Bình Định đề nghị chuyển đổi 250ha rừng phục vụ cao tốc Bắc - Nam
(Dân trí) - Bình Định xin chuyển đổi 250ha rừng, gần 240ha đất rừng và hơn 356ha đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên, để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 qua địa bàn tỉnh này.
Ngày 11/10, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản chỉ đạo việc điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuyển đổi rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định; báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện trước ngày 15/10.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định được giao chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác tận dụng lâm sản đúng diện tích, vị trí chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án;
Không để lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng, khai thác lâm sản ngoài vị trí cho phép, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp.
UBND tỉnh Bình Định đề nghị Ban quản lý dự án 2, Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình thực hiện các hồ sơ, thủ tục chuyển đổi rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên phục vụ dự án qua địa bàn tỉnh theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
Được biết, tỉnh Bình Định đề nghị chuyển hơn 250ha rừng, gần 240ha đất rừng và trên 356ha đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên.
Qua tìm hiểu của phóng viên, dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn có đoạn km18+650 - km21+100 (huyện Hoài Ân và Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), khối lượng đào đất, phá đá rất lớn (khoảng 2,6 triệu m3).
Đây là một trong các vị trí quyết định tiến độ của dự án khi phải tận dụng đất, đá điều phối đắp nền đường cho các đoạn tuyến lân cận (khoảng 600.000m3) và tận dụng đá xay nghiền (khoảng 500.000m3) làm vật liệu thi công móng đường, đắp vật liệu dạng hạt... để tiết giảm chi phí đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, do phải chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng nên việc thi công điều phối đất, đá cho các đoạn, tuyến khác gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.