Bí thư Hà Nội: Dập dịch nhưng không phong tỏa cực đoan, "ngăn sông cấm chợ"
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các địa phương nhân rộng mô hình chống dịch 3 lớp hiệu quả đã được Đông Anh áp dụng. Cách làm này vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không gây cảnh "ngăn sông cấm chợ"…
Hiệu quả của mô hình phong tỏa, cách ly 3 lớp
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban cán sự Đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 diễn ra chiều nay (10/5), Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, trên cơ sở chủ động dự báo sớm và nhận định đúng tình hình, diễn biến của dịch bệnh lần này nên Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 từ rất sớm.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã chủ động, quyết liệt, đồng bộ triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế với các biện pháp triển khai bài bản, khoa học, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phù hợp, trúng, đúng với diễn biến dịch bệnh, kể cả trong những ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5.
Trước việc dịch bệnh vẫn có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp, ngành và người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không bi quan, lo lắng thái quá.
Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên việc phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", quyết liệt, mạnh mẽ, "thần tốc" hơn nữa.
Phân tích cách làm sáng tạo của huyện Đông Anh khi khoanh vùng ổ dịch theo 3 lớp (lớp lõi có dịch, thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, lớp tiếp theo thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19), Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, cách làm này vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không gây cảnh "ngăn sông cấm chợ", làm đảo lộn đời sống người dân. Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu nhân rộng mô hình cách ly, phong tỏa 3 lớp này.
"Thành phố không giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta phải bình tĩnh xử lý. Những giải pháp thành phố đang làm là đúng và hiệu quả, không bỏ lọt F1, F2, F3" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Báo cáo hàng giờ như "thời chiến"
Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng yêu các đơn vị cần huy động, dồn lực chuẩn bị đầy đủ, không để chậm chễ các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh như vật tư xét nghiệm, máy thở, quần áo bảo hộ... Bên cạnh đó, phải siết chặt các quy trình khám chữa bệnh tại các bệnh viện, không để lây lan dịch bệnh…
Để tiếp tục triển việc khai tiêm vắc xin cho người dân Hà Nội, Bí thư Thành ủy giao UBND thành phố chuẩn bị nguồn ngân sách, MTTQ có kế hoạch vận động xã hội hóa nguồn lực tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 trên địa bàn.
Một lưu ý được lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nêu ra là quan tâm lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch, động viên, hỗ trợ trường hợp cách ly, khu vực phong tỏa; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, lơ là, chủ quan nhập cảnh trái phép...
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã các địa phương có dịch chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn mình. Để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mắc bệnh Covid-19 do lỗi lơ là, chủ quan, không gương mẫu tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, buông lỏng quản lý thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
"Về cơ chế thông tin, báo cáo, đề nghị mọi người phải thực hiện khẩn trương, tốc độ như thời chiến, tăng cường ứng dụng thông tin qua các kênh, bảo đảm kịp thời cho phục vụ yêu cầu của lãnh đạo chính xác, hiệu quả…" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Kiểm soát tốt 5 trong 8 chùm ca bệnh, lo ngại "ổ dịch" Thuận Thành
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 46 ca mắc ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện với 28 điểm tạm thời phong tỏa để khoanh vùng, dập dịch.
Đáng chú ý, liên quan tới 8 chùm ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, cơ quan y tế đã cơ bản kiểm soát được 5 nguồn lây nhiễm, tại "ổ dịch" Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, ca bệnh từ chuyên gia Ấn Độ và chuyến bay VN160.
Quá trình truy vết, cơ quan y tế xác định 3 "điểm nóng" hiện tại liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (có 11 F0, 217 F1); Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều (có 2 F0, 71 F1) và chùm ca bệnh tại Bắc Ninh (có 14 F0 và 122 F1, đều liên quan tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2).
"Ổ dịch tại 2 bệnh viện và đặc biệt là ổ dịch tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, đang là mối quan ngại lớn. Số ca mắc vẫn tiếp tục được ghi nhận. Vì vậy cần tập trung giải pháp để nhanh chóng kiểm soát nguồn lây từ 3 ổ dịch này" - bà Hà thông tin thêm.
Để chủ động ứng phó dịch bệnh, Hà Nội nhận định, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng, quyết định việc xác định sớm ca bệnh để chủ động bao vây, khoanh vùng, dập dịch. Ngành y tế đã nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng cường năng lực lấy mẫu. Hiện công suất xét nghiệm của CDC Hà Nội đã tăng 10 lần (từ 3.000 mẫu/ngày tăng lên 30.000 mẫu/ngày) và sẽ tiếp tục nâng công suất xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu chống dịch…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, các chuyên gia đánh giá, những ngày tới trên địa bàn sẽ còn gia tăng các ca bệnh nên cần chú trọng nguy cơ F0 từ địa bàn các tỉnh giáp ranh với Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn còn "chỗ này, chỗ kia" thực hiện công tác phòng chống dịch chưa quyết liệt như việc ở công viên, vườn hoa vẫn có tình trạng người dân tụ tập.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh thông tin, thành phố sẽ xem xét tạm dừng thêm loại hình kinh doanh không thiết yếu khác.