1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Công an lấy ý kiến về mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chíp

Thế Kha

(Dân trí) - Căn cước công dân hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm, độ dày 0,76 mm. Thẻ được sản xuất bằng nhựa, ngoài cùng của hai mặt phủ lớp màng nhựa trong suốt.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời gian 2 tháng.  

Theo đó, thẻ Căn cước công dân hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm, độ dày 0,76 mm. Thẻ được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt...

Bộ Công an lấy ý kiến về mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chíp - 1
Mẫu thẻ Căn cước công dân hiện hành (Ảnh tư liệu: Thế Kha).

Mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin: Hình Quốc huy, đường kính 12mm; ảnh của người được cấp thẻ cỡ 20 x 30mm; có giá trị đến...

Bên phải, từ trên xuống: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”; biểu tượng của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; số; họ và tên; ngày sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú.

Mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin: Đặc điểm nhận dạng; ngày, tháng, năm cấp thẻ; chức danh của người có thẩm quyền cấp thẻ; chữ ký, họ và tên của người có thẩm quyền cấp thẻ; dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ; chíp điện tử.

Ngoài ra còn có 2 ô là vân tay ngón trỏ trái và vân tay ngón trỏ phải của người được cấp thẻ; dòng mã ICAO, mã QR code.

Dự thảo thông tư quy định con dấu trên thẻ Căn cước công dân màu đỏ, là con dấu có hình Quốc huy thu nhỏ của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.

Thời hạn sử dụng của thẻ căn cước được tính theo độ tuổi đổi thẻ quy định tại Điều 21 Luật Căn cước công dân (thẻ căn cước phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi).

Việc cấp thẻ Căn cước công dân bắt đầu được thực hiện từ năm 2016, đến nay mới triển khai được ở 16 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có văn bản đề nghị 16 địa phương dừng việc tuyên truyền cấp đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân để chờ triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip (dự kiến bắt đầu từ tháng 11/2020).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, triển khai từ năm 2020 - 2022 tại Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố và các quận, huyện, thị xã với tổng mức đầu tư là 2.696 tỷ đồng. Bộ Công an dự kiến đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp khoảng 50 triệu thẻ.