1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ Công an đề nghị Công an TPHCM rà soát hoạt động từ thiện của cá nhân

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Cục Cảnh sát Hình sự (C02) Bộ Công an đã có công văn đề nghị Công an TPHCM rà soát, đánh giá hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân, tổ chức có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.

Trước thông tin cho rằng hoạt động kêu gọi từ thiện của một số nghệ sĩ, cá nhân, thời gian qua có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, chiều 29/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, đơn vị đã đề nghị Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM và công an các địa phương khác rà soát, đánh giá tình hình hoạt động kêu gọi từ thiện có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ tối 6/9 khi nhận các câu hỏi xung quanh sự việc gây tranh cãi những ngày qua về chuyện vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên, cầu thủ Công Vinh được yêu cầu công khai bản sao kê hoạt động thu - chi quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh nguyên tắc phải đảm bảo minh bạch trong hoạt động từ thiện.

Trước khi câu chuyện làm từ thiện gây tranh cãi của vợ chồng Thủy Tiên xôn xao những ngày qua, nhiều nghệ sĩ Việt bị "tố", bị phản ứng trên mạng xã hội là thiếu minh bạch, chuẩn mực khi đứng ra quyên góp từ thiện.

Trên mạng xã hội xuất hiện những cuộc livestream "bóc phốt" nghệ sĩ gây chú ý lớn. Từ đó, nhiều hoạt động từ thiện có dấu hiệu nghi vấn được đề cập tới.

Nói về hiện tượng này, Trung tướng Tô Ân Xô phân tích, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ đồng bào vượt qua khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hoạn nạn là nghĩa cử rất cao đẹp, mang tính nhân văn. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đóng góp này.

Bộ Công an đề nghị Công an TPHCM rà soát hoạt động từ thiện của cá nhân - 1

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an tại cuộc họp báo tối 6/9 (Ảnh: Nguyễn Quân).

Việc tiếp nhận và vận động, phân phối việc sử dụng nguồn đóng góp này được pháp luật quy định rõ ràng tại Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

"Theo quy định, việc vận động, tiếp nhận phân bổ sử dụng tiền, hàng, phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, minh bạch, công khai. Pháp luật nghiêm cấm hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi; nghiêm cấm việc gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng của tổ chức, cá nhân quyên góp" - Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh.

Trung tướng Tô Ân Xô cũng khẳng định, khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

"Trong bối cảnh hiện nay, dư luận quan tâm chú ý vấn đề này, nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo trong quyên góp từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan điều tra. Các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định" - ông Xô cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm