy, so với quy định hiện hành, dự thảo luật chưa quy định khái niệm, cơ chế quản lý đối với súng săn. Các loại súng đang được quy định là súng săn theo quy định của luật năm 2017 lại được quy định là vũ khí quân dụng tại dự thảo luật. Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung những quy định đó cho phù hợp.

Nữ Thứ trưởng gợi ý thay vì xác định vũ khí thô sơ theo mục đích sử dụng, nên tiếp cận theo tính năng khoa học, kỹ thuật của chúng.

Để xác định kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu và dao có phải là vũ khí thô sơ hay không, theo bà, cần căn cứ vào danh mục, mẫu mô tả chi tiết về kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành; đồng thời bổ sung quy định quản lý đối với loại vũ khí này.

Đề nghị rà soát lại quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ - 3

Theo Bộ Công an, trong số hơn 2.300 mẫu dao hiện nay có khoảng 300 loại dao có tính sát thương cao nguy hiểm như vũ khí quân dụng, điển hình là dao bầu, dao mèo, dao phay, dao chặt… (Ảnh: Công an Bến Cát).

Như Dân trí thông tin trước đó, Bộ Công an thống kê toàn quốc hiện có 12 làng nghề, 13.300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 22.000 người tham gia sản xuất, kinh doanh với trên 2.300 mẫu dao khác nhau.

Trong số hơn 2.300 mẫu dao có khoảng 300 loại dao có tính sát thương cao nguy hiểm như vũ khí quân dụng như dao bầu, dao mèo, dao phay, dao chặt…

5 năm qua, toàn quốc phát hiện, bắt giữ trên 16.000 vụ, 26.000 đối tượng sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây án.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được Bộ Công an soạn thảo, đề xuất quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ. Khi đối tượng tàng trữ, sử dụng với ý thức chủ quan, động cơ, mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, mới được xác định là vũ khí quân dụng.

Các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt.

Bộ Công an cho rằng quy định như vậy mới điều chỉnh được hành vi của người sử dụng dao đúng quy định của pháp luật, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người và là căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm.