1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tranh luận về quy định "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ

Thế Kha

(Dân trí) - Đề xuất quy định "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ, nếu được sử dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật sẽ được coi là vũ khí quân dụng đang gây tranh luận.

Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp thẩm định, đề xuất bổ sung quy định "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ.

Đề nghị làm rõ về "dao có tính sát thương cao"

Góp ý với dự thảo, Ủy ban Dân tộc nêu thực tế, đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thường rèn thủ công các loại dao nhọn và sắc, có chiều dài từ 20cm trở lên để phục vụ lao động, sản xuất. Việc này phù hợp với văn hóa, tập quán, điều kiện kinh tế của họ.

"Nếu hiểu các loại dao này là dao có sát thương cao (là vũ khí thô sơ) và yêu cầu chủ sở hữu phải thực hiện thủ tục khai báo theo quy định tại Điều 33 dự thảo luật có thể dẫn đến nhiều bất cập trong thực tế", Ủy ban Dân tộc nêu quan điểm.

Tranh luận về quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ - 1

Dao đi rừng của bà con dân tộc được rao bán trên mạng xã hội (Ảnh minh họa).

Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị làm rõ quy định "dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên, hoặc dao có chiều dài lưỡi dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao".

Với mô tả đó, theo Bộ này, sẽ có rất nhiều loại dao dùng trong sinh hoạt gia đình (như dao gọt hoa quả), lao động sản xuất cũng có thể là vũ khí thô sơ.

Từ đó, Bộ VH-TT&DL đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ nhằm bảo đảm tính khả thi, phân biệt dao được coi là vũ khí (có tính sát thương cao) với dao sử dụng cho mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt để có cơ chế quản lý phù hợp, khả thi.

Ngoài ra, cơ quan này cho rằng cần làm rõ đối tượng được phép sở hữu dao là vũ khí, quy định nơi nào người dân được phép mang theo dao nhưng phải công khai, bị cấm nếu cố tình che dấu chúng; nơi nào người dân không được phép mang dao kể cả dao thông thường như tại cảng hàng không, trên máy bay, trường học, công sở, di tích lịch sử văn hóa, rạp chiếu phim, cơ quan đại diện ngoại giao...

Đối với các địa điểm được phép sử dụng dao công khai như chợ, quán ăn, cửa hàng thực phẩm... cần có quy tắc, quy định về sử dụng dao để bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ sử dụng dao vào mục đích phạm tội.

Tại hồ sơ dự án luật gửi tới Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo (Bộ Công an), cho biết đã tiếp thu các ý kiến góp ý trên và chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp.

Bộ Công an cho rằng, các đối tượng khi sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích vi phạm pháp luật sẽ bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 5 dự thảo luật và tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Dự thảo luật cũng quy định Bộ Công an ban hành danh mục vũ khí thô sơ, trong đó có dao có tính sát thương cao.

VKSND Tối cao chưa đồng thuận

VKSND Tối cao phân tích, Bộ luật Hình sự hiện hành có sự phân hóa rõ mức độ sát thương đối với từng loại vũ khí: vũ khí quân dụng và vũ khí thô sơ tương ứng các mức hình phạt khác nhau.

Việc đề xuất bổ sung quy định kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung nỏ, phi tiêu (hiện quy định là vũ khí thô sơ) có mức độ sát thương cao thành vũ khí quân dụng (cùng với các vũ khí quân dụng hiện nay có tính sát thương rất cao, rất nhanh như súng, bom, mìn, lựu đạn…) sẽ rất khó bảo đảm việc phân hóa các trường hợp trong xử lý trách nhiệm hình sự khi Bộ luật Hình sự không được sửa đổi, bổ sung.

VKSND Tối cao đánh giá, quy định "dao có tính sát thương cao" sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thuộc vũ khí quân dụng là khiên cưỡng. Bản chất vũ khí quân dụng là những vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, chuyên dùng cho các lĩnh vực đặc thù như bảo đảm an ninh, quốc phòng, thi hành công vụ.

"Dao vốn là vật dụng được sản xuất và sử dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, tập quán thông thường lại trở thành vũ khí quân dụng khi nó được sử dụng nhằm mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là chưa thỏa mãn bản chất của vũ khí quân dụng", cơ quan này nêu quan điểm.

Tranh luận về quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ - 2

Hung khí trong một vụ án được công an thu giữ (Ảnh: Công an Bến Cát).

Suy rộng ra, theo VKSND Tối cao, ngoài dao còn rất nhiều các loại vật, hung khí nguy hiểm khác như gạch, đá, gậy sắt… khi sử dụng nhằm mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì có coi là vũ khí quân dụng không? Trong khi Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn cũng đã có khái niệm "hung khí nguy hiểm" để xử lý đối với hành vi phạm tội sử dụng các đồ vật này, gồm cả dao các loại.

Trường hợp cần nghiêm trị các đối tượng dùng súng tự chế, vũ khí thô sơ, các loại dao có tính sát thương cao, VKSND Tối cao đề nghị cần tính đến phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý phù hợp, hiệu quả.

Giải đáp quan điểm trên, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật, vì thực tế qua đấu tranh với tội phạm cho thấy các đối tượng thường sử dụng kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu... để gây án, chống người thi hành công vụ. Thế nhưng theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự sẽ không xử lý ngay được.

Tại tờ trình dự án luật, Bộ Công an khẳng định các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt.

Quy định như dự thảo mới điều chỉnh được hành vi của người sử dụng dao, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người. Hơn nữa, việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh dao có tính sát thương cao bảo đảm thuận tiện, thủ tục đơn giản, không phát sinh thủ tục hành chính.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ cần khai báo số lượng, chủng loại dao với Công an cấp xã và không đưa vào ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Dùng dao gây án đang diễn biến phức tạp

Bộ Công an khẳng định, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp.

Riêng tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng). Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm